Dự kiến lượng kiều hối về TP.HCM năm 2016 khoảng 5 tỷ USD so với dự ước đầu năm là 5,5 tỷ USD, giảm 10% so với dự ước đầu năm.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết tính đến hết tháng 11/2016 kiều hối về TP.HCM khoảng 4,3 tỷ USD . Thường quý cuối cùng của năm lượng kiều hối mới về nhiều, chiếm đến hơn 40% lượng kiều hối của cả năm. Trên cả nước, lượng kiều hối về năm nay khoảng 9 tỷ USD so với dự ước đầu năm 11-12 tỷ USD.
Lượng kiều hối năm nay không như dự ước do trong tháng 11/2016 lượng kiều hối về đã chững lại, thậm chí “đứng im” vì ảnh hưởng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Sự đắc cử của ông Donald Trump với chính sách ủng hộ nền kinh tế trong nước và chính sách nâng giá trị đồng USD đã khiến kiều hối về Việt Nam chậm lại.
Nguồn cung kiều hối từ thị trường Mỹ chiếm 60%, khi kiều hối từ thị trường này giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tổng lượng kiều hối về Việt Nam.
Bên cạnh đó, khả năng tăng lãi suất của Fed trong tháng 12/2016 khiến nhiều người giữ USD lại, nếu gửi về Việt Nam gửi tiết kiệm với lãi suất USD 0%/năm không hấp dẫn. Điều nữa là Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự không tham gia của Mỹ khiến nguồn kiều hối đổ về Việt Nam đón đầu TPP không còn.
Do đó, nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối giảm cũng có ảnh hưởng nhất định tới tăng trưởng kinh tế, vì có đến 72% lượng kiều hối “đi” vào sản xuất, kinh doanh, 21% “đổ” vào thị trường bất động sản...
Những doanh nghiệp tại Việt Nam có được nguồn ngoại tệ hỗ trợ từ người thân thì gần như không phải trả lãi cho khoản vốn này, nhưng khi nguồn này giảm doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng hoặc tìm nguồn vốn khác sẽ làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm…
Đấy là nhìn từ khía cạnh hẹp, còn ở mức vĩ mô, kiều hối giảm nhưng các nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam năm 2016 lại tăng từ giải ngân hàng FDI, xuất khẩu, du lịch…
Ngân hàng Nhà nước vẫn đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Theo Hoàng Anh
Bizlive