Quý I/2023, 58 địa phương có GRDP tăng và 5 địa phương có GRDP giảm. Đầu tàu kinh tế TP.HCM đứng thứ 56/63 địa phương về tốc độ tăng trưởng GRDP.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước.
Trong đó, nhiều địa phương ghi nhận tốc độ tăng GRDP cao hơn tốc độ tăng GDP. Chẳng hạn, Hậu Giang tăng 12,67%; Bình Thuận tăng 9,86%; Hải Phòng tăng 9,65%; Khánh Hòa tăng 9,07%; Cà Mau tăng 9,05%…
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, tăng trưởng GRDP của một số địa phương giảm. Trong đó, giảm lớn nhất là Bắc Ninh (-11,85%); tiếp đó là Quảng Nam (-10.88%), Bà Rịa - Vũng Tàu (-4,75%), Vĩnh Phúc (-2,47%), Quảng Ngãi (-1,07%).
Đây đều là các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2023 giảm so với cùng kỳ năm trước. Giảm mạnh nhất là Quảng Nam, với mức giảm lên tới 34,3%. Trong khi đó, Bắc Ninh giảm 18,8%; Vĩnh Long giảm 16,5%; Sóc Trăng giảm 15,6%; Vĩnh Phúc giảm 8,1%.
Bắc Ninh là địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP thấp nhất cả nước trong quý I/2023
Sự sụt giảm của sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo đã dẫn tới việc nhiều địa phương tăng trưởng âm, hoặc tăng trưởng thấp. Trong đó, TP.HCM cũng là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng rất thấp, chỉ 0,7%.
Đầu tàu kinh tế của cả nước có mức tăng trưởng GRDP thấp nhất trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương và xếp hạng 56/63 địa phương.
Trong khi đó, trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Hải Phòng là địa phương có tốc độ tăng GRDP quý I năm 2023 cao nhất, đạt 9,65% và đứng vị trí thứ 3 trong 63 địa phương (sau Hậu Giang và Bình Thuận); Đà Nẵng tăng 7,12%, đứng vị trí thứ 19/63 địa phương.
GRDP của Hà Nội tăng 5,8%, đứng vị trí thứ 3 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và xếp thứ 32/63 địa phương. Đứng vị trí thứ 4 là Cần Thơ với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 4,02%, xếp thứ 43/63 địa phương.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng giá trị tăng thêm (không có thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm) quý I/2023 của Hà Nội ước tính đạt 6,21% so với quý I/2022. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,11%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%, đóng góp 0,51 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng khá với mức tăng 7,4%, đóng góp 5,64 điểm phần trăm.
Trong khi đó, tổng giá trị tăng thêm quý I/2023 của Hải Phòng ước tính tăng 9,83% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,49%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,09%, đóng góp 6,04 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 10,21% đóng góp 3,77 điểm phần trăm.
Trong khi nhiều địa phương hụt hơi vì sản xuất công nghiệp, thì ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng, là động lực tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng, với giá trị tăng thêm tăng 11,97%, đóng góp 5,84 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Tốc độ tăng trưởng GRDP của 5 thành phố trực thuộc Trung ương
Ngược lại, nhờ đà phục hồi tích cực của hoạt động du lịch và các lĩnh vực dịch vụ khác đi kèm, kinh tế TP. Đà Nẵng quý I/2023 vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá với mức tăng 7,84% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 11,53%, đóng góp 8,86 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,01%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 4,74%, làm giảm 1,02 điểm phần trăm.
Với Cần Thơ, tăng trưởng tổng giá trị tăng thêm quý I/ 2023 của thành phố này đạt 4,28% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,60%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,64%, đóng góp 0,87 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,19%, đóng góp 3,33 điểm phần trăm.
Còn TP.HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, có mức tăng trưởng quý I/2023 thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạt 0,70% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực dịch vụ (chiếm hơn 65% GRDP của Thành phố) tăng 2,07%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm trong tốc độ tăng chung. Tuy nhiên, ở TP.HCM, có đến 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm (bao gồm vận tải kho bãi; thông tin và truyền thông; kinh doanh bất động sản; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội).
Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,60%, làm giảm 0,91 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,06%, đóng góp 0,01 điểm phần trăm.