Khe cửa hẹp cuối cùng để các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu vải không phải qua thủ tục hải quan ngặt nghèo dự kiến sẽ được đóng lại theo đề xuất của Tổng cục Hải quan.
Các DN dệt may đang đau đầu vì trải qua nhiều thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm. Ảnh TL.
Khoản 5 điều 62 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25-3-2015 của Bộ Tài chính quy định, nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công không quá 3% tổng lượng nguyên liệu, vật tư thực nhập thì khi bán, tiêu thụ nội địa “không phải làm thủ tục hải quan” khi chuyển đổi mục đích sử dụng.
Thông tư trên của Bộ Tài chính như khe cửa hẹp cuối cùng để các doanh nghiệp dệt may nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất bớt đi việc phải tiến hành thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo mà Thông tư 37 của Bộ Công Thương quy định rất chặt chẽ.
Thông tư 37 (Điểm c khoản 1 điều 11) quy định mức giới hạn về việc kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may yêu cầu: đối với phần vải nguyên liệu chuyển tiêu thụ nội địa sau khi kết thúc hợp đồng gia công hay sản xuất xuất khẩu “phải kiểm tra” khi làm thủ tục hải quan.
Bên cạnh đó, các sản phẩm (dệt may) trên sau khi xuất khẩu còn dư hoặc khi xuất khẩu không đạt yêu cầu của nước nhập khẩu, quay lại tiêu thụ trong nước cũng “phải kiểm tra” theo Thông tư 37 (hướng dẫn tại điểm 1, công văn số 724/BTC-KHCN ngày 21-1-2016 của Bộ Công Thương).
Hai yêu cầu trên đã làm các doanh nghiệp dệt may lao đao khi phải trải qua quá nhiều thủ tục hải quan phiền hà - điều mà họ không phải làm trước đây.
Tuy nhiên, khe của hẹp trên đang được Tổng cục Hải quan đề nghị đóng nốt. Cơ quan này cho rằng số lượng 3% nguyên liệu trên – như Thông tư 38 của Bộ Tài chính nêu - “phải thực hiện thủ tục kiểm tra” hàm lượng formaldehyde và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may tương tự các sản phẩm dệt may quy định tại Điều 10 Thông tư 37 của Bộ Công thương.
Động thái này, theo Tổng cục Hải quan, nhằm “tăng cường công tác quản lý” với các doanh nghiệp “không tự giác” và đưa vào thị trường trong nước những sản phẩm dệt may không “không đáp ứng tiêu chuẩn”.
Được biết, cơ quan này đang đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến để các cục hải quan thực hiện.
Thông tư 37 ban hành cuối năm 2015 đã gặp phản ứng dữ dội từ các doanh nghiệp dệt may do tăng thêm thủ tục hải quan, làm khó cả doanh nghiệp nhập khẩu lẫn cơ quan quản lý.
Trong một hội thảo cuối năm 2015, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đề nghị chưa ban hành Thông tư 37 này sau khi nhận được phản ứng của đại diện các hiệp hội dệt may. CIEM cho rằng, Thông tư 37 trái với tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Theo Tư Hoàng / TBKTSG