Các công ty toàn cầu không chỉ đầu tư mạnh vào hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, họ còn để mắt tới thị trường tiêu dùng khổng lồ của nước này. Mặt khác, các quốc gia ở Đông Nam Á không thể sánh được với năng lực sản xuất và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.
Trên South China Moring Post, nhà nghiên cứu David Dodwell đã đưa ra quan điểm về vai trò không thể thiếu của Trung Quốc trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Ông David Dodwell cho biết nếu tạm gác chủ đề về coronavirus, chủ đề chi phối thảo luận về Trung Quốc và nền kinh tế thế giới xoay quanh 3 thứ: sự tách rời khỏi Trung Quốc; chuyển dịch sản xuất sang các nước châu Á; và sự đổ vỡ của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhưng, dựa vào các dữ liệu có sẵn và nhận thức chung đơn thuần, quá trình chuyển dịch sẽ phức tạp hơn rất nhiều và việc tách rời khỏi Trung Quốc dường như không hợp lý, ông David Dodwell nêu quan điểm.
Tất nhiên, điều này có những điểm đúng nhất định khi chính quyền Mỹ đang gây áp lực và buộc các công ty quay trở về quê nhà với mục tiêu: Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại.
Dù vậy, nếu nhìn vào việc General Motors sản xuất và bán 40% xe ở Trung Quốc hay Apple sản xuất phần lớn iPhone ở nước này và 1/3 doanh số của công ty nằm ở châu Á thì việc chuyển dịch hoạt động sản xuất không hợp lý. Nó cũng đồng thời khiến hoạt động của chính các công ty này khốn đốn.
Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới, cung cấp những sản phẩm công nghệ giá rẻ cho các thị trường giàu có vì mức lương, điều kiện làm việc thấp mà công nhân phương Tây và các tổ chức công đoàn của họ không bao giờ chấp nhận.
David Dodwell cũng cho rằng trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc cũng đã khác. Đất nước này đã trở thành thị trường tiêu dùng khổng lồ và ngày càng giàu có theo cách riêng của mình. Điều này cũng phần nào giải thích dòng chảy mạnh, ổn định vào đầu tư sản xuất của nước này.
Trung Quốc vẫn chiếm 35% sản lượng sản xuất toàn cầu, nhưng tỷ trọng sản lượng ngày càng tăng này là để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa. Trung Quốc chỉ chiếm 10% khoản tiêu dùng của hộ gia đình trên toàn cầu, nhưng nước này là nguyên nhân đằng sau đà tăng trưởng 38% về tăng trưởng tiêu dùng toàn cầu.
Đối với phần lớn công ty đa quốc gia đã xây dựng chuỗi cung ứng xoay quanh Trung Quốc, việc pha loãng hoạt động ở Trung Quốc hoặc di dời sang nơi khác sẽ là tai họa cho chính các công ty.
Dù vậy, David Dodwell nhận định điều này không thể ngăn các biên tập viên ở New York, London hoặc Frankfurt tìm kiếm các ví dụ về việc di dời sản xuất khỏi Trung Quốc.
Việt Nam là ví dụ ưa thích trong câu chuyện này. Đây là nơi đã xây dựng một nền kinh tế sản xuất xuất khẩu, đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây và thu hút đầu tư nước ngoài đáng kể.
Các công ty quốc tế như Kyocera và Ricoh từ Nhật Bản, Samsung từ Hàn Quốc, Guizhou Tyre và HL Corporation từ Trung Quốc đều là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam trong vài năm qua.
Theo Báo cáo Đầu tư Thế giới của Liên Hiệp Quốc,trong năm 2018, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 16 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số 139 tỷ USD chảy vào Trung Quốc. Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là 145 tỷ USD, trong khi của Trung Quốc lên đến 1,63 ngàn tỷ USD. Do đó, tổng dòng vốn FDI của Việt Nam chỉ bằng dòng FDI chảy vào Trung Quốc trong 1 năm.
Ông cũng cho rằng không thể không nhìn nhận về quy mô và phạm vi của Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào khác ở Đông Nam Á so với Trung Quốc. Điều này sẽ kìm hãm những gì mà các nước này có thể hấp thụ được.
GDP của Việt Nam trong năm 2018 là 245 tỷ USD, nhỏ hơn 55 lần so với mức 13,6 ngàn tỷ USD của Trung Quốc. Trung Quốc có 15 tỉnh có GDP (xét theo ngang giá sức mua – PPP) lớn hơn cả Việt Nam, và 8 tỉnh có GDP cao gấp đôi.
Trung Quốc có lực lượng sản xuất khoảng 800 triệu người, trong khi Việt Nam chỉ có 55 triệu người. Trong năm 2017, tỷ trọng đóng góp của Trung Quốc trong sản lượng sản xuất toàn cầu là 28,2%, cao hơn nhiều so với mức 17,2% của Mỹ và chỉ 0,27% của Việt Nam.
Tổng giá trị gia tăng thêm từ lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc là 4 ngàn tỷ USD trong năm 2018, hơn 100 lần Việt Nam. Cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn kém hơn rất nhiều so với Trung Quốc. Ví dụ như công suất tạo điện năng (khoảng 41 triệu kilowatt so 1,65 tỷ kilowatt); đường sắt (2.600 km so với 131.000 km - trong đó 29.000 km đường sắt cao tốc); cảng biển (6,15 triệu container qua cảng lớn nhất Việt Nam là Sài Gòn với 40 triệu của cảng Thượng Hải)...
Tóm lại, David Dodwell cho rằng nhiều tỉnh riêng lẻ của Trung Quốc sẽ có khả năng hấp thụ các nhà sản xuất nước ngoài tốt hơn Việt Nam.
Các công ty quốc tế đang tìm cách đa dạng hóa khỏi Greater Bay Area, Thượng Hải hoặc Thiên Tân đang xem xét các tỉnh này trước khi họ xem xét các nền kinh tế nhỏ của Đông Nam Á với cơ sở hạ tầng sản xuất tương đối mong manh, theo David.
Thêm vào đó, thị trường tiêu dùng nội địa của Trung Quốc vẫn rất khổng lồ và cho đến này là thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Do đó, việc dịch chuyển đáng kể hoạt động sản xuất từ Trung Quốc ra nước ngoài có vẻ không hợp lý cho lắm.
Theo David Dodwell, việc ông đưa ra những điều trên không phải là để khẳng định sẽ chẳng có gì thay đổi ở Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc đã thúc giục các nhà chế biến xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp và gây ô nhiễm môi trường từ Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) hoặc giảm bớt mức độ gây ô nhiễm hoặc dời cơ sở ra nước ngoài.
Các lỗ hổng của chuỗi cung ứng dài và phức tạp dần dần hiện rõ trong thời gian gần đây và nhiều công ty đã tìm cách đơn giản hóa chuỗi cung ứng và đảm bảo nguồn dự phòng cho các thành phần chính.
Nhưng đối với các công ty ở Trung Quốc, nước ngoài hoặc địa phương, điều này có liên quan đến việc đưa thêm chuỗi cung ứng vào Trung Quốc cũng như xem xét việc nhập nguồn dự phòng từ nước ngoài.
Ông cho biết có nhiều lý do hợp lý để các công ty đa dạng hóa trên toàn cầu trong những năm gần đây. Những lý do đó vẫn còn hợp lý cho đến nay. Trung Quốc đang gắn kết sâu vào các chuỗi toàn cầu này, không chỉ dưới vai trò ông lớn xuất khẩu mà còn là thị trường tiêu dùng ngày càng quan trọng hơn đối với thế giới.
Theo ông, các nền kinh tế đang lên như Việt Nam đang tham gia vào những chuỗi cung ứng này và điều đó chỉ mang lại lợi ích. Tuy nhiên, nếu nghĩ rằng vai trò không thể thiếu của Trung Quốc đang suy yếu thì đó là một suy nghĩ ngây thơ và sai lầm.