Đang vận hành hơn 30 chiếc máy bay của Airbus nhưng với hợp đồng giá trị lớn vừa ký với Boeing, đội bay của VietJet từ 2019 sẽ có thêm rất nhiều máy bay Boeing.
Ảnh minh họa.
Là một hãng hàng không tư nhân nhưng VietJet đã có sự nhảy vọt thần kỳ trong chưa đầy 5 năm và hiện chỉ đứng sau Vietnam Airlines.
Năm 2007, hãng hàng không này mới xin được giấy phép hoạt động và đến tháng 12/2011 VietJet mới thực hiện chuyến bay đầu tiên. Tuy nhiên sau đó hãng đã có những bước phát triển vượt bậc khi tới tháng 12/2015, VietJet đã đón hành khách thứ 10 triệu.
Dòng máy bay chủ đạo của VietJet là Airbus.
Tên tuổi của VietJet ngoài được biết đến với hình ảnh nữ tiếp viên trẻ trung quyến rũ thì còn gắn chặt với dòng máy bay A320 của Airbus. Tính đến hết quý I/2016, hãng có 31 máy bay thuộc gia đình A320 trong đó có 4 chiếc thuộc loại lớn hơn là A321.
Hiện hãng đang đặt tiếp hơn 60 chiếc máy bay Airbus A320neo và A321neo và dự kiến những đợt giao hàng đầu tiên sẽ diễn ra trong năm tới.
Tuy nhiên, ngày 23/5 vừa qua là sự kiện lịch sử với doanh nghiệp hàng không này khi lần đầu tiên VietJet ký kết với Boeing đơn hàng 100 máy bay có giá trị lớn tới 11,3 tỷ USD thực hiện trong giai đoạn 2019-2023.
Trong khi đó VietJet không thể nào không hài lòng với thành công của dòng Airbus 320 trong vài năm qua và điều này tạo nên ít nhiều hiếu kỳ với những người quan tâm tới VietJet.
Theo đánh giá của 1 số chuyên gia am hiểu về lĩnh vực hàng không, nhiều khả năng mức giá Boeing đưa cho VietJet là rất hấp dẫn khiến cho Hãng không thể từ chối.
Còn theo một thông tin trên trang Business Insider gần đây, nhiều khả năng VietJet có thể sẽ được giảm giá lên tới 50% giá trị hợp đồng.
Cùng với đó quân bài quan trọng của Boeing trong hợp đồng lần này là loại máy bay 737 Max 8-200. Dù chưa thể phổ biến bằng A320 nhưng loại máy bay này đang tạo nên tên tuổi của hãng hàng không Ireland là Ryanair.
Diễn biến giá cổ phiếu Ryanair niêm yết trên NASDAQ.
Hiện Ryanair đang có 342 chiếc 737 và đã đạt được kết quả kinh doanh rất ấn tượng, Cùng với Easy Jet, 2 hãng này đang làm khuấy đảo trật tự ngành hàng không Châu Âu.
Nếu Ryanair có thể xây dựng thành công với dòng máy bay 737 thì VietJet hoàn toàn có thể làm điều tương tự.
Trong khi đó đối trọng của 737 MAX8-200 tại Airbus là A312neo lại đang bán rất chạy nên sẽ rất khó để chờ đợi ông lớn đến từ Châu Âu đưa ra các mức giá chiết khấu như Boeing.
Ngoài ra, trong lĩnh vực hàng không, một yếu tố tài chính không thể bỏ qua là các thỏa thuận mua máy bay thường đi kèm với các hợp đồng thuê tài chính dài hạn.
Ngay cả Vietnam Airlines, hãng hàng không lớn nhất Việt Nam cũng không thể sống thiếu các khoản vay và thuê tài chính. Tính đến hết năm 2015, VNA tổng giá trị các khoản vay và nợ tài chính của VNA (bao gồm ngắn hạn và dài hạn) lên tới gần 60 nghìn tỷ, gấp gần 5 lần vốn chủ sở hữu.
Vì vậy với việc ký thỏa thuận mua máy bay lên tới 11,3 tỷ USD thì rất có thể VietJet đã tìm được những nguồn tài trợ. Và câu hỏi tiếp theo là những định chế nào sẽ sẵn lòng rót vốn khủng cho VietJet tới đây?
Phần lớn máy bay của VieJet đang được thuê lại từ các hãng hàng không hoặc các công ty tài chính (Nguồn: Planespotters).
Mai Hương / BizLIVE