Trong 7 năm sau khi EVFTA có hiệu lực, hơn 99% dòng thuế sẽ được EU xóa bỏ cho hàng hóa Việt Nam.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang lo ngại viễn cảnh Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thông qua vì Tổng thống mới đắc cử của Mỹ, ông Donald Trump không ủng hộ TPP. Lo lắng cũng là dễ hiểu vì Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nhưng một thị trường khác cũng quan trọng không kém là châu Âu, một thị trường đang mở rộng cửa hơn cho hàng Việt nhờ Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA). EVFTA được đánh giá là có nhiều ưu đãi và thông thoáng hơn so với TPP, nhưng doanh nghiệp Việt lại chưa quan tâm nhiều.
Từ câu chuyện của ngành da giày
Còn nhớ câu chuyện áp thuế chống bán phá giá của Liên minh châu Âu (EU) lên sản phẩm giày và mũ da của Việt Nam cách đây 10 năm, quyết định này đã khiến cho thị phần da giày Việt Nam tụt từ 15% xuống còn 10% vào năm 2009. Thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp da giày phải ngừng hoạt động hoặc giảm sản lượng vì không thể xuất khẩu sang EU. Mặc dù sau đó quyết định này đã được gỡ bỏ cách đây 5 năm nhưng ngành da giày vẫn phập phồng vì rủi ro bị tái áp thuế chống bán phá giá có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Thực tế, sau khi được bãi bỏ thuế, ngành da giày vẫn bị một án treo lơ lửng vì tiếp tục bị điều tra. Năm 2010 và 2012, một số nhà nhập khẩu giày da của EU như Clack đã yêu cầu cơ quan hải quan hoàn lại tiền thuế chống bán phá giá với lý do lệnh áp thuế chống bán phá giá là không phù hợp. Yêu cầu này đã được đệ trình lên Tòa án Tư pháp Liên minh châu Âu (CJEU) để xem xét, đánh giá tính hợp lệ của lệnh áp thuế.
Mãi đến tháng 2 năm nay, CJEU ban hành phán quyết cho rằng, việc quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày, mũ da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam bị vô hiệu một phần do Ủy ban châu Âu (EC) đã tiến hành điều tra không phù hợp với quy định liên quan đến đối xử như nền kinh tế thị trường đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Da giày Việt Nam được hưởng chính sách ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) từ năm 2014, với thuế suất giảm còn 3-4%. Điều này đã giúp sản phẩm da giày của Việt Nam vào EU tăng trưởng nhanh và cạnh tranh công bằng với các nước Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan, Campuchia, vốn là những nước không bị áp thuế chống bán phá giá trước đây.
Thế nhưng, ưu đãi GSP sẽ hết thời hạn trong vài năm nữa. Chính vì thế, khi EVFTA có hiệu lực thì cũng có thể trùng với thời điểm kết thúc thời gian ưu đãi, nhờ đó ngành da giày sẽ lại tiếp tục vào EU với thuế suất bằng 0%. Cũng phải nói thêm, hiệp định này cũng sẽ giúp da giày Việt cạnh tranh với Trung Quốc, đối thủ lớn nhất của da giày Việt tại châu Âu. EVFTA cho phép các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, chỉ yêu cầu từ khâu giặt, may, lắp ráp, đóng gói là phải thực hiện tại Việt Nam.
Chính sách ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đã giúp sản phẩm da giày Việt Nam vào EU tăng trưởng mạnh. Ảnh: Quý Hoà
EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng hơn và yên tâm hơn khi vào thị trường EU. Nhất là trong thời điểm hiện tại, ngành da giày trong nước đã đáp ứng khá tốt yêu cầu về quy tắc xuất xứ khi đạt tỉ lệ nội địa hóa lên tới 55%.
Cũng có những doanh nghiệp mạnh dạn làm khác truyền thống gia công để xuất khẩu sản phẩm của chính mình như Công ty Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Vinh Thông. Từ khâu vật tư, nguyên liệu, kiểm định chất lượng đến khâu cuối cùng để sản xuất những đôi giày xuất khẩu, hầu hết đều do Công ty quyết định, khác hẳn cách làm gia công của khoảng 90% doanh nghiệp xuất khẩu giày dép khác.
Cách làm này sẽ giúp ngành da giày đạt giá trị gia tăng cao hơn so với mức 25% trước đây. Ngoài da giày, doanh nghiệp dệt may, gỗ, thủy sản, gạo, nông sản…, những lĩnh vực vốn là thế mạnh của Việt Nam, cũng sẽ hưởng lợi lớn khi EVFTA được thông qua.
Hãy tận dụng EVFTA
Theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, khi đàm phán EVFTA, EU đồng ý xóa bỏ ngay trên 85% dòng thuế mà cơ quan này đang áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sau khi hiệp định có hiệu lực. Trong 7 năm sau khi hiệp định có hiệu lực, trên 99% dòng thuế sẽ được EU xóa bỏ cho hàng hóa Việt Nam.
Có nhiều mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh được hưởng ưu đãi thuế quan như dệt may, giày dép, điện thoại, linh kiện máy tính, đặc biệt thủy sản được xóa bỏ thuế. EU cũng dành những cam kết có ý nghĩa cho tôm, gạo, đồ gỗ của Việt Nam.
Dệt may sẽ được EU xóa bỏ hoàn toàn thuế từ 3-7 năm tùy mặt hàng nhạy cảm và ít nhạy cảm, sau khi hiệp định có hiệu lực và yêu cầu đáp ứng xuất xứ từ vải trở đi, trong đó cho phép việc nhập vải từ Hàn Quốc dễ hơn quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi trong TPP.
Là một trong những ngành được hưởng lợi từ EVFTA, ông Trương Đình Hòe, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết EVFTA có tác động tốt hơn đối với ngành thủy sản so với khi chưa có hiệp định. “Khi các nước trưởng thành, việc được hưởng GSP sẽ giảm bớt hoặc xóa bỏ”, ông Hòe chia sẻ. Nếu ký được EVFTA, ngành thủy sản sẽ có lợi thế về thuế so với các đối thủ khác khi xuất sang EU.
Nhận xét về khả năng cạnh tranh hàng hóa tại thị trường EU, theo ông Hòe, hiện mặt hàng thủy sản của Việt Nam được người tiêu dùng nơi đây ưa chuộng. Bằng chứng là mức tăng trưởng trong những năm qua khá tốt, số lượng doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào EU lên tới 400, chỉ đứng sau Trung Quốc. Việt Nam sẽ lợi hơn bởi các quốc gia xuất khẩu thủy sản sang EU chưa có ký hiệp định thương mại tự do với EU.
EU cũng dành cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam điều kiện tiếp cận thị trường rất tốt, như thuế suất cho cá được xóa bỏ trong 3 năm và miễn thuế trong hạn ngạch đối với đường, tinh bột sắn, bắp ngọt, tỏi, nấm, cá viên... Việc ký kết EVFTA là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu, tập trung vào những mặt hàng truyền thống, có thế mạnh như nông, thủy sản, hàng dệt may, da giày, đồ gỗ nhờ ưu đãi mở cửa thị trường của EU. Hiện đồ gỗ đang giảm kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này trong năm nay. Nhờ EVFTA cộng thêm Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi Lâm luật, quản trị rừng và thương mại Lâm sản (FLEGT) vừa được EU thông qua thì đây được coi là “giấy thông hành” để gỗ Việt Nam vào thị trường EU trong thời gian tới.
Mặc dù gạo là mặt hàng nhạy cảm vì một số nơi tại châu Âu vẫn đang trồng lúa gạo, nhưng EU gần như miễn thuế cho gạo Việt Nam trong hạn ngạch. Cụ thể, EU miễn thuế cho hạn ngạch 30.000 tấn gạo trắng, 20.000 tấn gạo lức và giảm ngay 50% thuế đối với gạo tấm và giảm dần trong 5 năm.
Thanh Hương / nhipcaudautu