Không gian yên bình của miền Tây cũng chứa đựng nhiều giá trị cổ xưa đi cùng năm tháng. Trong đó, có không ít những công trình kiến trúc cổ có tuổi đời lên đến trăm năm với thiết kế đẹp mê mẩn.
Chùa Dơi
Chùa của người Khmer luôn mang dấu ấn đặc trưng bởi những gam màu rực rỡ, bắt mắt cùng chi tiết trang trí tinh tế, tỉ mỉ. Sóc Trăng được xem là một trong những vùng đất lưu giữ nhiều công trình này.
Chùa Dơi được biết đến là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở nơi đây. Chùa còn có tên gọi là Serây tê chô mahatúp, nghĩa là do đức phúc tạo nên. Chùa toạ lạc tại số 73B, đường Lê Hồng Phong, ngay trung tâm thành phố Sóc Trăng, khá dễ tìm. Ngoài ra, chùa còn có cổng khác ở đường Văn Ngọc Chính.
Bước vào chùa Dơi cảm giác yên bình, khoan khoái được du khách cảm nhận rõ bởi nơi đây có rất nhiều cây xanh, chủ yếu là sao, dầu cổ thụ với chiều cao đến hơn chục mét, toả bóng trên một khoảng không gian rộng. Chùa được xây dựng năm 1569, trải qua nhiều lần trùng tu. Chánh điện từng bị cháy vào năm 2008, sau đó đã được khôi phục như cũ.
Khuôn viên chùa mang đến sự bình yên, nhẹ nhàng bởi nét cổ kính.
Chùa có gian thờ chính với tông màu vàng rực bắt mắt. Đối diện gian thờ chính là một gian thờ nữa với rất nhiều tượng phật có tuổi đời lâu năm. Những gam màu rực rỡ kết hợp với chi tiết trang trí kỳ công giúp chùa Dơi trở thành địa điểm check-in bắt mắt.
Một số chi tiết trang trí mang dấu ấn đặc trưng của văn hoá Khmer.
Ở khu vực chánh điện, khách tham quan sau khi chiêm bái có thể đi dọc theo hành lang để chụp ảnh hoặc dạo trong sân chùa để tìm những góc theo ý thích. Bảo đảm, mỗi không gian đều mang đến cho bạn những bức ảnh đẹp lung linh, không thua kém những chùa chiền tại Thái Lan, một đất nước nổi tiếng với những công trình Phật giáo bắt mắt.
Ngoài ra, tại chùa, du khách cũng có thể thưởng thức đờn ca truyền thống của người Khmer hoặc xem chiếc ghe ngo được trưng bày trong khuôn viên chùa.
Chùa Kh’léang
Chỉ cần khoảng 15 phút di chuyển từ chùa Dơi, du khách có thể đến chùa Kh’léang, nằm trên đường Tôn Đức Thắng. Ngoài ra, chùa cũng có cổng phụ, nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh. Do nội ô Sóc Trăng khá nhỏ nên việc di chuyển không mấy khó khan.
Chùa mang gam màu vàng bắt mắt, nằm trong khuôn viên rộng với rất nhiều cây xanh.
Chùa Kh’léang nằm trong khuôn viên rộng đến 3.800 mét vuông. Từ bên ngoài, du khách đã có thể bị thu hút bởi gam màu vàng rực của chùa kết hợp những tông hồng, cam nổi bật. Chùa Kh’léang được xây dựng từ năm 15332, ban đầu bằng gỗ và lá. Sau đó, chùa được trùng tu, thay đổi để mang hình dáng như hiện tại.
Gam màu rực rỡ dễ khiến nhiều người lầm tưởng đây là một ngôi chùa mới, nhưng dấu vết thời gian hiện rõ trên lớp mái ngói và dãy nhà phụ sát bên chùa. Chùa được xây dựng với nền, mái đều có 3 cấp nên trông rất lớn. Xung quanh khuôn viên, cột, hành lang của chùa được trang trí bởi nhiều phù điêu, tượng gắn với văn hoá của người Khmer như: Krud, Reahu, tượng chằn…
Chùa còn có những cây thốt nốt to lớn, xen vào những cây sao, dầu to lớn giúp khuôn viên chùa xanh mát mà còn trở nên đẹp mắt. Nếu như những mảng màu rực rỡ mang đến cho du khách những khung ảnh lung linh thì dãy nhà cổ bên cạnh chùa lại cho thấy vẻ đẹp cổ kính, tĩnh mịch của một công trình trăm tuổi.
Chùa Chén Kiểu
Trong những ngôi cổ tự tại Sóc Trăng thì chùa Chén Kiểu (còn gọi là chùa Sà Lôn, Wath Sro Loun, hay Wath Chro Luông). Chùa nằm trên QL 1A (huyện Mỹ Xuyên), hướng về Bạc Liêu, cách trung tâm TP. Sóc Trăng khoảng 12 km.
Chùa được xây dựng năm 1815 bằng cây lá và được trùng tu nhiều lần. Trong chiến tranh, chánh điện của chùa từng bị đánh sập. Năm 1969, chùa được xây dựng lại. Đến năm 1980, chùa cơ bản hoàn thành, nhưng do thiếu kinh phí nên nhà chùa nảy sinh việc dùng chén kiểu để trang trí phần sau. Tên chùa Chén Kiểu cũng ra đời từ đó.
Khác với hai ngôi chùa trên, chùa Chén Kiểu tạo nên sự bắt mắt bởi rất nhiều màu sắc hoà trộn vào nhau, nhưng trông vẫn nhã nhặn, vừa mắt. Chùa cũng trồng nhiều cây xanh mát. Giữa không gian đó, phần tháp chính với tông màu vàng cam rực rỡ hiện lên vô cùng bắt mắt. Cũng giống như những ngôi chùa Khmer khác, chùa Chén Kiểu cũng được trang trí bằng những hoa văn, tượng, linh vật gắn với người Khmer.
Không gian chánh điện của chùa là nơi ghi lại những hình ảnh rất bắt mắt. Nhưng phần trung tâm của chùa không có cây xanh cộng với việc sân chùa được lát kín đá nên việc đến thăm viếng chùa vào những khung giờ trưa dễ tạo nên cảm giác oi bức. Vì thế, để việc chụp ảnh được đẹp, và có cảm giác dễ chịu, du khách nên chọn khung giờ mát mẻ.
Ngoài ra, tại chùa, du khách cũng có thể chiêm ngưỡng một số đồ dùng của công tử Bạc Liêu đã được nhà chùa mua lại. Bên ngoài không gian trưng bày này cũng được trang trí bằng rất nhiều màu sắc bắt mắt.
Nhà cổ Bình Thuỷ
Cần Thơ không chỉ nổi tiếng với chợ nổi mà còn có nhiều công trình lâu đời đáng để đặt chân đến một lần. Trong danh sách này, hẳn không thể quên đi nhà cổ của gia tộc họ Dương, hay còn được quen gọi là nhà cổ Bình Thuỷ. Nhà tọa lạc trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thuỷ, TP. Cần Thơ. Từ trung tâm TP, du khách di chuyển trên đường CMT8, sau đó đụng CMT8, rẽ trái, theo hướng vào chợ.
Nhà cổ có cổng bên ngoài khá nhỏ, nhưng nhờ lượng khách luôn kéo đến đây rất đông nên cũng dễ dàng nhận ra. Ngôi nhà dễ gây ấn tượng với tông màu vàng đặc trưng của kiến trúc Pháp thời xưa, nhưng cũng rất tươi mới với nhiều gam màu khác của hoạ tiết trang trí, của hoa lá.
Nhà không có cầu thang dẫn thẳng đến cửa chính mà khách chỉ có thể đi từ hai bên vào. Ngôi nhà được xây theo kiến trúc Pháp nhưng hoạ tiết trang trí và nội thất bên trong đều theo phong cách Á đông. Những chi tiết trang trí tỉ mỉ của ngôi nhà khiến du khách không khỏi trầm trồ.
Ngôi nhà được xây dựng lần đầu vào năm 1870. Nhưng đến đầu thế kỷ XX thì mới được xây dựng lại, mang hình dáng như hiện tại. Công trình được hoàn thành vào năm 1911 và được lưu giữ nguyên vẹn đến hôm nay. Nhà cổ Bình Thuỷ hiện là một trong những địa điểm check-in rất nổi tiếng tại Cần Thơ. Nhà cổ này cũng từng là bối cảnh của những bộ phim vang tiếng một thuở như: Người đẹp Tây Đô, Nợ đời, Những nẻo đường phù sa.
Đình Bình Thuỷ
Đình Bình Thuỷ nằm sát trên trục đường CMT8, hướng rẽ ngược lại so với nhà cổ. Đình còn có tên gọi đầy đủ là Long Tuyền cổ miếu, được xây dựng lần đầu năm 1844. Về lịch sử, đình có nhiều lần thay đổi tên gọi do sự thay đổi do sự phân chia về địa lý.
Đình cũng trải qua nhiều lần xây dựng mới mang hình dáng và sự kiên cố như hiện tại. Đình toạ lạc trên khuôn viên rộng đến 4.000 mét vuông với nhiều cây cối xanh mát, và có sông rạch kề bên.
Đình có kết cấu khá lạ với nhà trước và nhà sau đều là hình vuông. Nhà trước hai mái chồng lên nhau, nhà chánh điện sau 3 mái chồng lên nhau theo kiểu kiến trúc thượng lầu hạ hiên. Trên nóc đình có gắn tượng hình người, hình kỳ lân, hình cá hóa rồng, quyển thư (như cuốn thư đình ở các đình miền Bắc)… Các hàng cột được trang trí tỉ mỉ với nhiều chi tiết chạm trổ, điêu khắc kỳ công. Công trình này cũng có tông vàng làm chủ đạo, kết hợp với sắc nâu tạo nên hai mảng màu khác nhau về sắc độ nhưng hoà hợp.
Bên trong đình vẫn giữ được sự cổ kính, trang nghiêm với phần nội thất chủ yếu bằng gỗ.
Bài, Ảnh: Trung Sơn