Không chỉ thua kém các công ty fintech, nhiều ngân hàng thương mại cũng mạnh tay đầu tư chuyển đổi số cho dịch vụ tài chính
Ông Phạm Hồng Hải, thành viên của HĐTV HSBC Việt Nam, nhìn nhận xu thế phát triển công nghệ vào các sản phẩm tài chính, dịch vụ ngân hàng (NH) để tạo nên những "siêu ứng dụng" tiện ích cho người dùng là tất yếu trên thế giới. Ở Việt Nam, các công ty fintech (kỹ thuật tài chính) đã nhanh chân hơn trong cuộc đua này và NH thương mại cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội.
Trực tuyến 100% quy trình
Thị trường ví điện tử (VĐT) được dự đoán sẽ ngày càng nhộn nhịp khi mới đây, Công ty CP VinID (thuộc Vingroup) chính thức được NH Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán VĐT. Hiện NH Nhà nước đã cấp phép cho 31 doanh nghiệp hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó 27 VĐT với một số "ông lớn" như MoMo, Zalo Pay, Viettel Pay, GrabPay by Moca...
VĐT VinID vừa được cấp phép có vốn điều lệ khoảng 3.000 tỉ đồng với khoảng 8 triệu khách hàng từ hệ sinh thái của Vingroup. Tính năng mới nhất trên VinID là thanh toán siêu tốc qua việc quét mã QR trên ứng dụng, sau khi người dùng VĐT này liên kết trực tiếp đến tài khoản NH. Trên ứng dụng VinID, người dùng có thể sử dụng nhiều tính năng thanh toán Scan&Go; quản lý căn hộ 24/7 bởi Vinhomes; hàng loạt mã giảm giá ăn uống, mua sắm, giải trí trên toàn quốc với voucher...
VĐT MoMo sau nhiều năm có mặt trên thị trường cũng đã phát triển với định hướng trở thành một "siêu ứng dụng". Mới đây nhất, MoMo xây dựng sẵn 3 giải pháp thanh toán điện tử trong ngành y tế từ tích hợp trên website/app của bệnh viện; quét mã QR động/tĩnh và thanh toán trên ứng dụng ví. Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Di động trực tuyến M_Service (MoMo), với hệ sinh thái 22 NH thương mại đã liên kết trực tiếp với MoMo sẽ giúp các bệnh viện kết nối nhanh từng NH để triển khai dịch vụ. Đồng thời, định hướng MoMo vừa là công cụ tài chính vừa có yếu tố giải trí, MoMo xây dựng các chiến dịch như Lắc Xì 12 con giáp, game show Tường lửa, Heo hoàn tiền tiết kiệm...
Các công ty tài chính cũng không nằm ngoài cuộc đua, ứng dụng công nghệ vào nâng cấp sản phẩm, dịch vụ. Theo đại diện Công ty Home Credit Việt Nam, công ty nhắm đến mục tiêu trực tuyến hóa 100% quy trình vay trả góp và triển khai dịch vụ chữ ký điện tử e-signing, giải ngân qua tài khoản NH hoặc VĐT… đưa quy trình đăng ký khoản vay, cung cấp hồ sơ, phê duyệt và nhận giải ngân trực tuyến. Bên cạnh đó, Công ty Home Credit Việt Nam cũng hợp tác với VĐT OnePay giúp khách hàng lựa chọn thanh toán khoản vay trên ứng dụng di động, sau khi đã bắt tay với MoMo, AirPay. Ông Branislav Vargic, Giám đốc bộ phận hỗ trợ kinh doanh của Công ty Home Credit Việt Nam, cho biết việc chuyển đổi số sẽ giúp khách hàng không phải đến quầy giao dịch, chủ động thanh toán khoản vay qua VĐT hoặc tài khoản NH.
Người dùng không phải đến quầy giao dịch, chủ động thanh toán khoản vay qua ví điện tử hoặc tài khoản ngân hàng trên các “siêu ứng dụng” Ảnh: NAM GIANG
Trước đó, Easy Credit, thương hiệu tài chính tiêu dùng của Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực cũng triển khai cho vay tiêu dùng qua app Zalo. Đến cuối tháng 8, Easy Credit tiếp tục hợp tác với Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel đưa giải pháp cho vay tiền mặt trực tuyến trên ứng dụng ViettelPay. Làm hồ sơ vay ngay trên app, khi được phê duyệt, khách hàng sẽ ký hợp đồng điện tử và nhận giải ngân ngay vào tài khoản ViettelPay. Toàn bộ quy trình này chỉ tính bằng phút.
Cuộc cạnh tranh gay gắt
Theo các NH thương mại, phát triển NH số là yêu cầu cấp thiết đặt ra nếu không muốn bị tụt hậu trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường tiền tệ, thanh toán. Trong xu hướng này, thời gian qua nhiều NH đã bắt đầu quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào tất cả hoạt động dịch vụ NH…
Đại diện NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết với khách hàng cá nhân, BIDV cung cấp dịch vụ trên cả hệ thống Internet Banking và Mobile Banking, trong đó kênh di động không ngừng cải tiến và cập nhật công nghệ mới nhất như Thanh toán QR Pay, Samsung Pay, xác thực bằng vân tay, mống mắt, rút tiền ATM qua mobile... BIDV cũng đa dạng hóa hệ sinh thái tài chính tiêu dùng với dịch vụ NH cốt lõi và nhiều dịch vụ gia tăng được cung cấp trên Mobile Banking như: đặt vé máy bay hay cùng nhà cung cấp bổ sung dịch vụ thanh toán cho 20 nhóm dịch vụ như giáo dục, y tế, bảo hiểm, đấu thầu... Với khách hàng doanh nghiệp, hệ thống NH điện tử BIDV iBank cung cấp trọn gói dịch vụ qua internet và di động, trong đó sử dụng nhiều công nghệ bảo mật, có khả năng tích hợp cao với hệ thống quản trị nội bộ của doanh nghiệp, tự động hóa các giao dịch như vấn tin giao dịch chuyển tiền quốc tế (Swift GPI), quản lý dòng tiền tập trung" - đại diện BIDV nói.
NH TMCP Quân đội (MB) cũng vừa đưa vào khai thác nền tảng số cho doanh nghiệp - MB App Business & eMB new, đánh dấu cột mốc mới trên hành trình chuyển đổi số. Nền tảng này có nhiều tính năng như hạn mức giao dịch lớn; đa kênh liền mạch (lập giao dịch trên eMB new, duyệt trên MB App Business và ngược lại); giao diện đa ngôn ngữ như tiếng Việt, Anh, Trung, Hàn và chuyển tiền quốc tế online, mua bán ngoại tệ online… Ông Vũ Thành Trung, Giám đốc Khối NH số MB, cho rằng NH này đang hoàn thiện hệ sinh thái số trên bộ công cụ số hóa quản trị từ nhân sự, kế toán, thuế, trả lương; dịch vụ NH từ quản lý dòng tiền, quản lý chuỗi cung ứng, thanh toán, chuyển tiền.
Đưa blockchain vào dịch vụ ngân hàng Mới đây, HSBC đã thực hiện thành công giao dịch tín dụng thư (LC) trên nền tảng chuỗi khối (blockchain) giữa Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân và Công ty INEOS Styrolution Korea. Đây là giao dịch LC ứng dụng công nghệ chuỗi khối thử nghiệm đầu tiên mà HSBC thực hiện tại Việt Nam và Hàn Quốc và là giao dịch thứ 7 được NH này triển khai trên toàn cầu. Giao dịch được tiến hành từ đầu tới cuối trên một ứng dụng chia sẻ duy nhất là Voltron. Theo HSBC, giao dịch này chứng minh tính khả thi của việc thương mại hóa và vận hành hóa công nghệ chuỗi khối trong số hóa thương mại. |
Theo THÁI PHƯƠNG / NLĐO