Hôm 27.3, nhiều tỉnh, thành đồng loạt quyết định tạm dừng, giảm phương tiện vận chuyển hành khách.
TP.HCM yêu cầu xe buýt không chở quá 20 người, giữ khoảng cách 2 m. Ảnh: Ngọc Dương
Thực hiện Chỉ thị số 15 yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký hôm 27.3, về hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, TP có dịch đến những địa phương khác, nhiều tỉnh, thành đồng loạt quyết định tạm dừng, giảm phương tiện vận chuyển hành khách.
Hà Nội tạm dừng toàn bộ hoạt động xe buýt
Trước tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, ngày 26.3, Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) chủ động báo cáo UBND TP và Sở GTVT, Sở Tài chính phương án điều chỉnh hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của tổng công ty trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 (từ 27.3 - 5.4) và được chính quyền sở tại chấp thuận.
Cụ thể, trước ngày 1.4, giảm 7.558 lượt xe/ngày trên tất cả các tuyến buýt (tương đương 77% số lượt xe); sau ngày 1.4, giảm 7.832 lượt xe/ngày trên tất cả các tuyến buýt của Transerco (tương đương 77,5% số lượt xe). Với tần suất hoạt động còn lại, xe buýt chủ yếu để phục vụ các đối tượng đi làm việc, hoặc có việc bắt buộc phải di chuyển, nhằm hạn chế sự lây lan của vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2).
Theo đó, Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) lên phương án điều chỉnh triển khai như sau: từ 27.3 - 5.4, Hà Nội sẽ dừng hoạt động gần 80% lượt xe buýt trên toàn mạng lưới nhằm ứng phó với dịch Covid-19. Tần suất xe buýt hoạt động ở mức 45 - 60 - 90 phút/lượt so với tần suất 5 - 10 - 15 - 20 phút/lượt (tùy theo từng tuyến) trước đây. Thời gian hoạt động của xe buýt cũng rút xuống từ 6 - 20 giờ. Theo tính toán của trung tâm, mỗi ngày có khoảng 12.430 lượt xe buýt dừng hoạt động.
Tuy nhiên, chiều 27.3, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thay đổi quyết định. Theo đó, ông Chung chỉ đạo từ ngày 27.3 tạm dừng toàn bộ hoạt động xe buýt đến ngày 15.4. Dù chưa có quyết định dừng xe khách đường dài, xe liên tỉnh như TP.HCM, nhưng Hà Nội cũng yêu cầu: đối với các loại xe taxi và xe hợp đồng, không dùng điều hòa, phải hạ kính, bắt buộc đeo khẩu trang đối với lái xe và hành khách, khử khuẩn trước và sau khi đón trả khách.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe khách phía nam (Hà Nội), cho biết hiện bến xe chưa nhận được chỉ thị của Sở GTVT về cắt giảm chuyến. Tuy nhiên, từ đầu tháng 2 tới nay, lượng khách qua Bến xe Giáp Bát rất vắng, giảm 60 - 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà xe cũng đã phải cắt giảm rất nhiều lượt chuyến, số lượng xe cũng giảm tới 400 chuyến/ngày, tương đương giảm khoảng 40%, và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những ngày tới.
Hành khách tại Bến xe Miền Đông
Tương tự, ngày 27.3, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết ngành GTVT tỉnh này giảm 70% công suất vận chuyển hành khách công cộng, phối hợp với công an tỉnh kiểm tra, xử lý các xe dù, xe hợp đồng vận chuyển khách không phép, yêu cầu các lái xe khai báo y tế phòng chống Covid-19. TP.Hải Phòng cũng thực hiện cắt giảm số chuyến bay, số chuyến tàu, số chuyến xe khách, xe buýt trong TP, taxi liên tỉnh từ các địa phương có dịch về Hải Phòng.
Tại Hải Dương, Sở GTVT tỉnh này ngày 27.3 yêu cầu tạm dừng toàn bộ các tuyến xe buýt nội tỉnh, liên tỉnh, xe khách tuyến cố định Hải Dương - Hà Nội và ngược lại, cũng như tạm dừng toàn bộ hoạt động của taxi trên địa bàn, bắt đầu từ 0 giờ ngày 28.3. Theo đó, 16 doanh nghiệp (DN) xe buýt ngừng hoạt động từ các bến xe của TP.Hải Dương, TP.Chí Linh đi các huyện, TP, thị xã trong tỉnh và đi sang các tỉnh, TP như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh. Đồng thời, 17 DN vận tải hành khách cố định từ Hải Dương đi các bến xe gồm Gia Lâm, Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Sơn Tây, Giáp Bát (Hà Nội) phải tạm dừng hoạt động. Các DN kinh doanh taxi trong toàn tỉnh cũng phải tạm dừng hoạt động đến khi có thông báo mới.
TP.HCM buộc giảm 60% công suất xe khách liên tỉnh - Bến xe Miền Đông. Ảnh: Ngọc Dương
TP.HCM buộc giảm 60% xe khách liên tỉnh
Chiều 27.3, ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết đã thông báo đến các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách về việc tổ chức giao thông trước tình hình phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19.
Từ hôm nay, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, giải trí... tạm dừng hoạt động Nỗ lực để không có ca nhiễm thứ 1.000 Hôm qua (27.3) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 15 yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Một trong những nội dung được nhấn mạnh trong chỉ thị này là tạm đình chỉ hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ từ 28.3 - 15.4. Thủ tướng giao chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Cũng trong thời gian kể trên, chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người bằng cách dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng. Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng cũng phải tạm dừng. Bộ GTVT chỉ đạo hạn chế các chuyến bay và hoạt động vận chuyển hành khách từ Hà Nội, TP.HCM đến nơi khác trên toàn quốc. Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ phương tiện vận chuyển hàng hóa... Thủ tướng và cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm, kỷ luật nghiêm đối với người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra việc tụ tập đông người. * Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo sáng 27.3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định VN đã và đang kiểm soát tốt các điểm được tạm gọi là ổ dịch. Nếu thực hiện nghiêm các chỉ đạo đã có thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ thành công như giai đoạn 1 và phải quyết tâm để không có đến 1.000 ca nhiễm Covid-19. Chí Hiếu |
Theo đó, các tuyến xe khách liên tỉnh buộc phải giảm 60% số chuyến theo biểu đồ chạy, riêng xe khách liên tỉnh kết nối với các huyện biên giới thuộc tỉnh Long An phải tạm dừng. Các xe chạy phải đảm bảo các tiêu chí như chở không quá 20 hành khách/chuyến, không quá 50% công suất thiết kế, hành khách buộc phải đeo khẩu trang, ngồi xen kẽ giữa các hàng ghế và khai báo y tế theo quy định. Tương tự, xe hợp đồng, du lịch, xe trung chuyển cũng không được chở quá 50% công suất thiết kế, không quá 20 người.
Đối với hệ thống vận tải công cộng, TP tạm ngưng hoạt động 54 tuyến xe buýt, trong đó có 27 tuyến xe buýt không trợ giá đi các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An... Các tuyến xe có nhu cầu đi lại thấp hơn 1.200 hành khách/ngày và đi qua các trường học, khu vui chơi cũng bị tạm dừng. Đối với hoạt động vận tải khách đường thủy, các đơn vị vận tải chở khách dưới 50% công suất, không quá 20 người, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m và khai báo y tế, nếu không đeo khẩu trang sẽ bị từ chối phục vụ.
Quyết định hạn chế vận tải hành khách của Sở GTVT được áp dụng từ 0 giờ ngày 28.3 cho đến hết ngày 15.4. Thanh tra Sở GTVT sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.