Xây dựng một tương lai bền vững cho ngành dệt may của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.
Ảnh: QH
Việt Nam là 1 trong 10 nước xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu trên thế giới. Với kim ngạch xuất khẩu hơn 30 tỉ USD/năm, ngành dệt may đóng góp đáng kể vào kinh tế của cả nước nhưng cũng là ngành gây ô nhiễm nguồn nước lớn thứ 2. Những nhà máy dệt may của Việt Nam còn là những nhà máy thâm dụng năng lượng nhất thế giới khi tiêu thụ đến 1/10 tổng điện năng sử dụng trong các ngành công nghiệp cả nước. Trong bối cảnh đó, liên tục có những sáng kiến từ khắp thế giới nhằm hỗ trợ tài chính cho việc cải tạo ngành dệt may bền vững hơn cho Việt Nam.
Từ sản xuất
Samil Vina, một nhà cung cấp chiến lược của Tập đoàn Target, đã được Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) hỗ trợ triển khai các giải pháp nâng cấp nhà máy bằng cách giới thiệu vay 4 triệu USD từ một ngân hàng đối tác trong nước của IFC. Các máy nhuộm vải mới đã giúp Mamil Vina giảm lượng tiêu dùng nước, hóa chất và năng lượng khoảng 45% và hệ thống mới cũng giúp giảm 17% thời gian sản xuất. Cách tiếp cận mới này cho phép Công ty tiết kiệm 2 triệu USD chi phí vận hành một năm, nhờ đó có thể tăng lương cho người lao động khoảng 60% trong vòng 1 năm kể từ khi lắp đặt máy nhuộm vải mới.
Kể từ năm 2015, IFC đã giúp những nhà máy dệt may Việt Nam tiết kiệm 30 triệu USD thông qua Chương trình Cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên Việt Nam (VIP). Số tiền này được đo lường bằng việc tiết kiệm chi phí nước, năng lượng và hóa chất hằng năm khi 82 nhà máy dệt, may mặc và giày dép được trợ giúp đầu tư 37 triệu USD vào những phương thức hiệu quả năng lượng hơn.
Những nhà máy này cung cấp cho nhà bán lẻ và các hãng quần áo lớn nhất thế giới, bao gồm Adidas, New Balance, Puma và Target. Bằng việc cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn lực, các nhà máy, với hoạt động cắt may, nhuộm, in và tẩy vải, có khả năng đáp ứng những yêu cầu cao hơn về bền vững của những khách hàng quốc tế.
“Các nhà sản xuất địa phương sử dụng năng lượng và nước bền vững đã thể hiện tính kinh tế cao khi họ có thể tiết kiệm chi phí sản xuất và đồng thời gia tăng tính cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia của IFC, nhận xét.
Đến thời trang tốt
Đầu tháng 9 vừa qua, Quỹ Thời trang Bền vững (Good Fashion Fund) vừa được thành lập. Đây là quỹ đầu tư chỉ tập trung vào thúc đẩy ứng dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo trong ngành thời trang với quy mô dự kiến 60 triệu USD. Tập trung vào 3 quốc gia châu Á là Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam, đồng thời cũng là những công xưởng dệt may của thế giới, Quỹ được thiết kế để loại bỏ rào cản tài chính đang tồn tại trong ngành dệt may khi thiếu đơn vị trung gian để kết nối giữa các nhà đầu tư và nhà sản xuất cần vốn để áp dụng công nghệ hiện đại.
“Các nhà sản xuất có doanh thu từ 10-100 triệu USD đều đủ điều kiện nhận tài trợ để áp dụng các công nghệ tác động tiên tiến”, bà Katrin Ley, Giám đốc Điều hành Quỹ Thời trang Bền vững chia sẻ, “các nhà sản xuất lớn hơn cũng có thể nhận được tài trợ để áp dụng các công nghệ đột phá”. Mỗi khoản đầu tư quy mô từ 1-5 triệu USD sẽ dưới dạng các khoản vay dài hạn.
“Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra sự bền vững thay vì chỉ đơn giản là giảm tác động xấu”, bà Katrin cho biết. Đo lường kết quả dựa trên 5 tác động bền vững về nguyên liệu, năng lượng, nước, kinh tế và cuộc sống, Quỹ đòi hỏi các kế hoạch đầu tư phải hướng đến giảm tối thiểu 50% mức độ ảnh hưởng của 3 yếu tố đầu và luôn tạo tác động tích cực đến 2 yếu tố sau cùng.
“Tất cả chúng ta đều biết rằng việc kinh doanh như bình thường sẽ không giúp ngành công nghiệp thời trang trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển bền vững”, bà Leslie Johnston, Giám đốc Điều hành Quỹ C&A, nhấn mạnh việc đổi mới là tất yếu trong ngành thời trang. Những sáng kiến như của IFC và Quỹ Thời trang Bền vững đang thúc đẩy những tác động tích cực cho toàn ngành công nghiệp thời trang, chứng minh rằng việc đầu tư hữu hình không chỉ nhằm phát triển bền vững và còn hướng tới mục tiêu tạo ra chuỗi cung ứng ngành có tính phục hồi và tái tạo cao.
Thanh Hằng / nhipcaudautu