Tập đoàn Siam Cement Group (SGC - Thái Lan) vừa đặt bút ký lại Hợp đồng liên doanh và Điều lệ công ty với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để chính thức trở thành 2 nhà đầu tư lớn tại Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam.
Chốt xong đối tác
Đã gần 10 năm trôi qua kể từ ngày động thổ để tạo dựng cơ sở hạ tầng phục vụ triển khai đầu tư vào năm 2008, Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam giờ mới có thêm bước tiến dài khi đã chốt xong các nhà đầu tư tham gia. Như vậy, những biến động về đối tác khiến Dự án chưa thể tiến hành xây dựng đã kết thúc. Thay vì 3 đối tác chính ban đầu (gồm PVN, SCG và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam), Dự án đã chứng kiến sự rút lui của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hay bổ sung sự tham gia của QPI và sau đó lại là sự ra đi của QPI.
Sau Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa Công ty Dầu khí quốc gia của Qatar (QPI) mà đại diện tại Việt Nam là Công ty QPIV và Tập đoàn Siam Cement Group (SCG), hiện Tổ hợp Hóa dầu miền Nam có 2 nhà đầu tư lớn là SCG với 71% (bao gồm cả Công ty con là TPC) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với 29%.
Ngoài ra, thay cho quy mô 3,7 tỷ USD được ghi trong giấy chứng nhận đầu tư ban đầu, vốn đầu tư của Dự án hiện đã tăng lên 5,4 tỷ USD. Ông Dhep Vongvanich, Giám đốc điều hành của SCG tại Việt Nam cho hay: “Chúng tôi đã tiến hành hợp lý hoá lại để có được dự án lý tưởng nhất. Đã có một số thay đổi về chủng loại sản phẩm và quy mô sản xuất. Dự án cũng nhận được sự trợ giúp tốt của chính quyền địa phương và đã thanh toán xong tiền thuê đất với thời gian sử dụng là 50 năm và giờ chỉ còn chờ khởi công xây dựng nhà máy”.
Dẫu vậy, theo nguồn tin của Báo Đầu tư, cho tới nay, PVN vẫn chưa thanh toán nốt phần tiền mà Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đã bỏ ra ban đầu, khi nhận lại 11% vốn góp của đơn vị này.
Tăng giá trị
Ông Dhep Vongvanich cho biết, dự tính trong quý II/2017, Dự án sẽ nhận được giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, sau đó sẽ tiến hành trao thầu và khởi công xây dựng vào quý III/2017, với thời gian đi vào hoạt động là năm 2021.
Khi được hỏi “nhà đầu tư có trông chờ sẽ sớm có Nhà máy lọc dầu số 3 đặt tại Long Sơn, làm cơ sở cung cấp nguyên liệu đầu vào cho Dự án Tổ hợp Hoá dầu miền Nam không”, đại diện SCG tại Việt Nam cho hay, Dự án không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào được lấy từ Nhà máy lọc dầu như một khâu liền kề trước đó. Điều này cũng có nghĩa, Long Sơn - địa điểm được xem là lựa chọn hàng đầu để xây dựng Nhà máy lọc dầu cũng sẽ không nhanh chóng có thêm một dự án lớn như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hay Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn.
Dự án Tổ hợp Hoá dầu miền Nam đã lựa chọn áp dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, vận hành an toàn để đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đồng thời đảm bảo cho ra sản phẩm hóa dầu có chất lượng cao là các loại nhựa PP, PE… , trong đó ít nhất 70% sẽ được tiêu thụ nội địa và 30% sẽ được xuất khẩu sang các thị trường của khu vực châu Á.
Tỷ trọng sản phẩm tiêu thụ chính ở Việt Nam xem ra cũng không làm khó Tổ hợp Hoá dầu miền Nam khi đi vào sản xuất thương mại, bởi SCG hiện đã có hơn 20 công ty con đang hoạt động tại Việt Nam với nhiều nhà máy hoạt động trong lĩnh vực hạt nhựa, bao bì nhựa, cửa nhựa… Tổng quy mô đầu tư của SCG tại Việt Nam, chưa kể Dự án Tổ hợp Hoá dầu miền Nam, ước tính khoảng 1 tỷ USD. “Việc có Tổ hợp Hoá dầu miền Nam sẽ giúp gia tăng giá trị của sản phẩm, so với chỉ khai thác dầu thô, nhất là trong hoàn cảnh giá dầu ở mức thấp”, ông Dhep Vongvanich nói.
Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam Là công trình trọng điểm dầu khí, là tổ hợp hóa dầu đầu tiên tại Việt Nam có quy mô sản xuất lớn, với công suất lên đến 1,6 triệu tấn olefin/năm. Theo ước tính, sẽ có 15.000 - 20.000 việc làm trong quá trình xây dựng Dự án và hơn 1.000 việc làm khi Dự án đi vào vận hành thương mại. Dự án ước tính đóng góp cho ngân sách địa phương và Trung ương khoảng 115 triệu USD/năm, tương đương 2.500 tỷ đồng/năm trong suốt 30 năm đi vào hoạt động. |
Thanh Hương / baodautu