Tận dụng lợi thế sẵn có, Cà Mau đã vươn lên, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, động lực phát triển, tạo dấu ấn trên biểu đồ phát triển khu vực ĐBSCL cũng như trên cả nước
Cà Mau ở cực Nam Tổ quốc, là tỉnh vùng sông nước cách xa các trung tâm kinh tế lớn, xuất phát điểm phát triển thấp, kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện, giao thông gặp nhiều khó khăn. Song, vùng đất này rất giàu tiềm năng, đặc biệt con người nơi đây năng động, nhạy bén, cần cù, phóng khoáng và thân thiện.
Trung tâm công nghiệp chế biến thủy sản
Là một trụ trong "Tứ giác động lực" phát triển ĐBSCL, Cà Mau được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và chế biến, xuất khẩu thủy sản. Bên cạnh đó, kinh tế rừng đang trỗi dậy mạnh mẽ với hàng chục ngàn hecta rừng trồng theo phương pháp thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao.
Chính sách thông thoáng cùng với tiềm năng lớn, Cà Mau ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư Ảnh: VÕ NGỌC
Cà Mau nằm ở vị trí trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á, là tỉnh duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km, có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành dầu khí; cảng biển; du lịch sinh thái và du lịch biển, đảo… Tất cả yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" đã tạo cho Cà Mau những lợi thế không dễ có được đối với một số tỉnh khác trong khu vực.
Ông Phạm Bạch Đằng (bìa trái, hàng đầu), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau, thăm hỏi doanh nghiệp Ảnh: VÕ NGỌC
Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, tỉnh Cà Mau đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm công nghiệp chế biến thủy sản. Song song đó, sự phát triển các ngành công nghiệp hóa chất, phân bón và năng lượng tái tạo sẽ có sức lan tỏa nhanh, tác động mạnh đến phát triển công nghiệp và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng. Tầm nhìn đến năm 2045, với ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh, Cà Mau sẽ trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại và chuyên môn hóa cao.
Để đạt được mục tiêu, theo ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh sẽ sớm điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại các ngành công nghiệp, phát triển các ngành kinh tế trên địa bàn theo hướng tập trung, gắn với quy hoạch các vùng nguyên liệu, tài nguyên và lao động trên cơ sở phát huy cao độ các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tập trung xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp có trọng tâm, trọng điểm và lan tỏa; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; đẩy mạnh tích hợp công nghệ thông tin, tự động hóa trong sản xuất công nghiệp.
Tất cả những định hướng, cơ chế, chính sách đã, đang và sẽ ra đời trong thời gian tới, là cú hích mạnh mẽ, có cơ sở khoa học và thực tiễn tới phát triển kinh tế - xã hội địa phương; cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cà Mau, trong đó có đóng góp quan trọng của những nhà đầu tư vì sự phát triển của vùng đất cực Nam Tổ quốc, cũng như phát triển chung của cả khu vực ĐBSCL, của đất nước trong tương lai.
Đột phá trong cải cách hành chính
2019 là năm thứ tư tỉnh Cà Mau tập trung quyết liệt cải cách hành chính, giúp cải thiện rõ rệt Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới và vốn đầu tư, trong đó nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có chuyển biến tích cực.
Đạt được thành quả quan trọng này, tỉnh Cà Mau đã sớm thành lập Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tập trung cấp tỉnh và bộ phận một cửa hiện đại tại một số đơn vị cấp huyện; ban hành các văn bản như: quyết định về quy chế phối hợp trong giải quyết thủ tục đầu tư theo cơ chế một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh, kế hoạch về cải thiện và nâng cao chỉ số PCI của tỉnh qua từng năm; xác định rõ nhiệm vụ được giao cụ thể cho các đơn vị đầu mối và đơn vị chịu trách nhiệm chính cải thiện hàng trăm chỉ tiêu thuộc 10 chỉ số thành phần PCI của Cà Mau… Cùng với đó là sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của UBND tỉnh Cà Mau. Đến nay, môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch đã được tạo dựng khá rõ nét; thủ tục cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được rút ngắn còn khoảng 65% so với quy định…
Hiệu quả của mô hình cải cách hành chính của Cà Mau đã được nhiều tỉnh, thành phố đến tham quan, học tập kinh nghiệm và đánh giá cao về chất lượng phục vụ cũng như những tiện ích mang lại. Theo định hướng chung của cả nước, Cà Mau đã và đang thực hiện đa dạng hóa các quan hệ hợp tác, tiếp tục hoàn thiện thể chế và cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, đưa Cà Mau phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Những con số ấn tượng Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỉnh Cà Mau đứng thứ 49 trên bảng xếp hạng PCI 2018 với 61,73 điểm; tăng 2 bậc và tăng 1,9 điểm so với năm 2017. Tại hội nghị công bố Chỉ số Cải cách hành chính năm 2018 do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức, Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh Cà Mau xếp hạng 52/63 tỉnh - thành, tăng 2 bậc so với năm 2017; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính xếp hạng 8/63, tăng 18 bậc so với năm 2017, đứng đầu khu vực ĐBSCL. Theo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh tiếp tục trên đà phát triển và tăng trưởng khá. Cụ thể, GRDP năm 2018 tăng 7% và 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,4%. Các chỉ tiêu trên tất cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh... đều đạt và vượt kế hoạch. |
Theo DUY NHÂN / nld