Các nhà buôn Việt Nam có lẽ "giỏi" hơn cả tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật trong việc tìm được nguồn sữa Nhật nội địa rẻ và bán ra được tại thị trường Việt Nam với giá thấp hơn Aeon
Sự thất bại của một doanh nhân Nhật
Ông Akihiro Yagasa là giám đốc một công ty Nhật mới vào Việt Nam chuyên hoạt động trong lĩnh vực thương mại. Khi vào Việt Nam ông có đăng ký sẽ kinh doanh một số mặt hàng thực phẩm chức năng. Sau khoảng nửa năm hoạt động ông nhận thấy nhu cầu của các bà mẹ Việt đối với các sản phẩm sữa Nhật đặc biệt cao và ông cũng muốn tranh thủ cơ hội kinh doanh, vừa kiếm được tiền vừa mang đến sản phẩm tốt cho người Việt.
Để làm được điều đó, cùng với một phiên dịch người Việt Nam, ông Yagasa đã dành nhiều tuần đi khắp các cửa hàng sữa xách tay cũng như siêu thị ở Hà Nội để tìm hiểu mặt bằng giá cả. Sau đó ông quay lại Nhật thương thảo giá cả với các hãng sữa Nhật với mong muốn kiếm được mức giá thấp nhất có thể.
Sau 4 tháng với nhiều lần đi lại giữa Nhật Bản và Việt Nam, vị doanh nhân 60 tuổi luôn băn khoăn với câu hỏi không hiểu bằng cách nào mà nhiều cửa hàng kinh doanh đồ xách tay cũng như siêu thị Việt Nam có thể bán được sữa Nhật nhập khẩu nguyên lon với giá thấp như vậy.
Ông khẳng định nếu ông nhập sữa về bán, sau khi tính tiền vận chuyển đường biển, tiền vận chuyển từ cảng Hải Phòng về Hà Nội, chi phí nhân viên, mặt bằng, bán hàng, thuế các loại chắc chắn giá cũng cao hơn so với giá của họ khoảng từ 50 đến 70 nghìn đồng hoặc hơn. Dù nhân viên trong công ty hết lời can ngăn ông không nên tiếp tục cố kinh doanh sữa vì ông sẽ không thể cạnh tranh về giá với các cửa hàng xách tay nhưng ông vẫn quyết tâm. Ông tin người tiêu dùng sẽ biết ủng hộ những người kinh doanh hàng thực sự tốt.
Thế nhưng cuối cùng, ông đã phải quyết định từ bỏ ý định kinh doanh sữa nhập khẩu nguyên lon, mà chuyển sang các mặt hàng thực phẩm chức năng khác. Ông hiểu rằng với sản phẩm cùng loại mà giá bán quá cao chắc chắn ông không thể cạnh tranh nổi.
Tập đoàn siêu thị Aeon là một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất tại Nhật cũng như châu Á. Ở Nhật, từ các thành phố lớn cho đến các miền quê nơi đâu cũng thấy siêu thị Aeon. Và đối với các nhà cung cấp tại Nhật, được làm việc với Aeon là một cơ hội kinh doanh tốt. Với vị thế một nhà kinh doanh lớn, mua hàng số lượng nhiều, Aeon luôn có quyền năng mua được hàng hóa với giá cả thấp hơn rất nhiều so với các nhà kinh doanh nhỏ hơn khác.
Vậy mà tại siêu thị của Aeon ở Long Biên, Hà Nội, giá sữa cũng cao hơn khá nhiều nếu so với các cửa hàng bán lẻ trong nội thành. Sữa Nhật nguyên lon dòng nội địa loại 800 gram ở Aeon số 0 được bán tại Aeon Việt Nam gần 600 nghìn đồng/hộp, giá mua ở Nhật thường sẽ ở mức khoảng 550 nghìn đồng Việt Nam. Trong khi đó tại gần như tất cả các cửa hàng xách tay ở Việt Nam giá sẽ ở mức khoảng 520 nghìn đến 550 nghìn đồng Việt Nam, một cái giá rẻ quá bất ngờ ngay với chính là người Nhật.
Vị doanh nhân được kể đến ở đầu bài sau khi đi một vòng các cửa hàng xách tay và siêu thị có kinh doanh dòng sữa Nhật nội địa đã phải thốt lên: “Người Việt Nam quá giỏi, giỏi hơn cả người Nhật. Tôi không thể bán được sữa với giá rẻ như thế.”
Nhà buôn Việt Nam bán được sữa giá thấp hơn cả tập đoàn lớn nhất của Nhật
Xin được nhấn mạnh rằng chúng tôi không có ý định “dìm hàng” hay chê bai sản phẩm của bất kỳ nhà kinh doanh nào tại Việt Nam, chúng tôi chỉ muốn tìm hiểu về con đường đi của sản phẩm để giúp người tiêu dùng có thể hiểu hơn về sản phẩm mà họ đang sử dụng.
Trong vai những nhà kinh doanh có nhu cầu mua sữa số lượng lớn, được sự giới thiệu của một số nhà buôn đồ Nhật tại Việt Nam, chúng tôi đã tìm đến nhiều công ty kinh doanh chuyên cung cấp cho thị trường Đông Nam Á có trụ sở tại Tokyo và một số tỉnh phụ cận.
Chúng tôi xin phép đưa lên đây bảng giá của một công ty kinh doanh sữa có trụ sở tại tỉnh Chiba, được đăng ký kinh doanh bởi một người Việt Nam và đây cũng là công ty đưa ra bảng giá thấp nhất so với các công ty khác. Giá trong bảng áp dụng với đơn hàng từ 1 container 20f trở lên, giao hàng giá FOB tại cảng Yokohama, Nhật (họ đã lo toàn bộ thủ tục về giấy phép, chi phí, thuế xuất khẩu tại Nhật), bên mua hàng sẽ lo phần vận chuyển từ cảng Yokohama về Việt Nam.
Theo số liệu của nhà buôn cung cấp, một container 20f thường sẽ chứa được khoảng 7.000 hộp sữa, điều đó có nghĩa là giá chúng tôi đưa ra sau đây sẽ chỉ được áp dụng với đơn hàng từ 7.000 hộp sữa trở lên. Nếu thấp hơn con số trên, giá sẽ cao hơn từ 10 đến 15%, theo trả lời của chủ các doanh nghiệp tại Nhật.
Bảng giá sữa giao tại cảng Yokohama. Mức giá trên chỉ áp dụng cho đơn hàng trên 7.000 hộp sữa.
Nếu tính theo tỷ giá của Vietcombank ở thời điểm chốt tuần kết thúc ngày 12/6, giá một số loại sữa Nhật nội địa hiện đang phổ biến trên thị trường Việt Nam giao tại cảng Yokohama có giá lần lượt như sau:
Giá sữa Meiji số 0 là 444 nghìn đồng Việt Nam/hộp
Giá sữa Meiji số 9 là 335 nghìn đồng Việt Nam/hộp
Giá sữa Icreo Glico số 0 là 468 nghìn đồng Việt Nam/hộp
Giá sữa Icreo Glico số 9 là 359 nghìn đồng Việt Nam/hộp
Để đến được tay khách hàng, sữa bột nguyên lon nhập khẩu từ Nhật khi về đến Việt Nam sẽ phải chịu phí vận chuyển bằng đường biển; phí vận chuyển từ cảng Hải Phòng về Hà Nội (thường là tối thiểu 20 triệu đối với một container 20f); phí kiểm dịch; thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng tất cả khoảng 25% tổng giá trị hàng hóa. Ngoài ra còn phải tính đến chi phí cửa hàng, chi phí thuê nhân viên và lãi của chủ kinh doanh. Đó là còn chưa muốn nói đến một số loại chi phí “ngầm” khác mà chắc chắn các chủ kinh doanh biết rõ hơn chúng tôi nhưng chúng tôi không tiện nêu ra ở đây.
Và hiện tại giá cả các loại sữa trên đang được bán ở các shop kinh doanh hàng Nhật tại Việt Nam với giá lần lượt như sau:
Giá sữa Meiji số 0 là 460 nghìn đồng Việt Nam/hộp (cao hơn giá Nhật 16 nghìn đồng VN)
Giá sữa Meiji số 9 là 430 nghìn đồng Việt Nam/hộp (cao hơn giá Nhật 95 nghìn đồng VN)
Giá sữa Icreo Glico số 0 là 530 nghìn đồng Việt Nam/hộp (cao hơn giá Nhật 62 nghìn đồng VN)
Giá sữa Icreo Glico số 9 là 409 nghìn đồng Việt Nam/hộp (cao hơn giá Nhật 50 nghìn đồng Việt Nam)
Bảng so sánh giá sữa Icreo Glico tại Nhật, tại các shop xách tay và tại Aeon Mall Long Biên Việt Nam
Mức giá trên so với siêu thị Aeon tại Long Biên, Hà Nội thấp hơn từ 50 nghìn đồng đến 70 nghìn đồng/hộp đối với sữa Icreo Glico số 0 và số 9. (Vì siêu thị Aeon chỉ bán duy nhất loại sữa trên nhập nguyên lon từ Nhật nên chúng tôi chỉ có thể so sánh riêng loại đó).
Từ những so sánh trên có thể thấy, các nhà buôn Việt Nam có lẽ "giỏi" hơn cả tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật trong việc tìm được nguồn sữa Nhật nội địa rẻ và bán ra được tại thị trường Việt Nam với giá thấp hơn Aeon (với điều kiện họ nhập hàng chính ngạch, đóng đủ các loại thuế 25% và chi trả một loạt chi phí bán hàng, lãi trung bình khoảng 30-50 nghìn đồng/hộp sữa)? Chúng tôi xin phép không bình luận thêm mà chỉ muốn độc giả theo dõi tiếp phần dưới đây.
Người Việt Nam thuộc hàng top ở Nhật về ăn cắp vặt và vấn nạn sữa giả ở Trung Quốc
Chúng tôi xin phép được đề cập chi tiết đến tình trạng người Việt Nam ăn cắp ở Nhật trong một số bài viết khác, trong bài viết này chỉ xin phép đề cập đến số liệu do chính cảnh sát Nhật công bố. Tháng 3/2014, một đường dây tiêu thụ hàng ăn cắp để tuồn về Việt Nam với số lượng cực lớn đã bị phát hiện tại Nhật.
Cách thức hoạt động của đường dây đó như sau: nhiều người trẻ không có việc làm, ham kiếm tiền ở Nhật đua nhau đi ăn cắp, sau đó họ bán rẻ lại hàng hóa cho một số đầu mối chuyên tiêu thụ hàng ăn cắp, các đầu mối đó sẽ chuyển hàng cho một số người chuyên đi tuyến Nhật - Việt để chuyển về nước.
Theo cách đó, thì một hộp sữa dù bán ở cửa hàng khoảng 1.700 yên thì giá bán hàng ăn cắp chỉ rơi vào khoảng 500 yên (khoảng hơn 100 nghìn đồng), và theo con đường đó thì hộp sữa về Việt Nam dù có bán 350 nghìn đồng thì tất cả các bên tham gia vào đường dây tiêu thụ hàng ăn cắp cũng đã quá lãi. Và việc những tấm biển cảnh báo cấm ăn cắp bằng tiếng Việt được dán khắp nơi tại các địa điểm công cộng từ thành phố đến nông thôn tại Nhật không phải việc gì mới.
Truyền thông Nhật đã đưa tin nhan nhản về những vụ việc người Việt Nam ăn cắp tại Nhật. Thế nhưng mức độ của vấn nạn ăn cắp của người Việt Nam tại Nhật đã đến mức mà cuối năm 2014, Japan Today phải dành riêng cả một bài báo dài đăng trên trang nhất để nói về vấn đề này.
Trong năm 2013, các cửa hàng Uniqlo tại vùng Tokai đã bắt được nhiều người Việt ăn trộm đến hơn 100 lần. Sau nhiều lần canh chừng, cảnh sát đã bắt được toàn bộ nhóm người trên.
Japan Today trích dẫn số liệu từ cảnh sát Nhật cho thấy chỉ riêng trong nửa đầu năm 2014, số lượng tội phạm người nước ngoài tại Nhật tăng hơn 10%, tức là tương đương với khoảng 5.000 vụ việc.
Với sự có mặt của công dân ở hàng chục quốc gia đang cùng sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật thì số lượng người trộm cắp mang quốc tịch Việt Nam “vinh dự” chiếm đến hơn 20%.
Ngay sát Việt Nam, Trung Quốc nổi tiếng với các nhà máy sản xuất sữa giả. Mới chỉ tháng trước, South China Morning Post đưa tin cảnh sát thành phố Thượng Hải đã bắt giữ một đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn, ở thời điểm bắt giữ, cảnh sát thu được 17 nghìn lon sữa giả. Đường dây sản xuất sữa giả trên đã hoạt động được vài năm.
Năm 2008, 300 nghìn trẻ em Trung Quốc đã gặp phải vấn đề về thận sau khi tiêu thụ sữa kém chất lượng có chứa melamine. Năm 2004, tại tỉnh An Huy, Trung Quốc, 13 đứa trẻ đã chết do uống phải sữa kém chất lượng.
Không ai có thể biết có bao nhiêu lon sữa giả đã được bán ra nhiều tỉnh thành của Trung Quốc trong những năm qua và có ai đặt câu hỏi liệu các lon sữa giả trên có từ Trung Quốc đi sang các nước khác lân cận hay không?
Ngọc Thanh
Theo Trí Thức Trẻ