Các DN chế biến gỗ cao su tại các tỉnh Đông Nam Bộ đang phải cạnh tranh gay gắt và đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu.
Các DN chế biến gỗ cao su đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu chế biến.Ảnh rừng cao su tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước
Khu vực Đông Nam Bộ hiện có hơn 537.000 ha cao su. Trong đó, tỉnh Bình Phước có 232.000 ha, Bình Dương có 133.000 ha, Tây Ninh 98.000 ha, Đồng Nai hơn 49.000 ha và Bà Rịa – Vũng Tàu là 25.000 ha. Với diện tích trồng cao su lớn nhất cả nước, thế nhưng, các DN chế biến gỗ trên địa bàn các tỉnh này lại đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu chế biến.
DN nhỏ chịu thiệt
Là DN sử dụng từ 60 – 70% nguyên liệu chế biến từ gỗ cao su, ông Điền Quang Hiệp - TĐ Cty TNHH Minh Phát 2 cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, giá gỗ cao su trong nước tăng đến 40% so với thời điểm cuối năm 2016 và vẫn đang tiếp tục tăng thêm. Dù DN ông đã có sự chuẩn bị và tích trữ nguyên liệu trước, tuy nhiên, sự biến động giá quá lớn cũng khiến cho Minh Phát 2 đang thiếu hụt khoảng 50% nguyên liệu gỗ cao su để phục vụ cho các đơn hàng chế biến xuất khẩu.
Tìm hiểu của PV Báo DĐDN tại một số tỉnh như: Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương… cho thấy, nguồn nguyên liệu gỗ cao su chủ yếu lấy từ nguồn thanh lý của các vườn cao su già cỗi. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cung cấp này đang giảm mạnh, nhiều diện tích cao su đến tuổi đã khai thác nhưng vẫn được giữ lại do giá mủ cao su đang đứng ở mức cao. Trong khi đó, chu kỳ trồng của cây cao su thường từ 35 – 40 năm.
Theo ông Đoan Hùng - Chủ DN gỗ Tín Phong tại Bình Dương, trong 10 năm gần đây, nghề chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đã tăng lên nhanh chóng. Đến nay, toàn huyện có hàng trăm cơ sở và hộ gia đình làm nghề chế biến lâm sản, mỗi năm tiêu thụ hàng chục nghìn mét khối gỗ nguyên liệu. Sản phẩm gỗ xẻ, ván, gỗ bóc của huyện được xuất khẩu nhiều nước trên thế giới, góp phần nâng cao đời sống của người dân và làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, việc tăng trưởng quá nóng các cơ sở chế biến gỗ đã dẫn đến khan hiếm nguồn nguyên liệu, nhiều cơ sở hoạt động cầm chừng, không ít cơ sở cũng đã phải tạm dừng hoạt động.
Giải pháp nào?
Được biết, Bộ NN- PTNT vừa đưa ra dự thảo kiến nghị nhà nước tăng thuế xuất khẩu tất cả các loại gỗ rừng trồng, gỗ cao su, gỗ xẻ tăng đồng loạt tăng 20% để tránh việc thu mua của DN Trung Quốc. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Diễm - Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Đại Huy, đây mới chỉ là những giải pháp tức thời, về mặt lâu dài các tỉnh cần có kế hoạch trồng rừng thay thế sản phẩm gỗ cao su bằng các loại keo, bạch đàn…
Hiệp hội Cao su (VRA) đang kiến nghị Bộ Tài chính xem xét gỗ cao su không thuộc diện thanh lý mà bình đẳng như các loại gỗ trồng thiên nhiên khác (gỗ keo, gỗ bạch đàn). |
Chia sẻ về thành công trước cơn khát nguyên liệu gỗ cao su, ông Trần Văn Đá - TGĐ Cty CP Chế biến gỗ Thuận An (GTA) cho biết, ngay từ những ngày đâì năm, GTA đã lên kế hoạch dự trữ nguồn nguyên liệu để đảm bảo cho kế hoạch sản xuất.
Theo đó, Cty đã có kế hoạch đàm phán sang những nguyên liệu khác gồm: Acasia (tràm), Playwood (ván ép, MDF), để giảm giá thành đầu vào và đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh của Cty. Cùng với đó, việc đa dạng các mặt hàng sản phẩm cũng là giải pháp giúp GTA vượt qua cơn bão nguyên liệu. Cụ thể, GTA đã cơ cấu lại sản phẩm theo hướng tăng tỷ trọng hàng nội thất trong tổng sản lượng sản phẩm tinh chế. Cty đã nâng tỷ trọng hàng nội thất lên 78%, tại chi nhánh Bình Phước và sẽ sản xuất 70% hàng nội thất trên thị trường toàn quốc, từ đó sẽ cân bằng được nguồn nguyên liệu gỗ các loại.
Mặt khác, theo bà Diễm, gỗ cao su là tài sản thanh lý, các DN phải thực hiện thu mua theo cơ chế đấu giá của Nhà nước. Do vậy, dù rất muốn liên kết với các DN chế biến gỗ, nhưng điều này đã khiến các DN trong ngành cao su cũng gặp khó khăn trong việc chủ động nguồn gỗ nguyên liệu.
“Hiệp hội Cao su (VRA) đang kiến nghị Bộ Tài chính xem xét gỗ cao su không thuộc diện thanh lý mà bình đẳng như các loại gỗ trồng thiên nhiên khác (gỗ keo, gỗ bạch đàn). Từ đó tạo điều kiện cho việc chủ động quyền điều hành, kế hoạch rải vụ, thời gian thanh lý… gỗ nguyên liệu cao su khi cần thiết. Khi đó, nguồn gỗ cao su cung cấp ra thị trường sẽ ổn định hơn và sự liên kết giữa các DN cao su với DN chế biến gỗ mới chủ động và bền chặt hơn”- bà Trần Thị Thúy Hoa - Trưởng ban Tư vấn phát triển ngành VRA cho biết.
Mai Thanh / DĐDN