Từ mức “đáy” của cùng kỳ năm trước, sức mua của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm nay đã bật tăng mạnh mẽ, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Nhưng khó khăn vẫn còn nhiều…
Sức mua trong nước đang ở thời điểm phục hồi mạnh mẽ nhất. Ảnh: Đức Thanh
Sức mua tăng tốc
Nếu có chỉ số kinh tế vĩ mô nào gây ấn tượng nhất trong 9 tháng đầu năm 2022, thì có lẽ đó là chỉ số về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. “Thương mại, dịch vụ đang phục hồi nhanh, nhất là sức cầu trong nước”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo Chính phủ mới đây.
Quả thực, con số là rất đáng khích lệ. Tháng 9/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 491.100 tỷ đồng, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô năm 2019 - khi chưa có dịch Covid-19. Tính chung 9 tháng, con số là 4.170.000 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%), nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 16,8% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,6%).
Như vậy, sau 2 năm sụt giảm mạnh, thậm chí có thời điểm “lao dốc” thẳng đứng, sức mua của nền kinh tế - được đo bằng chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng - đã phục hồi mạnh. Đây là một động lực quan trọng cho sản xuất - kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
PYN Elite Fund, một quỹ đến từ Phần Lan, khi nhận định về tình hình kinh tế của Việt Nam, đã cho rằng, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam là nhờ tiêu dùng mạnh mẽ. Chính đơn vị này đã đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 13% trong quý III/2022, sau khi giảm hơn 6% trong quý III năm ngoái. Đây là một trong những dự báo sát nhất so với kết quả đạt được (tăng trưởng GDP quý III là 13,67%).
Trong khi đó, tại báo cáo cập nhật kinh tế được công bố cách đây ít ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ sau đợt phong tỏa do Covid-19 vào quý III/2021. Sự phục hồi chủ yếu dựa trên những khởi sắc của xuất khẩu và sự giải phóng nhu cầu bị dồn nén sau khi các quy định về hạn chế di chuyển được dỡ bỏ và gần đây là sự quay trở lại dần của khách du lịch nước ngoài.
Cần phải nhắc lại rằng, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thương mại hàng hóa luôn là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam gần 3 năm qua. 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, dự báo cả năm có thể đạt 750 tỷ USD - một thành tích rất ấn tượng.
Ngược lại, sức mua trong nước liên tục suy giảm và chỉ bắt đầu phục hồi trở lại kể từ khi Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng linh hoạt với dịch bệnh Covid-19 được Chính phủ ban hành cách đây đúng một năm. Và giờ là thời điểm phục hồi mạnh mẽ nhất.
Không chỉ tổng mức bán lẻ, các chỉ số về tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tích cực. Tháng 9/2022, chỉ số này tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, mức tăng là 9,7% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 2,8%).
Tiêu thụ tốt hơn nên chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng được cải thiện. Ước tính tại thời điểm 30/9/2022, tồn kho tăng 7,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 13,4% so với cùng thời điểm năm trước, trong khi cùng thời điểm năm trước tăng 28,2%. Bình quân 9 tháng, tỷ lệ tồn kho là 76,4%, trong khi bình quân 9 tháng năm 2021 là 81,1%.
Động lực cho phục hồi kinh tế
Tại phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, sức mua của thị trường trong nước tuy được khôi phục, nhưng chủ yếu tiêu thụ tập trung vào nhóm hàng hóa thiết yếu, nhóm các hàng hóa không thiết yếu tăng thấp. “Việc thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng còn gặp nhiều khó khăn do sau 2 năm dịch bệnh, thu nhập của người dân bị giảm, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong phục hồi hoạt động dẫn đến khó khăn trong phục hồi tiêu dùng...”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.
Sau 2 năm sụt giảm mạnh, thậm chí có thời điểm “lao dốc” thẳng đứng, sức mua của nền kinh tế - được đo bằng chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng - đã phục hồi mạnh mẽ..
Trong khi đó, báo cáo Chính phủ chỉ sau phiên họp của Ủy ban Kinh tế một ngày, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tuy đã phục hồi, nhưng quy mô của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2022 ước chỉ đạt khoảng 84% trong điều kiện bình thường không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, việc giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng đã tác động đến tốc độ tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa. Trong khi đó, xuất nhập khẩu còn phải đối mặt với nhiều rào cản như vận chuyển hàng hóa khó khăn, chi phí logistic tăng cao, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều…
Các chuyên gia của WB cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam tuy đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, nhưng chưa phục hồi hoàn toàn, với tổng sản lượng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch Covid-19.
Tình hình tiếp tục khó khăn, không chỉ với thị trường trong nước, mà cả thị trường nước ngoài. Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đều bày tỏ lo lắng khi các đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái, sức mua suy giảm, sẽ ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. Điều này là hiện thực, khi các số liệu thống kê gần đây cho thấy, kim ngạch xuất khẩu so với tháng trước đã liên tục giảm.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của S&P Global về Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) chỉ ra rằng, PMI tháng 9 tuy vẫn đạt 52,5 điểm, cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng, nhưng đã thấp hơn so với mức đạt được của tháng 8 (52,7 điểm).
Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, khi nhận xét về chỉ số PMI của Việt Nam, cũng nhắc đến việc “có một số dấu hiệu tạm thời” cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới đang tăng chậm lại, đặc biệt là đơn hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, ông vẫn nhấn mạnh việc “niềm tin kinh doanh vẫn mạnh mẽ”, viễn cảnh cho 3 tháng cuối năm “vẫn rất tích cực”.
Đây là một trong các yếu tố quan trọng để kỳ vọng, tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức cao, khoảng 8% như dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.