Dự kiến trong tháng 6 tới, Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh sẽ cho chạy thử lò cao số 1 của dự án nhà máy thép Formosa đang được xây dựng tại Hà Tĩnh với số vốn giai đoạn 1 lên đến 10 tỉ đô la Mỹ, theo một nguồn tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam.
Phối cảnh dự án thép Formosa. Ảnh: TL.
Công suất của lò cao số 1 (dung lượng lò cao khoảng 4.000 m³) của nhà máy thép Formosa thời gian đầu đạt khoảng 4 triệu tấn/năm gồm các loại thép tấm, thép dẹt, thép cuộn cán nóng.
Tính đến thời điểm này, 100% thép cuộn cán nóng Việt Nam đều phải nhập khẩu cho các nhu cầu sử dụng công nghiệp trong nước.
Khi cả hai lò cao của Formosa đều đi vào sản xuất (dự kiến vào năm 2020) thì công suất nhà máy này đạt khoảng 7,5 triệu tấn/năm gồm 6 triệu tấn thép dẹt, 1,5 triệu tấn thép cây, thép cuộn, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu thép cuộn cán nóng trong nước.
Dự kiến sau giai đoạn 1 hoàn thành, Công ty gang thép Formosa sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 nâng công suất lên 15 triệu tấn/năm và giai đoạn 3 lên 22,5 triệu tấn. Có thể nói, với số vốn đầu tư giai đoạn 1 lên đến 10 tỉ đô la Mỹ (tính cả các hạng mục như cảng Sơn Dương, hạ tầng điện, nước) thì dự án thép tại Hà Tĩnh này là dự án thép lớn nhất Việt Nam hiện nay, nguồn tin từ Hiệp hội Thép nhận định qua trao đổi với TBKTSG Online chiều nay, 19-4.
Như TBKTSG Online đã từng đưa tin, Tập đoàn Formosa thành lập Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh để đầu tư dự án khu liên hợp thép khổng lồ có diện tích trên 3.300 héc ta, trong đó diện tích đất liền là hơn 2.000 héc ta và diện tích mặt nước trên 1.200 héc ta với số vốn cam kết trước đây lên đến khoảng 22 tỉ đô la Mỹ ở Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Các hạng mục chính của dự án khu liên hợp gang thép Formosa gồm tổng cộng sáu lò cao luyện thép công suất khoảng 22,5 triệu tấn/năm, một nhà máy nhiệt điện than 1.600 MW, cảng Sơn Dương có công suất bốc dỡ 30 triệu tấn/năm.
Vào thời điểm động thổ xây dựng siêu dự án thép này vào năm 2009, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đặt kỳ vọng khi dự án đi vào hoạt động sẽ giúp giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động địa phương và sẽ tiếp tục tăng lên con số 30.000 người sau khi cả hai giai đoạn hoàn tất.
Đồng thời, dự án cũng giúp tỉnh Hà Tĩnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp và dịch vụ, giúp thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển không chỉ riêng cho Hà Tĩnh mà cho cả Quảng Bình và Nghệ An.
Văn Nam / thesaigontimes.vn