Trong dự thảo vào năm ngoái, Ngân hàng nhà nước giới hạn mức trần 49% vốn nước ngoài được rót vào dịch vụ trung gian thanh toán. Thế nhưng trong thông báo mới nhất, mức trần này lại được gỡ bỏ.
Cơ hội gọi vốn đầu tư và học hỏi cho doanh nghiệp trong nước
Mức giới hạn sở hữu nước ngoài 49% tại trung gian thanh toán được nhắc đến vào năm ngoái khi ngân hàng nhà nước (NHNN) soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt. Sau khi ghi nhận ý kiến đóng góp, NHNN cho biết không đưa mức trần 49% này vào dự thảo mới. Lý do được ngân hàng nhà nước đưa ra là bởi trung gian thanh toán là loại hình dịch vụ mới dựa trên ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ nên đầu tư nước ngoài đóng vai trò khá quan trọng. Nếu mức trần này được gỡ bỏ thì nhiều dịch vụ thanh toán như chuyển tiền điện tử, ví điện tử, cổng thanh toán hay cả các dịch vụ chuyển mạch tài chính đều có thể gọi vốn từ nước ngoài.
Đây có thể xem là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước vừa có thể có thêm vốn đầu tư vừa có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài đồng thời phù hợp với xu thế phát triển kinh tế số hiện nay.
Ví dụ trường hợp VietUnion, để ví điện tử Payoo phát triển trên thị trường 10 năm nay, doanh nghiệp chủ quản này đã chọn cách kêu gọi đầu tư đổi lại cổ phần từ đối tác Nhật Bản là tập đoàn NTT Data. Hiện đối tác ngoại đã có hơn 50% vốn tại Payoo nhưng đổi lại ví điện tử này đang là 1 trong 5 cái tên lớn nhất trong mảng thanh toán điện tử gồm: Payoo, momo, SenPay, moca, AirPay, Zalo Pay. Đại diện doanh nghiệp cho biết đây là cách làm tất yếu để phát triển.
Thị phần 5 ví điện tử lớn nhất Việt Nam hiện nay.
"Để phát triển ví điện tử đòi hỏi sự đầu tư rất lớn gồm nguồn lực tài chính, kỹ thuật công nghệ, nguồn lực nhân sự có chất lượng cao. Việc NHNN dự kiến không quy định mức trần tỷ lệ nước ngoài sẽ thu hút nhiều đơn vị có kinh nghiệm dày dặn và trải nghiệm thực tiễn trên các thị trường sôi động như Ấn Độ, Malaysia, Nhật Bản,… tiềm lực từ quốc tế sẽ giúp ngành công nghệ tài chính Việt Nam phát triển mạnh mẽ. ", ông Urata Kentaro, giám đốc bộ phận kế hoạch và phát triển doanh nghiệp, Công ty VietUnion cho biết.
Theo số liệu của nhóm đối tác Fintech Singapore, lượng vốn đầu tư công nghệ tài chính Việt Nam năm 2019 chiếm 36% tổng lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực này tại Đông Nam Á, tăng đột biến hơn 30 lần so với năm trước đó. Một số thương vụ nổi bật có thể kể đến như quỹ ngoại rót 100 triệu USD vào ví momo hay 300 triệu USD vào doanh nghiệp giải pháp thanh toán VnPay. Nếu áp trần tỷ lệ vốn 49% với các đơn vị trung gian thanh toán sẽ ảnh hưởng chung tới lượng vốn đầu tư vào Việt Nam.
"Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Các doanh nghiệp trong nước ở trong một khía cạnh nào đó hoàn toàn sẽ không thể xây dựng nổi một sản phẩm thanh toán vừa nhanh vừa bảo mật cho khách hàng ", ông Lê Anh Huy, phó tổng giám đốc công ty TNHH Ví FPT (Chủ quản Senpay) chia sẻ.
Giới chuyên gia cho rằng nếu áp trần sở hữu nước ngoài thì cũng không loại trừ khả năng các doanh nghiệp ngoại sẽ đi đường vòng để gián tiếp sở hữu các trung gian thanh toán tại Việt Nam. Từ đó việc quản lý đôi khi còn phức tạp hơn so với việc không áp trần. Xét về nhiều mặt việc NHNN không áp trần sở hữu nước ngoài đối với trung gian thanh toán là phú hợp với xu thế.
Nguy cơ cá lớn nuốt cá bé
Hiện tại cả 5 ví điện tử lớn nhất trên thị trường hiện nay đều có vốn nước ngoài với mức sở hữu trên 30%, thậm chí có ví lên tới 90%. Điều đáng nói 5 ví điện tử này trong 29 doanh nghiệp được cấp phép hiện chiếm hơn 90% thị phần. Vì thế thông tin NHNN không áp dụng mức trần sở hữu nước ngoài cũng khiến một số doanh nghiệp nội nhỏ hơn tỏ ra lo lắng trước nguy cơ cá lớn nuốt cá bé. Và do đó việc gỡ bỏ trần sở hữu cần đi kèm với các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường thanh toán không dùng tiền mặt.
Với mức tăng trưởng gần 200% mỗi năm qua điện thoại di động, thị trường thanh toán điện tử của Việt Nam ngày càng hấp dẫn. Nhiều doanh nghiệp nhỏ e ngại các doanh nghiệp ngoại sau khi được bơm tiền có thể tung ra khuyến mại gây sức ép với các doanh nghiệp nội.
"Các biện pháp bán phá giá hay bán dưới giá vốn hay bị nhầm lẫn với các chương trình khuyến mại. Đó là các biện pháp có thể nói là phi thị trường. Các cơ quan nhà nước cần phải lưu ý để có các biện pháp kỹ thuật khác nữa nhằm đảm bảo san chơi không quá nghiêng về các tay chơi có quá nhiều nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài", ông Nguyễn Hòa Bình, chủ tịch tập đoàn Nexttech lo ngại.
Song song với việc gỡ trần, các doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý có thêm các biện pháp đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường đồng thời đảm bảo an toàn cho dữ liệu thanh toán của người sử dụng. "Trong trường hợp nới mức trần thì chúng ta sẽ quản lý đối tác, chủ doanh nghiệp nước ngoài như thế nào nhất là liên quan đến thông tin, cơ sở dữ liệu của dân cư", chuyên gia Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phân tích.
Ngoài ra để tăng khả năng cạnh tranh lành mạnh các chuyên gia lưu ý cần tạo hành lang pháp lý cho các hình thức thanh toán mới như dịch vụ tiền di động Mobile Money cho phép chuyển tiền qua tài khoản viễn thông. Mới đây bộ thông tin và truyền thông cũng đề xuất cho phép thí điểm Mobile Money ngay trong quý 1 để thúc đẩy thương mại điện tử. Với lợi thế phổ cập cả về mạng lưới và kênh phân phối, lợi thế về công nghệ và tài chính mạng viễn thông có thể đảm nhận tốt vai trò các nền tảng khác giúp đất nước chuyển đổi số nhanh hơn.
Hiện NHNN đã đề xuất bổ sung Mobile Money là trung gian thanh toán trong dự thảo nghị định mới đồng thời đưa thêm quy định về đại lý ngân hàng cho phép cung ứng một số dịch vụ hóa đơn, nộp rút tiền vào tài khoản nhằm phổ cập hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tới đông đảo người dân. Hiện dự thảo Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt đang được NHNN lấy ý kiến các bên trước khi trình lên Chính phủ vào tháng 6 năm nay.
Theo Thảo Nguyên / tri thức trẻ
Nguồn: http://ttvn.toquoc.vn/kinh-doanh/song-lon-sap-den-voi-momo-moca-vinid-payoo-va-gioi-fintech-lieu-cuoc-choi-co-thay-doi-khi-nhnn-bo-gioi-han-so-huu-nuoc-ngoai-49-5202019215157935.htm