Nghề ship (giao hàng) trong mùa dịch Covid-19 trở thành thiết yếu khi người người hầu hết làm việc tại nhà, học tại nhà, đặt đồ ăn qua ứng dụng và mua hàng online nhằm giãn cách xã hội và tránh tụ tập đông người theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch. Khi đó, shipper (người giao hàng) chính là cầu nối giữa bên bán và bên mua...
Shipper mùa Covid-19 lên ngôi nhưng... chưa lên hương
Cuộc sống mùa dịch không thể thiếu shipper
Chị Mai - nhân viên một công ty nước ngoài tại TP.HCM - cho biết: “Bình thường, tôi đã phải sử dụng dịch vụ giao hàng, giao thức ăn rất nhiều. Những ngày dịch tránh đến làm việc tại văn phòng tụ tập đông người, việc sử dụng dịch vụ giao hàng càng cần thiết hơn”.
Với chị Mai, một nhân viên văn phòng sống độc thân và thỉnh thoảng mới nấu ăn tại nhà, mỗi tuần có ít nhất 3-5 lần đặt đồ ăn qua các ứng dụng như Grab, Now hay Go-Viet. Đó là chưa kể nhu cầu phải giao đồ đạc, hàng hóa, chuyển tài liệu... cho các đối tác theo công việc hàng ngày vẫn phải xử lí.
Đối với anh Trực, dù đã có gia đình và con cái, hàng tuần đi siêu thị mua sắm đầy đủ các loại thực phẩm và đồ dùng thiết yếu, nhưng trong mùa dịch này vì ít ra khỏi nhà cho nên vẫn thường cần đến các shippers để giao đồ ăn theo nhu cầu phát sinh.
“Tần suất sử dụng dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn của gia đình tôi tăng hơn so với ngày thường từ 30-40% tính từ ngày công ty áp dụng chế độ làm việc tại nhà (work from home)” - anh Trực cho biết. Chính vì thế, việc tải các ứng dụng di động để qua đó đặt đồ ăn thức uống trực tuyến hay mua hàng là điều không thể thiếu.
Theo chị Trang - cán bộ quản lí tại một công ty truyền thông nước ngoài đặt tại TP.HCM, mùa dịch Covid-19 hạn chế ra đường và làm việc tại nhà cũng nhờ có dịch vụ giao hàng đã phát triển nên đáp ứng được hầu hết nhu cầu chuyển gửi đồ đạc, tài liệu cho đối tác và giữa các cá nhân cũng như bên bán - bên mua hàng hóa. Chị Trang cho rằng, đây chính là điều khác biệt của nền kinh tế hiện nay so với khoảng 5 năm trở về trước.
“Công việc hàng ngày của tôi cần chuyển, gửi đồ đạt, tài liệu gì đều sử dụng dịch vụ giao hàng. Chỉ đối với những tài liệu quan trọng, cần bảo mật thì tôi mới không dùng shippers bên ngoài mà sử dụng nhân viên giao liên của công ty” - chị Trang nói.
Vai trò của nghề shipper trong mùa dịch đang thể hiện ngày càng rõ nét về tính cần thiết. Bởi nếu không có shippers, người người đều phải ra ngoài mua hàng, chuyển đồ... thì khó mà bảo đảm sự giãn cách xã hội để phòng chống dịch.
Cho nên, nếu cho rằng nghề shipper đã gián tiếp giúp giãn cách xã hội trong những ngày cao độ phòng tránh dịch bệnh Covid-19 cũng hoàn toàn có lí. Bởi mỗi shipper, mỗi ngày thực hiện giao hàng chục đơn hàng, cũng giúp tiết giảm hàng chục lượt người và phương tiện ra đường tham gia giao thông vô hình chung làm gia tăng mật độ trên phố, trong các hàng quán... Chính vì thế, nghề shipper được cho rằng “lên ngôi” là khẳng định vai trò của nghề này chứ không hẳn là “lên ngôi” về thu nhập.
Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành của sàn thương mại điện tử Shopee Việt Nam - cho hay, lượt truy cập và khối lượng giao dịch qua sàn này tăng mạnh trong thời gian gần đây đối với các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu hàng ngày cho nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm bảo vệ sức khỏe như khẩu trang, nước rửa tay, các sản phẩm khử trùng. Khối lượng giao dịch gia tăng cũng sẽ kéo theo nhu cầu giao hàng, Shopee phải sử dụng đến các đối tác là những công ty có dịch vụ giao hàng như Giao Hàng Tiết Kiệm, VNPost, GrabExpress, Now...
Anh Đức - một shipper của Baemin - giao đồ ăn sáng tới trước trụ sở UBND quận 1, TP.HCM. Ảnh: Thế Lâm
“Lên ngôi” nhưng...
Những ngày qua, không ít người nghĩ rằng trong mùa dịch Covid-19, người ta ở nhà nhiều thì sẽ phát sinh nhu cầu chuyển gửi hàng hóa, tài liệu và gọi đồ ăn qua ứng dụng di động gia tăng. Tuy nhiên, theo anh Đức - một shipper của Baemin, suy nghĩ trên không sát thực tế.
Sáng 14/4 khi giao đồ ăn tới trước trụ sở UBND quận 1 (TP.HCM) trên đường Lê Duẩn, trao đổi với chúng tôi, anh Đức giãi bày: “Bình thường, tôi giao được từ 17-20 đơn hàng mỗi ngày. Nhưng trong mùa dịch, mọi người ở nhà nhiều, lượng đơn hàng cũng giảm sút từ 20-30%”.
Theo lí giải của anh Đức, trước khi được làm việc tại nhà, những nhân viên, cán bộ cũng đã chuẩn bị các loại thực phẩm tương đối đầy đủ cho gia đình cho nên họ chỉ ship đồ ăn đối với những nhu cầu phát sinh.
Một nhân viên giao đồ ăn có biển số xe máy 68-S1 448.xx (biển số Kiên Giang) giao hàng đến tòa nhà 198 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, cho biết: “Những ngày này, các tòa nhà văn phòng hầu như không còn nhân viên làm việc. Thay vào đó, họ làm việc tại nhà, theo đó cũng ăn uống tại nhà, cho nên lượng đơn hàng giảm hẳn”.
Về hiện tượng một số hàng quán có đông shippers đến nhận đồ ăn, shipper này lí giải: “Hiện tượng đó chỉ xảy ra tại một số hàng quán bán những món ăn phục vụ bữa trưa và chỉ tập trung đông shippers đến lấy hàng trong khoảng 1-2 tiếng đồng hồ. Nếu đi trên phố, quan sát sẽ thấy, nhiều shippers đậu xe chờ dài bên đường” - nhân viên này giải thích.
Shipper tên Tuấn của Go-Viet kiêm luôn vừa chở khách vừa giao đồ ăn đang chờ cuốc trên vỉa hè đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 1, TP.HCM) nói rằng, trước đây, những ngày thường anh chỉ cần chạy đến khoảng 7 giờ tối là đạt đủ số cuốc để được nhận thưởng hơn 200.000 đồng mỗi ngày, cộng với tiền cước khoảng 500.000 đồng/ngày nữa là 700.000 đồng/ngày. “Đó là thu nhập của những ngày cao nhất” - anh Tuấn giải thích.
Tuy nhiên, trong khoảng 10 ngày qua, để nhận được khoản tiền thưởng chạy đủ số cuốc như trên anh phải... “cuốc” cật lực đến 10-11 giờ đêm mới có thể về nhà nghỉ. Nghề shipper theo anh, nói là “lên hương” thì cũng chỉ được như vậy, vì hàng ngày chạy trên đường dưới nắng nôi cực nhọc bán lưng cho trời.
Hình ảnh phố xá Sài Gòn những ngày giãn cách xã hội có điểm đáng lưu ý là sắc áo của các shipper Grab, Go-Viet, Baemin, Now... thể hiện dày hơn ngày thường vì trên đường thưa thớt người và xe cộ cá nhân, ôtô. Đi qua nhiều tuyến phố, chúng tôi cũng ghi nhận nhiều tài xế xe ôm công nghệ, shippers đậu xe chờ cuốc trên vỉa hè khá nhiều.
Nhân viên giao hàng của Giao Hàng Tiết Kiệm dừng xe (biển số 59-B1 108.xx) trước một tòa nhà đối diện Công viên Tao Đàn (TP.HCM) để chờ khách xuống nhận hàng cho biết: “Ngày thường, tôi đi giao hàng mệt mỏi luôn, còn mấy hôm nay thì giảm hẳn. Thậm chí còn phát sinh tình trạng làm chúng tôi mệt hơn là, khách hàng khi đặt hàng lấy địa chỉ giao nhận tại văn phòng công ty. Bây giờ họ chuyển sang làm việc tại nhà, chúng tôi đến nơi gọi họ xuống nhận hàng thì họ cho biết không có mặt tại văn phòng làm chúng tôi mất toi công sức di chuyển...”.