Cơn sốt đất đã được cơ quan chức năng kìm hãm khiến thị trường bất động sản trở nên trầm lắng hơn. Lượng khách giao dịch không còn nhộn nhịp như trước đây đồng nghĩa với việc những nhân viên môi giới cả ngày chỉ biết cầm điện thoại để “giết” thời gian.
Nhân viên môi giới rảnh rỗi cầm điện thoại trong lúc không có khách. Ảnh Cao Nguyên.
Hiện tượng giá đất tăng xuất hiện tại nhiều địa phương, tạo ra những cơn sóng sốt đất khó tin. Một vài tuần trở lại đây, nhiều địa phương và thậm chí đến hai bộ là Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải ra những văn bản nóng để kìm hãm việc sốt đất. Trước những động thái cứng rắn của cơ quan chức năng, tình trạng sốt đất gần như cơ bản được “dập tắt”.
Sau khi cơn sốt đất được “hạ nhiệt”, qua tìm hiểu lượng giao dịch tại các địa phương dường như ít đi. Ghi nhận của Lao Động tại khu vực Hòa Lạc, các huyện Quốc Oai, Gia Lâm hay khu vực Kim Chung Di Trạch huyện Hoài Đức (TP.Hà Nội) cho thấy lượng khách hàng đến tìm mua đất thưa thớt.
Anh Nguyễn Huy Dương (27 tuổi) một môi giới tại khu vực Kim Chung Di Trạch (Hoài Đức) chia sẻ, những ngày gần đây lượng khách đến hỏi mua đất giảm hẳn. Khác hơn so với hai tuần trước, nhân viên môi giới không đủ để tiếp khách hàng. Thậm chí, một nhân viên phải hướng dẫn ba bốn khách cùng một lúc.
“Cả ngày chỉ có một vài khách đến hỏi rồi đi luôn không mặn mà gì. Làm nghề môi giới mà suốt ngày ôm điện thoại lướt web, đọc báo thì chết đói”, anh Dương tâm sự.
Nhiều văn phòng nhà đất “cửa đóng then cài“. Ảnh Cao Nguyên.
Còn Trần Phương Ánh (quê ở Vĩnh Phúc), một môi giới bất động sản tại Hà Nội tâm sự, khi dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm, Ánh quyết định về quê chờ hết dịch để lên đi làm lại. Thời gian gần đây, xảy ra tình trạng sốt đất, lượng giao dịch tăng nên Ánh xuống Hà Nội để tiếp tục với nghề. “Nghĩ vẫn túc tắc tìm được khách nên em đầu tư chạy quảng cáo. Ai ngờ, tốn gần chục triệu đồng quảng cáo mỗi tháng, giờ thị trường lại hạ nhiệt, ít ai ngó tới nữa”, Ánh chia sẻ.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, trong quý 2 tới, giá đất tại nhiều địa phương sẽ được kiểm soát, thậm chí một số khu vực sẽ xuất hiện tình trạng các nhà đầu tư giảm giá và bán "cắt lỗ".
Theo các chuyên gia kinh tế, để xử lý dứt điểm các cơn "sốt đất” bùng phát, các địa phương cần phải cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến thị trường. Cần thiết phải gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các hiện tượng "sốt đất”…