Trong khi thị trường bán lẻ Việt Nam đang dồn chú ý vào các thương vụ chuyển nhượng “đình đám” như hệ thống siêu thị Metro, Big C thì các đại gia bán lẻ Nhật Bản lại âm thầm thâm nhập thị trường Việt Nam bằng những “độc chiêu” hiếm có: Nắm giữ cổ phần của những hệ thống siêu thị tên tuổi và phát triển chuỗi cửa hàngtiện lợi.
Ảnh minh họa |
Sự xuất hiện của Aeon Mall tại Hà Nội cuối năm 2015 đã mang đến một phong cách mua sắm khác biệt, có sức hút khá “nóng” người tiêu dùng. Trước đó, Tập đoàn Aeon đã có trong tay 49% cổ phần của Citimart và 30% cổ phần của Fivimart, đồng thời “lột xác” về không gian trưng bày, hàng hóa phong phú hơn, hàng Nhật nhiều hơn.
Một hướng đi khác: Tiếp cận thị trường bán lẻ Việt Nam bằng phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi. Minh chứng rõ nhất là sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Hayashi Motoo tại TP. Hồ Chí Minh ngày 20/3/2016 cùng với đại diện 4 tập đoàn bán lẻ lớn tại Nhật Bản, chủ 4 chuỗi thương hiệu “cửa hàng 24 giờ” nổi tiếng tại đất nước hoa anh đào và nhiều quốc gia trên thế giới, gồm: Family Mart, Mini Stop, 7 Eleven và Lowson, chưa kể 16 doanh nghiệp sản xuất nông sản, thủy sản, đồ dùng gia đình, bánh kẹo, thịt bò, văn phòng phẩm, mỹ phẩm... cùng đi để tìm hiểu thị trường...
Bộ trưởng Hayashi Motoo cho biết, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Tổng lãnh sự quán Nhật Bản... sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đưa hàng hóa vào Việt Nam.
Theo ông Hirotaka Yasuzumi - Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại TP.Hồ Chí Minh - các chuỗi cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản được xác định là kênh bán hàng quan trọng ở thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản. Hiện mới có Family Mart và Mini Stop mở chuỗi cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam, dự kiến đến tháng 11/2016 sẽ có khoảng 200 điểm bán, đồng thời không giấu tham vọng nhân rộng hệ thống lên 800 điểm bán tại Việt Nam.
Nhìn bước đi của doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản, bất giác liên tưởng tới cuộc đấu trên thị trường bán lẻ Việt Nam giữa các đại gia Nhật Bản (Aeon), Thái Lan (BJC, Central Group), Hàn Quốc (Lotte, Emart) và doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù cục diện thế trận hiện nay vẫn chưa nghiêng về ai, các doanh nghiệp Việt Nam như Saigon Co.op, Vingroup, Thế Giới Di Động, Hapro, Satra... vẫn đứng khá vững, song đã có nhiều cảnh báo về tương lai gần... “ảm đạm” của hàng Việt khi hàng ngoại chiếm ưu thế trong các trung tâm mua sắm lớn do người Nhật, người Thái, người Hàn làm chủ. Không thể bàng quan!