Trưa 23-11, một số doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư vào các dự án du lịch ở vùng Tây Bắc với tổng vốn cam kết lên đến vài chục ngàn tỉ đồng. Đáng chú ý, Tập đoàn Sun Group đã cam kết đầu tư vào Lào Cai hơn 20.000 tỉ đồng để xây sân bay và hơn 8.000 phòng khách sạn.
Ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư trong khuôn khổ Hội nghị quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch vùng Tây Bắc, tổ chức tại TPHCM vào ngày 23-11 - Ảnh: Đào Loan |
Những thỏa thuận hợp tác đầu tư trên được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch vùng Tây Bắc, do Ban chỉ đạo Tây Bắc cùng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và UBND TPHCM tổ chức tại TPHCM ngày 23-11.
Trong số các dự án lớn được cam kết đầu tư, Sun Group đã ký kết chương trình hợp tác đầu tư vào tỉnh Lào Cai trong giai đoạn 2016 -2020 với những dự án rất lớn. Đó là, phát triển hạ tầng Khu du lịch Cáp treo Sapa với các loại hình khách sạn, khu vui chơi giải trí với khoảng 6.000 phòng khách sạn từ 3-5 sao, trung tâm hội nghị, mua sắm... với tổng vốn 10.000 tỉ đồng; khách sạn sạn 5 sao tại thị trấn Sapa với 1.200 tỉ đồng; tổ hợp công viên vui chơi giải trí, khách sạn, trung tâm hội nghị có khả năng đón hai triệu lượt khách/năm với tổng vốn 4.000 tỉ đồng; xây dựng Sân bay Lào Cai với hơn 5.600 tỉ đồng và nhiều dự án khác.
Cùng với tập đoàn này, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cũng được tỉnh Bắc Kạn trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu du lịch Sài Gòn-Ba Bể với tổng vốn hơn 130 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có bảy dự án khác đã được ngân hàng tài trợ vốn nhưng chưa công bố trong chương trình buổi sáng của hội nghị do không đủ thời gian. Hội nghị đã diễn ra từ sáng sớm cho đến 12 giờ trưa.
Đây là lần đầu tiên vùng Tây Bắc tổ chức hội nghị xúc tiến, đầu tư du lịch lớn tại TPHCM, với sự có mặt của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng những người đứng đầu 14 tỉnh Tây Bắc, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước...
"Lãnh đạo 14 tỉnh Tây Bắc có mặt đầy đủ, thể hiện mong muốn kết nối với doanh nghiệp TPHCM. Tại hội nghị này, chúng ta không những bàn về thế mạnh của du lịch mà còn là bàn phải làm gì, làm ở đâu," Phó thủ tướng, đồng thời cũng là Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc nói.
Cùng với việc gặp gỡ nhà đầu tư trong phòng hội nghị, các tỉnh Tây Bắc cũng tổ chức các gian hàng bên ngoài phòng họp của Khách sạn Rex để giới thiệu đặc sản địa phương, du lịch... với doanh nghiệp TPHCM - Ảnh: Đào Loan |
Lãnh đạo các tỉnh đều cho rằng các địa phương vùng Tây Bắc có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch, rất muốn thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư từ TPHCM ra, nhưng vấn đề khó khăn lớn của vùng hiện nay là cơ sở hạ tầng, giao thông và nguồn vốn đầu tư.
Để giải quyết vấn đề này, Phó thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Giao thông Vận tải cung cấp những thông tin về nguồn vốn, phát triển cơ sở hạ tầng để trả lời câu hỏi cho nhà đầu tư là vốn ở đâu, đi lên Tây Bắc bằng cách nào.
Phía Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc đầu tư vào Tây Bắc có nhiều tiềm năng nhưng vốn đầu tư vào vùng này còn rất hạn chế. Ghi nhận nguồn vốn qua ngân hàng có thể thấy, tính đến 30-9-2015, dự nợ tín dụng ngành du lịch của vùng chưa đến 2.000 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong tổng số dư nợ tín dụng của vùng là hơn 163.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, điểm nổi bật của vùng này là tuy vốn vay cho các dự án không nhiều, nhưng đã có có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Cuối năm 2014, dư nợ đối với khu du lịch sinh thái chỉ là 22 tỉ đồng thì sang năm nay tăng lên hơn 1.400 tỉ đồng.
"Đây là vùng tiềm năng. Trước đây, dự án được cấp phép thì mới chuẩn bị vốn nhưng nay ngân hàng sẽ đồng hành, có giấy phép là có vốn để làm ngay. Nếu ngân hàng nào đó thiếu vốn, thì nhà đầu tư có thể liên hệ với Ngân hàng Nhà nước để chúng tôi liên hệ với ngân hàng thương mại tham gia," đại diện Ngân hàng Nhà nước nói.
Về cơ sở hạ tầng, giao thông, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng, trong vòng 5 năm tới, hệ thống giao thông ở Tây Bắc sẽ không kém vùng nào trong cả nước.
Trong đó, về đường bộ, bộ đang thực hiện việc xây dựng các đường trung tâm như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Bắc Kạn, Hà Nội - Hòa Bình - Lạng Sơn; tuyến giao thông vành đai từ Quảng Ninh đến Điện Biên, Quảng Ninh đến Tây Giang hay đường từ Thái Bình đến Sơn La, các tỉnh lộ cũng đang được nâng cấp. Thêm vào đó Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng tài trợ làm nghiên cứu tiền khả thi dự án kết nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đến Lai Châu và Hà Giang.
Về hàng không, ba sân bay của vùng gồm sân bay Điện Biên, sân bay ở Sơn La và sân bay ở Lào Cai đang được tính toán đầu tư. Hệ thống đường sắt Hà Nội - Lào Cai cũng đang được nâng cấp và có chủ trương xã hội hóa, cho tư nhân đầu tư hoàn toàn vào các toa tàu dịch vụ cao. Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư đã đăng ký vào dịch vụ này. Sắp tới, tuyến đường sắt từ Lào Cai đến Sapa cũng sẽ được hoàn thành để du khách dễ dàng đến với các điểm du lịch.
Theo Đào Loan - TBKTSG