Chuyên gia cho rằng yếu tố điều kiện tự nhiên khác nhau là nguyên nhân chính của sự khác biệt về chuyện nở rộ cao ốc xung quanh các dòng sông ở Hà Nội và TP.HCM.
Dọc bờ sông Hồng vắng bóng các cao ốc, trái ngược với sông Sài Gòn. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Khác với TP.HCM, tại Hà Nội dọc bờ sông Hồng lại rất hiếm cao ốc mọc lên. Cao ốc thường được xây dựng bên trong đê, gần như không có cao ốc nào xây dựng bên ngoài đê.
TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, cho biết sự khác biệt bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên của 2 con sông gắn với 2 thành phố, là sông Hồng và sông Sài Gòn.
Sông Sài Gòn ở TP.HCM có chiều dài ngắn, lưu vực hẹp và bắt nguồn từ Vườn Quốc gia Cát Tiên. Lượng nước đổ về hạ lưu về cơ bản ít thay đổi theo mùa. Nước sông chủ yếu thay đổi theo lịch thủy triều. Do nước sông chảy ổn định và hiền hòa nên gần như không cần xây dựng đê ngăn lũ, tạo điều kiện cho phát triển nhà ở, đô thị ngay sát bờ sông.
Ngược lại, tại Hà Nội, sông Hồng về mùa lũ nước thường lên rất cao. Theo TS. Liêm, nước sông vào mùa lũ, khi ở mức báo động 3 có thể lên đến 13-14 m (từ đáy sông đến mặt nước). Trong khi đó, nền đất hai bên bờ sông là cốt 6 m (từ đáy sông lên đến nền đất).
Điểm đặc biệt của sông Hồng tại miền Bắc là có con đê cao và dài chạy dọc 2 bên bờ sông. Do điều kiện nước lũ bên ngoài đê nên nhà cửa dân sinh, nhà cao tầng chỉ có thể xây dựng bên trong đê. Chỉ có một số ít bãi ngoài sông Hồng có thể sống được, nhưng vẫn có nguy cơ gặp lũ.
Một yếu tố nữa được TS. Liêm chỉ ra, là đường xá dọc bờ sông Hồng tại Hà Nội không thật thuận tiện, cản trở sự phát tiển đô thị.
Dọc bờ sông chỉ có duy nhất đường đê không rộng rãi, không thuận tiện. Trong khi đó phía trong đê lại có đường xá rộng rãi, đất đai nhiều nên có thể phát triển đô thị một cách nhanh chóng.
Hình ảnh vào mùa lũ và mùa cạn của sông Hồng trong lịch sử. |
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, cho rằng hiện nay chưa hề có sự phát triển đô thị hai bên dọc sông Hồng. Điều này xuất phát từ đặc điểm địa lý, thủy văn rất lớn. Trong lịch sử, phải mất rất nhiều năm mới có được đê sông như ngày nay, bởi sông Hồng mùa lũ rất hung dữ.
“Sông Hồng bắt nguồn từ vùng núi nên vào mùa lũ có một lượng nước đổ về rất lớn, làm cho nước lũ dữ hơn rất nhiều và có sự chênh lệch giữa mùa mưa và mùa cạn rất lớn.
Trong khi đó, khoảng cách từ bờ sông vào đến con đê còn một khoảng bãi bồi rộng lớn. Đô thị rất khó phát triển ở mép sông. Trong khi khu đô thị ven sông thì thường lấy yếu tố mặt nước là quan trọng”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Những cao ốc bắt đầu mọc lên gần sông Hồng hơn nhưng chủ yếu vẫn nằm bên trong đê. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho rằng đô thị dọc 2 bờ sông Hồng chưa phát triển là do chưa có quy hoạch cụ thể. Hà Nội từng đề ra việc xây dựng quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng, nhưng lại chưa được duyệt. Do chưa được duyệt nên chưa có định hướng phát triển rõ ràng.
“Phát triển đô thị dọc 2 bên bờ sông là rất quan trọng. Trong khi thực trạng hiện nay khu vực ven sông khá nhếch nhác. Việc phát triển đô thị phải có quy hoạch cụ thể”, ông Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.
Hiếu Công / Zing News