Từ tháng 11/2020, giá dầu thô đã phục hồi và tăng mạnh, đạt 73,64 USD/thùng cuối tháng 6/2021-mức cao nhất trong vòng gần 3 năm. Dự báo, giá dầu năm 2021 sẽ đứng ở mức trung bình gần 70 USD/thùng.
Tình hình xuất nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam
Việt Nam là nước nhập khẩu ròng dầu thô cũng như các sản phẩm xăng dầu. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 11,7 triệu tấn dầu thô, trị giá 3,8 tỷ USD. Cùng năm, Việt Nam xuất khẩu 4,7 triệu tấn dầu thô, thu về 1,6 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam nhập siêu 7,1 triệu tấn dầu thô, với giá trị 2,2 tỷ USD.
Tương tự, nhập khẩu sản phẩm xăng dầu các loại của Việt Nam năm 2020 là 8,3 triệu tấn (trị giá 3,3 tỷ USD), trong khi xuất khẩu 2,3 triệu tấn (0,98 tỷ USD), nhập siêu 2,3 tỷ USD.
Tổng cộng nhập siêu dầu thô và xăng dầu các loại của Việt Nam năm 2020 lên đến hơn 13 triệu tấn, giá trị là 4,5 tỷ USD.
Sáu tháng đầu năm (tính đến ngày 15/6), Việt Nam tiếp tục nhập siêu 2,7 triệu tấn dầu thô, 2,7 triệu tấn xăng dầu với giá trị tương ứng là 1,2 tỷ USD và 1,4 tỷ USD, đưa tổng nhập siêu dầu thô và xăng dầu lên 2,6 tỷ USD.
Tuy lượng dầu thô và xăng dầu nhập siêu tính đến 15/6 chỉ lần lượt là 38% và 45% lượng nhập siêu trong cả năm 2020 tính theo tấn, nhưng tính theo USD thì mức nhập siêu tương đương 52% và 61% của lượng nhập siêu năm 2020. Có sự khác biệt này do giá xăng dầu tăng mạnh nửa đầu năm nay.
Tác động tiêu cực
Là nước nhập khẩu ròng cả dầu thô và xăng dầu, nên kinh tế Việt Nam sẽ bị thiệt hại khi giá dầu thô tăng lên, bởi dầu thô là một trong những hàng hóa đầu vào cơ bản và quan trọng của nền kinh tế. Giá một hàng hóa nhập khẩu như dầu thô và xăng dầu gia tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào của nền kinh tế, làm gia tăng áp lực lên giá cả. Áp lực giá cả tăng, trong khi thu nhập không có triển vọng cải thiện đáng kể trong năm nay do đại dịch hoành hành, từ đó ảnh hưởng ngược trở lại đà tăng tăng trưởng GDP trong năm nay.
Mặt khác, giá nhập khẩu dầu thô và xăng dầu các loại tăng cũng góp phần làm tăng thâm hụt thương mại, từ đó gây áp lực lên tỷ giá VND/USD.
Tuy nhiên, mức độ tác động tiêu cực lên nền kinh tế Việt Nam có thể không thực sự lớn, bởi mức tăng tuyệt đối của nhập siêu dầu thô và xăng dầu trong năm nay sẽ không quá lớn, dự báo khoảng 5,7 tỷ USD.
So với con số tổng giá trị nhập siêu dầu thô và xăng dầu năm 2020 là 4,5 tỷ USD, có thể thấy, nếu giá dầu thô trong nửa năm còn lại không tăng quá mạnh so với dự báo (73,64 USD/thùng vào cuối năm 2021), thì mức tăng nhập siêu về dầu thô và xăng dầu năm 2021 so với năm 2020 cũng chỉ là 1,2 tỷ USD (5,7 tỷ USD - 4,5 tỷ USD).
Với con số 1,2 tỷ USD so với quy mô GDP khoảng 268 tỷ USD (năm 2020), tức chiếm chưa đến 0,5%, thì dù giá dầu thô có tăng mạnh trong năm nay cũng không tác động tiêu cực đáng kể lên kinh tế Việt Nam.
Tác động tích cực
Ở chiều ngược lại, giá dầu thô và xăng dầu tăng lại là một điều tốt cho thu ngân sách. Nhà nước không chỉ thu về ngân sách từ việc khai thác và bán dầu thô, mà còn thu gián tiếp qua các loại thuế, phí lên xăng dầu các loại.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, thu ngân sách từ dầu thô tiếp tục suy giảm mạnh trong những năm qua, chỉ đạt 34.500 tỷ đồng năm 2020, chiếm 2,7% tổng thu ngân sách trong cùng năm. Trong khi đó, thu thuế, phí xăng dầu, có giá trị nhỏ hơn so với thu từ dầu thô, cũng sẽ chỉ tăng lên chừng độ một vài ngàn tỷ đồng nếu giá dầu thô năm nay tăng mạnh như dự báo.
Do vậy, giả sử lượng dầu thô xuất khẩu và lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước không thay đổi đáng kể, thì có thể ước tính, tác động của giá dầu thô tăng lên thu ngân sách nhà nước cũng chỉ 1 - 2% tổng thu ngân sách. Nếu tính cả những tác động tiêu cực của sự tăng giá dầu thô lên mức tiêu thụ xăng dầu trong nước, cũng như xu hướng giảm sản lượng dầu thô khai thác trong nước và xuất khẩu, thì tất nhiên, tác động tích cực này sẽ nhỏ hơn.
Kết luận
Việc giá dầu thô tăng sẽ có tác động tích cực hay tiêu cực đến kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào góc nhìn.
Nếu nhìn từ góc độ toàn bộ nền kinh tế, thì giá dầu thô tăng sẽ gây ra một số thiệt hại, nhưng ước tính thiệt hại này trong năm 2021 không lớn so với GDP.
Ngược lại, nếu nhìn từ góc độ thu ngân sách nhà nước, thì giá dầu thô tăng là một điều có lợi. Tuy nhiên, do sản lượng dầu thô khai thác và xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng giảm liên tục bởi trữ lượng khai thác giảm, nên nhiều khả năng, giá dầu thô tăng cũng chỉ cải thiện nhẹ thu ngân sách nhà nước. Mặt khác, do thu ngân sách còn phụ thuộc vào các hoạt động kinh tế và nguồn thu từ các lĩnh vực khác, nên khi nền kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực từ giá dầu thô tăng, thì thu ngân sách cũng sẽ chịu ảnh hưởng một phần. Do đó, tác động ròng của giá dầu thô tăng lên thu ngân sách có thể không thay đổi đáng kể.
Tóm lại, xét một cách tổng thể, giá dầu thô tăng có hại hơn là có lợi cho cả nền kinh tế Việt Nam, song thiệt hại dự báo không đáng kể trong năm nay.