Tính đến thời điểm này đã có khoảng 19 triệu SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối bị thu hồi và sắp tới con số này sẽ vượt qua 20 triệu SIM, khi Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng phải rà soát, thu hồi những SIM kích hoạt sẵn của năm 2015 đến hết 2016.
Ảnh minh họa.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc Trung tâm VNCERT cho biết, sau đợt kiểm tra mới nhất đối với các SIM trả trước được kích hoạt sẵn trong tháng 12/2016 và tiến hành thu hồi thì đã có thêm 819.070 SIM bị các mạng thu hồi. Như vậy tính đến thời điểm này đã có khoảng 19 triệu SIM kích hoạt sẵn đã bị thu hồi. Theo thống kê của VNCERT, MobiFone có số thuê bao trả trước kích hoạt mới là 286.896 SIM. Trong đó, có 78.701 SIM thuộc diện nghi ngờ kích hoạt sẵn và đã có 74.803 SIM đã bị khóa. Kế đến là VinaPhone có SIM trả trước được kích hoạt sẵn là 464.063 SIM, số SIM thuộc diện nghi vấn là 117.374 SIM, và đã thực hiện khóa 99.004 SIM. VNCERT cho biết, Viettel có số SIM kích hoạt sẵn và số SIM nghi ngờ và thu hồi về cao nhất. Cụ thể, Viettel có 1.586.189 SIM trả trước kích hoạt mới trong tháng 12 và có tới 622.507 SIM trong diện nghi ngờ, sau đó nhà mạng này đã khóa 615.263 SIM.
Như vậy, sau khi các nhà mạng ký cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối thì số lượng SIM rác, tin nhắn rác giảm mạnh, nhưng vẫn còn những SIM trả trước kích hoạt sẵn sau ngày các nhà mạng ký kết.
Chỉ đạo về vấn đề này, lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết, Bộ TT&TT quyết ra tay dẹp nạn SIM rác, tin nhắn rác. Bộ TT&TT yêu cầu 3 nhà mạng lớn nhất là Viettel, MobiFone, VinaPhone phải tuyệt đối tuân thủ những cam kết thu hồi SIM trả trước kích hoạt sẵn trên kênh phân phối cũng như về giá cước, khuyến mại. Nếu công tác này bị lơ là có thể vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác lại bùng phát trở lại.
Trong nghị định quản lý thuê bao trả trước đang trình Chính phủ ban hành sẽ quy định chặt chẽ về trách nhiệm của nhà mạng trong việc đăng ký thông tin thuê bao đi kèm với các chế tài xử phạt rất nặng đối với các hành vi sai phạm về quản lý thuê bao di động trả trước. Nghị định này sẽ thay thế quy định cũ về quản lý thuê bao trả trước và sẽ loại bỏ việc các đại lý được kích hoạt SIM như hiện nay.
Theo khảo sát của ICTnews mới đây, hiện thị trường vẫn công khai bán SIM đã kích hoạt sẵn của tất cả các nhà mạng. Nhiều chủ cửa hàng SIM thẻ cho biết là họ đang bán những SIM đã chuyển sang đăng ký dưới tên doanh nghiệp và SIM kích hoạt từ năm 2015 về trước nên không thuộc diện thu hồi để khách hàng yên tâm sử dụng. Thậm chí, khi khách hàng có nhu cầu mua SIM thì các đại lý dùng thiết bị kích hoạt SIM ngay tại cửa hàng bằng chứng minh thư giả.
Trao đổi với ICTnews về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Lịch cho biết, sắp tới Bộ TT&TT sẽ yêu cầu các mạng di động rà soát lại các SIM đã kích hoạt sẵn từ năm 2015 đến hết năm 2016 để đảm bảo thu hồi được những SIM đã kích hoạt sẵn sai quy định. Theo ước tính số lượng SIM kích hoạt sẵn từ năm 2015 đến hết năm 2016 có thể lên đến trên 20 triệu SIM.
Rõ ràng, với con số lớn trên 20 triệu SIM đã kích hoạt sẵn có phần trách nhiệm rất lớn của nhà mạng, đặc biệt là 3 nhà mạng lớn và cả các đại lý. Có những đại lý bị Thanh tra Bộ TT&TT phát hiện đã kích hoạt hàng nghìn SIM để bán ra thị trường. Một câu hỏi đặt ra là nhà mạng đã có biện pháp mạnh tay với các đại lý kích hoạt SIM sai quy định này hay chưa hay vẫn còn dung túng chuyện đó gây nên vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2017 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ được rất nhiều thuê bao đồng tình rằng, doanh nghiệp di động phải chịu trách nhiệm chính trong quản lý SIM rác, tin rác. Nhà nước cấp đầu số cho doanh nghiệp, doanh nghiệp phải có biện pháp quản lý. Nếu không làm được mà để tin rác, SIM rác tồn tại thì phải thay người đứng đầu.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ năm 2017, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, mua bán lưu thông SIM di động sai quy định; xây dựng các chính sách thúc đẩy sự phát triển thuê bao di động trả sau.
Thái Khang / ICTNews