Việc áp thuế chống bán phá giá một số mặt hàng thép không gỉ để bảo vệ sản xuất trong nước bộc lộ bất cập nhất định, khi doanh nghiệp phải cõng thêm chi phí do việc áp thuế nhập khẩu bổ sung.
Quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam của Bộ Công thương không nhận được sự ủng hộ của một số doanh nghiệp trong nước
Quyết định số 1656/QĐ-BCT được Bộ Công thương ban hành ngày 29/4/2016 về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, Bộ Công thương quyết định áp dụng mức thuế chống bán phá giá mới. Ngoại trừ thị trường Malaysia được điều chỉnh giảm nhẹ, thép không gỉ nhập từ 2 thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc và Indonesia bị điều chỉnh áp thuế suất thuế chống bán phá giá tăng mạnh, từ 3,07% lên 25,35%.
Điểm đáng chú ý là, mức áp thuế tăng đột biến với thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, nếu doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ nhà sản xuất Shanxi Taigang Stainless Steel Co.,Ltd, thuế tăng từ mức 6,58% lên 17,47%, các nhà sản xuất khác,thuế tăng lên mức 25,35% (trước kia ở mức 4,64 - 6,87%). Thời hạn áp dụng đến tháng 10/2019, trong trường hợp các mức thuế này không được gia hạn, rà soát theo quy định pháp luật.
Mặc dù thuế chống bán phá giá là một biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước, song điều lạ là, quyết định nói trên của Bộ Công thương lại không nhận được sự ủng hộ của một số doanh nghiệp trong nước.
Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sử dụng inox đã chỉ ra nguy cơ thị trường thép không gỉ cán nguội bị thao túng, có hơi hướng độc quyền. Nguyên do là, việc áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam có thể chỉ mang lợi ích thiểu số cho bên yêu cầu là Công ty TNHH Posco VST và Công ty cổ phần Inox Hòa Bình. Trong khi đó, doanh nghiệp sử dụng thép không gỉ làm nguyên liệu đầu vào phải chịu thêm khoản chi phí gia tăng, khiến sản phẩm của họ giảm sức cạnh tranh và có thể thua ngay trên sân nhà.
Ông Trần Thọ Huy, Tổng giám đốc Công ty Thang máy Thiên Nam cho biết, thép không gỉ chiếm 10% giá thành chi phí đầu vào ngành sản xuất thang máy, với việc thuế chống bán phá tăng từ mức 5,5% lên 25,35%, hàng năm, Công ty Thiên Nam sẽ bị thiệt hại vài tỷ đồng. “Điều đáng nói là, chi phí sản xuất tăng lên đáng kể trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực tiết giảm chi phí để cạnh tranh với các hãng thang máy ngoại”, ông Huy lo ngại nói.
Cùng quan điểm, ông Trần Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thang máy Thái Bình cho biết: “Chúng tôi ủng hộ sản xuất trong nước, tuy nhiên, mặt hàng thép không gỉ trong nước sản xuất không đạt yêu cầu chất lượng để làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thang máy. Đơn cử, inox không đạt độ phẳng, tính thẩm mỹ… nên Công ty Thái Bình vẫn phải nhập khẩu. Việc nâng mức thuế chống bán phá giá thép không gỉ đã làm chi phí sản xuất của chúng tôi tăng lên. Hệ quả là giá thang máy Việt Nam không cạnh tranh nổi với các thương hiệu ngoại nhập”.
Thuế chống bán phá giá là biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, song một số doanh nghiệp không ủng hộ vì lo chi phí sản xuất tăng.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse cũng cho rằng, thuế chống bán phá giá áp cho nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp sẽ làm tăng giá thành sản phẩm ít nhất 5%, từ đó giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trước thực trạng trên, những doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng mặt hàng inox có 2 lựa chọn: hoặc phải mua đắt do phải chịu thêm thuế chống bán phá giá, hoặc mua sản phẩm từ các nhà sản xuất trong nước nhập khẩu thép không gỉ dạng tấm về gia công. Việc áp thuế chống bán phá giá này, vô hình trung là bảo vệ một số đơn vị, nhưng lại ảnh hưởng đến hàng ngàn doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu thép không gỉ cán nguội.
Ông Trần Thọ Huy cho biết thêm, Công ty Thiên Nam khiếu nại 2/9 mã hàng (HS: 7219.33.00 và HS: 7219.34.00) áp thuế chống bán phá giá nêu trong Quyết định số 1656/QĐ-BCT của Bộ Công thương, vì chủng loại mặt hàng này trong nước chưa sản xuất được và bản thân bên yêu cầu áp thuế chống bán phá giá là Posco VST cũng nhập khẩu rồi phân phối lại.
Trong đơn kiến nghị gửi Bộ Công thương, Thiên Nam nêu khó khăn do thời hạn áp dụng của quyết định quá gấp (15 ngày sau ngày ký) đã khiến doanh nghiệp trở tay không kịp, bởi chu kỳ thực hiện hợp đồng nhập khẩu thép để sản xuất thường ký trên 90 ngày. Chỉ tính riêng 2 hợp đồng nhập khẩu thép không gỉ từ Zhejang Baohong Stainless Steel (Trung Quốc), mở L/C vào tháng 4/2016, Thiên Nam đã “hứng” thiệt hại 1,13 tỷ đồng do chênh lệch giữa 2 mức thuế. Thiên Nam kiến nghị Bộ Công thương không áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ đối với 2 hợp đồng ký với Zhejang Baohong Stainless Steel.
Phúc đáp kiến nghị trên, Bộ Công thương cho rằng, theo quy trình, Cục Quản lý cạnh tranh đã thông báo công khai quyết định về việc rà soát thuế chống bán phá giá và đã khuyến cáo các bên liên quan về mức thuế sau khi rà soát có thể sẽ được điều chỉnh. Việc Thiên Nam không lưu ý tới khuyến cáo, cũng như không gửi bất kỳ ý kiến bình luận hoặc kiến nghị nào trong thời gian rà soát là điều đáng tiếc.
Vì lý do đó, Bộ Công thương không thể giải quyết miễn thuế chống bán phá giá cho 2 hợp đồng Thiên Nam kiến nghị. Về kiến nghị tạm thời không áp dụng biện pháp áp thuế chống bán phá giá với các chủng loại thép không gỉ trong nước chưa gia công hoặc gia công chưa đạt yêu cầu chất lượng, Bộ Công thương cho rằng, khả năng cung cấp sản phẩm thép không gỉ trong nước đã được cơ quan điều tra xác minh, làm rõ trong Báo cáo kết luận điều tra để áp thuế chống bán phá giá lần đầu. Bộ Công thương khẳng định, các sản phẩm mà Thiên Nam kiến nghị, trong nước đều đã sản xuất được.
Ngọc Tuấn / baodautu