Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Việt Nam, chỉ số đo lường “sức khoẻ” kinh tế của ngành sản xuất trong nước, đã giảm mạnh từ 49 điểm của tháng 2 về 41,9 điểm trong tháng 3. Chỉ số này có thể còn giảm tiếp khi nhiều doanh nghiệp (DN) phải tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nửa đầu tháng 4 theo chỉ đạo của chính phủ về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Dữ liệu mới nhất của IHS Markit cho thấy mức giảm mạnh nhất của "sức khỏe" lĩnh vực sản xuất trong hơn 9 năm công ty này thực hiện các cuộc nghiên cứu thị trường và thu thập dữ liệu tại Việt Nam. Mức độ giảm đã mạnh hơn mức kỷ lục được ghi nhận trong tháng 7-2012.
Mức độ lạc quan trong kinh doanh giảm về mức đáy mới, vào tháng 3-2020, khi nhiều đơn vị sản xuất tỏ ra lo ngại về thời điểm dịch bệnh có thể chấm dứt. Ảnh: TTXVN
Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng tiêu cực mạnh mẽ lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 3-2020. Các điều kiện kinh doanh đã suy giảm với mức độ mạnh nhất kể từ khi hoạt động khảo sát này được bắt đầu vào tháng 3-2011 khi sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm của tháng 3-2020 giảm ở mức kỷ lục.
Đường biểu diễn cho "sức khoẻ" ngành sản xuất trong tháng 3-2020. Nguồn: IHS
Trong tháng 3, nhiều ngành chế biến, chế tạo, dệt may, da giày đã lao đao vì tình hình dịch bệnh bùng phát. Nhiều công ty đã giảm hoạt động mua hàng và lượng hàng tồn kho, trong sự gián đoạn nghiêm trọng của chuỗi cung ứng do dịch bệnh lan nhanh trên toàn cầu. Trong khi đó, mức độ lạc quan trong kinh doanh cũng giảm về mức đáy mới khi nhiều đơn vị sản xuất tỏ ra lo ngại về thời điểm dịch bệnh có thể chấm dứt.
Theo IHS, đại dịch đã khiến cả số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm đáng kể trong tháng 3. Cả hai chỉ số đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử chỉ số, với tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm gần tương đương với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới.
Khoảng 42% số người trả lời khảo sát cho biết sản lượng ngành sản xuất đã giảm vào thời điểm cuối quý 1. Sự suy giảm mạnh được ghi nhận ở tất cả ba lĩnh vực là hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản.
Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, cho biết không có gì ngạc nhiên khi đại dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng nghiêm trọng lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 3, với dữ liệu PMI cho thấy mức giảm tồi tệ nhất của các điều kiện kinh doanh kể từ khi khảo sát bắt đầu khoảng hơn chín năm trước.
Do khan hiếm nguyên vật liệu, chi phí đầu vào cũng tăng nhẹ trong tháng 3. Trong khi đó, giá cả đầu ra giảm mạnh, và mức giảm là mạnh nhất kể từ tháng 7-2012.
Mức độ lạc quan trong kinh doanh giảm về mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này được bổ sung vào khảo sát vào tháng 4-2012 khi có các quan ngại về ảnh hưởng của Covid-19. Hơn một phần tư các công ty dự báo sản lượng giảm trong năm tới. Tuy nhiên, chỉ chưa đến 39% số người trả lời khảo sát dự kiến sản lượng sẽ cao hơn mức hiện tại, với kỳ vọng phục hồi khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
“Nhiều trong các tham số khảo sát đã đạt mức thấp lỷ lục và mức độ lạc quan trong kinh doanh đã giảm. Vấn đề then chốt hiện tại là sẽ mất bao lâu để cộng đồng quốc tế có thể kiểm soát đại dịch. Khi điều này xảy ra, các nhà sản xuất dự báo sản lượng sẽ tăng trở lại”, ông Andrew Harker chia sẻ.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), các quốc gia tập trung phần lớn đơn hàng của ngành dệt may Việt Nam bao gồm Mỹ (chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu) và châu Âu (chiếm 12% kim ngạch xuất khẩu) đã rơi vào tình trạng khủng hoảng vì dịch bện. Với các quyết định đóng cửa biên giới tạm thời hay hạn chế di chuyển tại các khu vực Châu Âu và Mỹ, đầu ra của ngành dệt may trong nước đã bị ảnh hưởng.
Các thương hiệu lớn trên thế giới đều có động thái dừng và cắt tất cả các đơn hàng, đóng hệ thống cửa hàng trong tháng 3 và 4, thậm chí có nhãn hàng đóng cửa hết tháng 6-2020.
Trong khi đó, thực hiện chỉ thị của chính phủ về cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1- trên phạm vi toàn quốc, nhiều DN đã thông báo tạm dừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam hay Ford Việt Nam mới đây cũng thông báo tạm dừng các hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy tại Việt Nam và chưa có thông tin về thời gian sản xuất trở lại.