Không chỉ các hãng taxi truyền thống chịu áp lực cạnh tranh gay gắt, mà các dịch vụ taxi "kiểu mới" ra đời thời gian gần đây cũng đang trong cuộc chiến giữ chân tài xế và khách hàng.
Ảnh minh họa.
Ông Thành, một tài xế chạy Grabtaxi chia sẻ mới chuyển sang chạy cho hãng này sau 5 năm làm tài xế taxi truyền thống. Ban đầu khi mới ra đời, Grab có hỗ trợ thêm để có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, khi có được lượng tài xế lớn rồi thì hãng bắt đầu đưa ra thêm nhiều tiêu chí khắt khe và thu nhập của tài xế cũng giảm dần.
“Gần đây, lượng tài xế tăng mạnh so với thời kỳ tôi bắt đầu vào làm nên số chuyến chạy giảm, tài xế cũng không được trợ giá như trước đây, dẫn đến thu nhập của tôi giảm một nửa. Hôm 30/4 là ngày lễ mà từ sáng sớm tới tận chiều tôi chỉ chở được 2 chuyến chặng ngắn. Nếu tình trạng này tiếp diễn, có lẽ tôi phải chuyển sang làm cho hãng khác”, ông Thành nói.
Tương tự, anh Thoại, tài xế taxi chạy Uber cũng cho biết, nếu cách đây một năm, doanh số chạy một ngày của anh có thể lên tới 1,5 triệu đồng thì nay chỉ còn 800.000 đồng, giảm gần một nửa so với trước đó. Anh cho rằng nguyên nhân là do số lượng tài xế tham gia Uber ngày càng đông, cùng với đó, các hãng taxi truyền thống và hiện đại đua nhau đưa ra nhiều tiện ích, chương trình ưu đãi để cạnh tranh nên khi có nhiều sự lựa chọn, lượng khách hàng sẽ bị chia nhỏ.
Chia sẻ hồi đầu tháng 3, đại diện Uber tại Việt Nam cũng xác nhận đang phải chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ. Để phục vụ khách hàng tốt nhất, Uber đã áp dụng giá cước mới sau nhiều lần giá xăng liên tục giảm. Theo đó, giá cước Uber được điều chỉnh giảm 15%, trong đó UberX 7.000 đồng một km, UberBlack và UberSUV là 11.500 đồng. Ngoài ra, để chiêu dụng tài xế, Uber đưa ra các chương trình hỗ trợ ưu đãi, như giảm giá 10-15% hoá đơn các dịch vụ bảo dưỡng xe, giảm giá phí học tiếng Anh cho tài xế và gia đình, giảm giá các gói bảo hiểm… Tính đến hết quý I, lượng tài xế tham gia Uber đã lên tới gần 15.000 người, tăng đột biến so với gần cuối năm 2014 là 300 tài xế. Trong tổng số lượng tài xế đăng ký tham gia thì có tới gần 50% lái xe hoạt động thường xuyên, số còn lại đa phần là bán thời gian, thậm chí một năm tham gia một vài lần.
Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc điều hành Uber Việt Nam cho biết, thị phần Uber tại Việt Nam đang phát triển mạnh, chỉ đứng thứ 2 sau Trung Quốc. Sắp tới ngoài các dịch vụ cơ bản Uber vẫn sẽ có nhiều chương trình ưu đãi tốt để có được khách hàng và để tài xế có thu nhập tốt hơn.
Còn đối với Grabtaxi, hãng này cũng liên tục giảm giá cước để thu hút khách hàng, thậm chí còn đưa ra khuyến mại dịch vụ taxi "siêu rẻ" với giá cước chỉ 6.000 đồng cho km đầu tiền và 3.000 đồng cho mỗi 500m tiếp theo.
Cũng đang phải lao vào cuộc chiến giành thị phần, ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT Vinasun thừa nhận, sự xuất hiện của Uber và Grabtaxi gây thiệt hại cho kinh doanh taxi của công ty. Theo đó, trong quý I, mặc dù là tháng cao điểm nhưng doanh thu chỉ đạt 26,23%, lợi nhuận 26,5% kế hoạch của công ty.
Trước áp lực cạnh tranh gay gắt, năm nay, Vinasun đặt mục tiêu đầu tư thêm tối thiểu 1.150 ôtô, bao gồm 350 chiếc 4 chỗ và 800 chiếc 7 chỗ, đồng thời thanh lý 850 chiếc đã quá hạn. Mục tiêu của công ty là nâng tổng số xe lên 6.441 chiếc. Đồng thời, hãng này cũng đang tuyển dụng liên tục tới 3.000 tài xế.
Bên cạnh đó, Vinasun cho biết sẽ giảm giá cước, mức bình quân từ 16.000 đồng một km giảm xuống còn 15.000 đồng một km và điều chỉnh theo tình hình thực tế. Cùng với đó, Vinasun sẽ gia tăng khách hàng sử dụng thẻ thanh toán online trên tất cả các địa bàn, phối hợp với các ngân hàng và các trung tâm thanh toán để phát hành các loại thẻ thanh toán đa dạng cùng việc phát hành thanh toán không dùng tiền mặt thông qua ứng dụng.
Trong khi Vinasun đẩy mạnh các tiện ích, tăng lượng tài xế và xe để cạnh tranh với các dịch vụ taxi hiện đại thì Tập đoàn Mai Linh mới đây lại bắt tay với Renault S.A.A (Pháp) để nhập khẩu 10.000-20.000 xe điện về Việt Nam phục vụ cho hoạt động kinh doanh taxi. Tại buổi ký kết hôm 8/4, Mai Linh cho biết, trước mắt sẽ nhập khoảng 100 chiếc. Trong tương lai, nếu thử nghiệm thành công hãng sẽ đưa những xe điện này vào thay thế cho 15.000 taxi đang hoạt động tại Hà Nội.
Đánh giá về việc sẽ nhập xe điện của Mai Linh, các đơn vị kinh doanh taxi truyền thống và hiện đại cho rằng, đó sẽ là xu hướng của tương lai. Tuy nhiên, các loại xe điện này giá cao nên không dễ dàng sở hữu. Mặt khác, muốn kinh doanh xe điện thì phải xây dựng trạm nạp điện khá tốn kém và phức tạp.
Nhìn nhận về cuộc đua giữa các hãng vận chuyển hành khách, một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải cho rằng, tới thời điểm này, mặc dù các dịch vụ taxi hiện đại vào Việt Nam được hơn 2 năm và được Nhà nước chấp thuận cho hoạt động, nhưng Hiệp hội taxi cũng như các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống vẫn coi dịch vụ hiện đại của các công ty trên là bất hợp pháp. Cuộc chiến của các dịch vụ vận tải hiện đại và truyền thống sẽ ngày càng khốc liệt và phần thắng chỉ thuộc về những đơn vị có chiến lược kinh doanh tốt, biết học hỏi và phục vụ khách hàng.
Bên cạnh việc đưa vào các dịch vụ taxi hiện đại, Uber và Grabtaxi cũng đang chạy đua giành thị phần ở dịch vụ xe ôm (GrabBike và UberMoto). Mặc dù mới chỉ ra đời được hơn một năm nhưng GrabBike đang sở hữu 3.000-4.000 tài xế xe ôm, còn UberMoto thu hút được 300-400 tài xế sau nửa tháng ra mắt, trong đó, có một phần là tài xế của Grab chuyển qua.
Tổng cục Đường bộ đang chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định 86 sửa đổi về kinh doanh vận tải bằng ôtô, trong đó có quy định sẽ bắt buộc gắn hộp đèn Taxi E trên nóc phương tiện taxi tính tiền qua phần mềm điện tử Grab, Uber, còn taxi truyền thống giữ nguyên hộp đèn taxi và biểu trưng doanh nghiệp. Tuy nhiên, dự thảo này đang gây nhiều tranh cãi khi đại diện cácdoanh nghiệp taxi cho rằng đây là động thái hợp thức hóa cho xe Uber và tạo cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống. |
(Theo VnExpress)