Dự thảo kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định đã được Cục Viễn thông hoàn thiện xây dựng và đang chờ Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định thời điểm thực hiện trong năm nay.
Hình minh họa: Internet
Mã vùng điện thoại cố định là những số đầu tiên phải bấm trước số điện thoại cố định, chẳng hạn mã vùng của TP.HCM là 8, Hà Nội là 4, Tuyên Quang là 27...
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông, việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định sẽ được thực hiện trong năm 2016. Tuy nhiên thời điểm thực hiện cụ thể thì còn đang chờ lãnh đạo Bộ phê duyệt.
Được biết, năm ngoái thông tin về việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định đã thu hút sự quan tâm của dư luận bởi nó sẽ gây ra tốn kém rất lớn cho xã hội, do việc chuyển đổi này sẽ kéo theo việc thay đổi bao bì, bảng hiệu... của rất nhiều cơ quan doanh nghiệp, vì số điện thoại cố định của các cơ quan, doanh nghiệp được in trên đó.
Song, theo giải thích của Bộ Thông tin và Truyền thông, quy hoạch về kho số viễn thông (có hiệu lực từ 1-3-2015) có quy hoạch về chuyển thuê bao di động từ 11 số xuống thành thuê bao 10 số và chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định. Việc thay đổi mã vùng điện thoại cố định sẽ diễn ra trong 2 năm và thực hiện theo từng khu vực.
Khi đã thống nhất phương án và thời điểm thay đổi mã vùng điện thoại cố định thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phải thông báo trước 60 ngày đến các thuê bao trên phương tiện thông tin đại chúng và cho phép gọi đồng thời cách cũ và cách mới trong vòng 60 ngày. Điều này sẽ giảm thiểu ảnh hưởng cho khách hàng trong quá trình diễn ra việc thay đổi.
Còn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định cho biết họ sẵn sàng kéo dài thời gian giữ số song song cho khách hàng nhiều hơn quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông để cho khách hàng làm quen với việc thay đổi mã vùng điện thoại cố định, thậm chí có thể giữ số song song từ 6 tháng đến 1 năm để đảm bảo rằng hầu hết các khách hàng không bị ảnh hưởng bởi chính sách thay đổi mã vùng điện thoại cố định.
Vì sao phải thay đổi mã vùng điện thoại
Theo giải thích của Bộ Thông tin và Truyền thông, cần phải thay đổi mã vùng điện thoại cố định bởi hiện phần lớn kho số tại Việt Nam được sử dụng cho thuê bao điện thoại cố định, rất ít còn lại cho thuê bao di động, mặc dù số thuê bao di động đang chiếm khoảng 95% tổng số thuê bao điện thoại của Việt Nam. Điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam, đây là xu hướng chung trên thế giới khi mà dịch vụ điện thoại cố định đang suy giảm mạnh và người dùng chuyển sang sử dụng di động là chính.
Thêm nữa, việc chia tách và hợp nhất tỉnh, thành phố dẫn đến mã vùng số cố định không nhất quán, mã vùng có độ dài khác nhau. Ví dụ mã Hà Nội là 4, Thanh Hóa là 37, Nam Định là 350 (Nam Hà là 35, tách ra Hà Nam là 351, Nam Định là 350). Thông thường trên thế giới, Thủ đô đông dân nên thường có mã tỉnh ngắn, còn lại các tỉnh bình thường có mã dài hơn một chữ số. Thực trạng hiện nay sớm hay muộn thì cũng phải đổi lại các mã vùng nội hạt để có một bảng mã vùng đồng nhất theo thông lệ quốc tế.
Thêm nữa, Bộ Thông tin và Truyền thông còn cho rằng việc đổi lại mã vùng đã được xem xét để tiến tới sau này giảm bớt mã vùng. Theo đó, vùng cước nội hạt của điện thoại cố định sẽ giảm từ 63 vùng cước còn 8-10 vùng nội hạt trên phạm vi cả nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông lập luận rằng thay đổi mã, số viễn thông là cách tốt nhất để cân bằng giữa sử dụng tối ưu, hiệu quả kho số và việc tận dụng được công nghệ, dịch vụ mới. Ngoài ra, thị trường cạnh tranh cũng cần nhiều đầu số dành cho các doanh nghiệp khác nhau để đảm bảo bình đẳng. Thông thường trên thế giới, tối ưu nhất thì cứ trung bình khoảng 10 năm các nước lại có thay đổi về mã, số viễn thông.
Vân Ly / thesaigontimes.vn