Trong nhóm NHTM cổ phần tư nhân, Sacombank đang vượt xa các ngân hàng còn lại với tài sản gần 300 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên xét về sự tăng trưởng thì VPBank mới là hiện tượng đột biến. Eximbank lại là đối tượng gây thất vọng nhất...
Các ngân hàng dẫn đầu trong ngành đều đã công bố tình hình tài chính 2015, ngoại trừ SCB. Một điểm chung nhận thấy là tổng tài sản của các ngân hàng đã tăng trưởng rất nhanh trong vài năm trở lại đây.
Trong nhóm 8 ngân hàng TMCP tư nhân, sau vụ sáp nhập ngân hàng Phương Nam, Sacombank đạt tổng tài sản gần 300 nghìn tỷ đồng. Cùng với SCB, hai ngân hàng này đã vượt xa nhóm còn lại.
ACB đã từng tiến sát quy mô tài sản này vào năm 2011. Tuy nhiên sau sự kiện Bầu Kiên, ngân hàng đã giảm đáng kể và hiện ở mức khoảng 200 nghìn tỷ đồng.
Cũng tăng trưởng dựa vào yếu tố M&A, SHB đã tăng gấp 3 lần tổng tài sản lên 205 nghìn tỷ, tính từ năm 2011.
Nhưng VPBank mới là ngân hàng gây ấn tượng nhất.
Tổng tài sản của nhà băng này tăng từ 83 nghìn tỷ lên hơn 193 nghìn tỷ đồng sau 4 năm mà không cần M&A với tổ chức tín dụng nào, cũng không cần đối tác chiến lược nước ngoài rót vốn.
Đáng chú ý, VPBank đã vượt qua Techcombank về cả quy mô tài sản và lợi nhuận tạo ra trong năm 2015. Khi CEO của Techcombank về với VPBank hơn 4 năm trước, tổng tài sản của 2 ngân hàng này vẫn còn cách nhau gần 100 nghìn tỷ.
Trong khi đó, Eximbank là ngân hàng gây thất vọng nhất với việc giảm gần 30% quy mô tài sản trong 4 năm qua, hiện còn 126 nghìn tỷ đồng và không loại trừ khả năng sớm bị các ngân hàng nhóm sau bắt kịp trong năm tới nếu lãnh đạo nhà băng này không tìm thấy "ánh sáng ở cuối đường hầm".
Ở nhóm 4 ngân hàng dẫn đầu mà nhà nước nắm cổ phần chi phối, BIDV đã vượt qua Vietinbank sau khi sáp nhập với MHB. Ngân hàng này hiện có tổng tài sản khoảng 850 nghìn tỷ, theo sát ngân hàng lớn nhất trong hệ thống là Agribank.
Vietcombank cũng tăng trưởng quy mô mạnh mẽ trong các năm qua nhưng khoảng cách với 3 ngân hàng còn lại vẫn chưa được thu hẹp.
(Theo Trí thức trẻ)