Dồn dập nhiều thông tin không vui đối với xuất khẩu nông, thủy sản những tháng đầu năm 2017 đang khiến các DN vùng ĐBSCL – “thủ phủ” của các mặt hàng này đứng ngồi không yên.
Các doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu mua cá tra, thủy sản Việt tại một triển lãm quốc tế. Ảnh: QH
Thiếu nguyên liệu thủy sản cho chế biến; Cá tra bị bôi nhọ ở Châu Âu; Thái Lan xả kho trữ gạo với giá bán rất thấp… liên tiếp những rủi ro ặp đến với xuất khẩu nông, thủy sản vốn đang trong hoàn cảnh éo le, đặt ra cho DN bài toán phải ứng phó kịp thời.
Cộng dồn khó khăn từ 2016
Theo các chuyên gia tại hội thảo: “DN nông, thủy sản ĐBSCL làm gì để ứng phó với biến động kinh tế thế giới” do VCCI Cần Thơ tổ chức mới đây, không tính đến những rủi ro ở trên, tình hình xuất khẩu nông thủy sản ĐBSCL vốn cũng đang trong tình trạng khó khăn. Đánh giá tổng quan của TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ: XK năm 2016 của cả vùng ĐBSCL đạt khoảng 14,5 tỉ USD, tăng hơn 7,5% so với cùng kỳ, tập trung ở khu vực có vốn FDI nhưng các ngành XK truyền thống như lúa gạo, thủy sản tăng trưởng chậm.
Bên cạnh những khó khăn chủ quan, sản xuất nông nghiệp của khu vực cũng đối mặt với không ít khó khăn khác như: Biến đổi khí hậu: hạn, mặn của năm 2016; Thiếu hụt nguyên liệu ở ngành chế biến thủy sản; Cuộc điều tra của EU vào ngành thủy sản xuất khẩu tôm; Tiếp cận vốn khó khăn, thời gian cho vay ngắn; Các vụ đại gia mất tích, những rủi ro mới và thái độ thận trọng của ngân hàng; Thể chế yếu kém ở khu vực nông nghiệp; Cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật phục vụ cho sản xuất chậm được đầu tư cải thiện…
Ứng phó cách nào
Năm 2017, khu vực ĐBSCL đặt ra mục tiêu XK đạt từ 15 tỷ USD trở lên. Để đạt mục tiêu nói trên, các địa phương tháo gỡ các nút thắt cơ bản hiện nay.
Theo TS Dũng, hiện cơ sở hạ tầng của vùng đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Tuyến đường cao tốc từ TP HCM về Cần Thơ chỉ mới làm được một đoạn hơn 40 km/180km nên cũng chưa thuận tiện trong đi lại, giao thương. Mới đây, Cục Hàng hải đã công bố thông luồng kênh Quan Chánh Bố cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để vực dậy tiềm năng kinh tế của vùng, Chính phủ cần xúc tiến đầu tư mạnh hơn cho phát triển cơ sở hạ tầng, các địa phương cũng phải năng động hơn trong thu hút đầu tư nhất là nguồn vốn FDI.
Còn theo ông Lâm Thành Kiệt, TGĐ Cty CP nông sản Vinacam, do từ trước đến nay các DN xuất khẩu chưa quan tâm đến truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu cho nông sản nên khi gặp thông tin xấu, người tiêu dùng tỏ ra hoang mang không biết tin ai. Do vậy, vấn đề tổ chức theo chuỗi khép kín, truy xuất nguồn gốc để tiến tới xây dựng một thương hiệu vững chắc là việc phải làm ngay.
TS Lê Đăng Doanh – Chuyên gia kinh tế: Đa dạng thị trường để đề phòng rủi ro XK của Việt Nam sang Mỹ chiếm 22% trong tổng kim ngạch XK hàng năm, nên cho dù có hay không có TPP, nước Mỹ vẫn là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, dưới thời của ông Donald Trump thì DN xuất khẩu cũng cần chuẩn bị cho mình những phương án đề phòng rủi ro. Với dân số trên 1,4 tỷ người, thị trường Trung Quốc được xem có nhiều dư địa để phát triển, tuy nhiên đối với thị trường này DN XK phải thận trọng. Mọi giao dịch phải thông qua hợp đồng, phù hợp với thông lệ thương mại quốc tế; có các điều khoản về giao dịch, thanh toán, giải quyết tranh chấp, có tính ràng buộc cao… DN nên thông qua các công ty tư vấn chuyên nghiệp về Trung Quốc. Bên cạnh đó, trong bối cảnh chất lượng nền kinh tế đang biến động thì DN XK cũng cần đẩy mạnh đa dạng thị trường xuất nhiều hơn sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông, Châu Âu và một số thị trường khác. TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright: Điều hành tỷ giá linh hoạt để hỗ trợ cho xuất khẩu Trong bối cảnh thế giới biến động khó lường, nhiều quốc gia trong khu vực đã điều chỉnh giảm giá mạnh nội tệ so với USD mang lại lợi thế cho sản phẩm xuất khẩu của họ. Điều này càng làm gia tăng sức ép lên tỷ giá tiền đồng, nếu VNĐ không giảm giá sẽ làm hàng hóa XK của Việt Nam có giá đắt hơn. Trong khi hàng hóa nhập khẩu sẽ hấp dẫn hơn đối với thị trường trong nước vì giá rẻ hơn. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tỷ giá phải hết sức thận trọng và cân nhắc đến lạm phát và lãi suất tăng vì hiện tại lãi suất VNĐ đang ở mức cao so với nhiều quốc gia trong khu vực. Việc điều chỉnh tỷ giá cũng phải tính đến cơ chế tỷ giá đa phương và sử dụng linh hoạt các công cụ phòng ngừa rủi ro như: Hoán đổi lãi suất, các hợp đồng phái sinh |
Huỳnh Khởi / DĐDN