Thị trường vàng đã bình ổn trở lại, sau nhưng ngày "lên nhanh, xuống cũng nhanh" vừa qua. Đây không phải lần đầu tiên thị trường vàng có những biến động mạnh và không lấy gì đảm bảo thị trường sẽ không tiếp tục xảy ra nhưng cơn sốt như vậy. Vấn đề đặt ra là vì sao thị trường "sốt" và ai hưởng lợi từ cơn "sốt" này.
Ảnh minh họa.
Hưởng chênh lệch
Diễn biến của thị trường vàng những ngày qua có những biến động hết sức khó lường. “Cơn sốt” bùng lên dữ dội nhất vào ngày 6/7, mỗi lượng vàng chiều bán ra tăng hơn 2 triệu đồng/lượng với chiều mua vào, tiến sát mốc 40 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, chỉ sau 1 ngày vàng lên đỉnh thẳng đứng, tới 7/7, cùng với thông điệp "mạnh mẽ" từ Ngân hàng Nhà nước, là cơn bừng tỉnh của đám đông, khiến thị trường vàng nhanh chóng giảm giá. Tính đến phiên giao dịch đầu giờ sáng 11/7, vàng đã tăng giảm về gần 37,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra, 37 triệu đồng/lượng chiều mua vào. Như vậy, so với ngày đỉnh điểm, vàng đã “bốc hơi” khoảng 3 triệu đồng/lượng.
Vì sao vàng tăng giá nhanh như vậy?
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng cũng có những biến động nhưng mức tăng giảm không mạnh như tại Việt Nam. Ngày 6/7, thời điểm giá vàng Việt Nam tăng mạnh, giá vàng thế giới cũng tăng 25 USD/oz. Nhưng đây được xem là không phải nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước lên tới gần 40 triệu/lượng bởi mức chênh giữa giá vàng trong nước và thế giới luôn có một khoảng cách khá xa, (khoảng 1 triệu đồng/lượng, đỉnh điểm lên tới 2,5 triệu đồng/lượng). Mặt khác, vàng trong nước được NK thời gian trước đó cả tháng, không thể giá thế giới tăng, là ngay lập tức trong nước tăng. Như vậy với lý do giá thế giới tăng, các doanh nghiệp NK, kinh doanh và sản xuất vàng đã thu được lợi nhuận.
Được lợi thứ hai khi vàng "sốt" là các cửa hàng kinh doanh bán vàng. Giá chênh lệch mua vào – bán ra tại các cửa hàng vàng vốn đã cao, khoảng 500.000-700.000 đồng/lượng. Nhưng vào thời điểm thị trường "sốt" nóng, lại càng cao hơn, khi giá vàng lên gần mức 40 triệu đồng/lượng, giá mua vào – bán ra có lúc chênh lệch tới gần 1 triệu đồng/lượng.
Tuy cửa hàng vẫn duy trì hoạt động mua-bán, nhưng thực tế khi vàng lên đỉnh, lượng người bán được vàng không cao, trong khi lượng người mua lại kéo đến đông, cửa hàng "thích" bán ra hơn mua vào.
Dư luận không khỏi đặt câu hỏi, giai đoạn này thị trường vì sao liên tiếp đón nhận các thông tin "nóng" về vàng, với nhận định chung chung của các chuyên gia về "xu thế khả năng vàng sẽ tiếp tục lên", khiến người dân “lo lắng”, không biết diễn biến tiếp theo của giá vàng sẽ thực sự được đẩy lên hay hạ xuống.
Chưa nói đến cảnh đoàn người xếp hàng đông đúc tại các cửa hàng vàng kia nhu cầu mua thực tế bao nhiêu, lượng mua nhiều hay ít, có hay không việc một số cửa hàng vàng "tạo" nhu cầu mua ảo gây hoang mang dư luận, tạo xu thế đám đông ?
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), giá vàng càng biến động thì các công ty kinh doanh vàng càng có cơ hội được “ăn no” từ sự chênh lệch giá. Còn người chịu thiệt nhiều nhất trong những “cơn sốt” này là người tiêu dùng, bởi họ không nắm được thực chất của thị trường đã có “bàn tay” thao túng của giới đầu cơ nên không thể dự đoán được đường đi của giá vàng, thấy người khác kéo nhau đi mua cũng đi theo, rồi cuối cùng là chịu lỗ.
Bảo đảm an toàn?
Có thể thấy, do ảnh hưởng từ tâm lý “đám đông”, chính người dân đã tự nhận phần rủi ro, chấp nhận chịu lỗ thay các doanh nghiệp kinh doanh vàng và làm lợi cho giới đầu cơ. Diễn biến này không phải mới mà đã xảy ra từ nhừng năm 2011-2012, khi có dự báo cho rằng vàng sẽ lên sát 50 triệu đồng/lượng khiến người dân ồ ạt mua vàng, nhưng thực tế, vàng đã rớt giá, chưa bao giờ cán mốc như dự báo khiến nhiều người mua vàng đến nay vẫn chưa thu hồi vốn. Rõ ràng, trong mọi “cơn sốt”, tâm lý đám đông mới là nguồn lây nhiễm chính.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhận định, đứng sau tâm lý đám đông là "bàn tay" thao túng của giới đầu cơ. Họ sẽ tìm cách đánh vào tâm lý, khuyếch trương biến động của giá vàng để đẩy nhu cầu của người dân lên cao, khiến giá vàng tăng vọt rồi chốt lãi, kiếm lời.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, TS. Nguyễn Thế Hùng, chuyên gia vàng của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, diễn biến giá vàng biến động với nhiều dự báo sẽ tiếp tục tăng khiến lượng người đến giao dịch nhiều hơn, cung không đủ cầu nên các doanh nghiệp bán vàng phải kéo giãn khoảng cách mua và bán để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, với chênh lệch giá mua và bán đang tăng cao như hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ cũng đang được hưởng lợi khá nhiều nên có thể có “bất thường” trong việc thổi giá lên như vậy.
Hơn nữa, theo TS. Hùng, trong khoảng 3-4 tháng trở lại đây, khi giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới, nhiều doanh nghiệp sản xuất vàng đã mua vàng vào và xuất khẩu khá nhiều để thu lợi. Đến khi giá vàng lên cao, nguồn cung lại trở nên khan hiếm thì họ phải mua lại vàng giá cao từ dân để bù đắp thiếu hụt. Vì thế đây là cách phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh chứ không phải nhằm mục đích thu lời, gây rối loạn thị trường (?).
Trước những diễn biến như trên, NHNN đã thông tin có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết, nhưng vẫn đảm bảo chủ trương quản lý thị trường vàng và chủ trương chống “vàng hóa”. Một chuyên gia kinh tế thị trường đã cho rằng, NHNN cần có biện pháp mạnh tay hơn với những cá nhân, tổ chức đầu cơ “lướt sóng” vàng, tuy nhiên, NHNN cần để thị trường vàng được “thị trường” hơn, trong đó có đề xuất NHNN nên bỏ thế độc quyền vàng miếng của SJC.
Lúc này, đề nghị thành lập sàn vàng Quốc gia của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã được nhắc lại. TS. Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh, sở giao dịch vàng có thể giúp liên thông giá, tạo công cụ phái sinh giúp nhà quản lý phòng tránh những rủi ro, đồng thời giúp người dân có lợi khi giá vàng cao hay thấp, không rút hay gửi vàng ồ ạt như hiện nay. Tuy nhiên, cả 2 chuyên gia nói trên đều cho rằng, việc thành lập sàn vàng cần có sự tính toán, đưa ra quy định chặt chẽ, minh bạch, nếu không rất có thể vẫn bị giới đầu cơ lũng đoạn.
Vì thế, trước những lời khuyên từ các chuyên gia và diễn biến thị trường, NHNN cần chuẩn bị đủ tiềm lực và đưa ra chính sách cần thiết để bình ổn thị trường vàng cũng như thị trường ngoại tệ trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động.
(Theo Báo Hải Quan)