Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) tiếp tục tổ chức các chương trình giao thương trực tuyến tuyến “mặt đối mặt – điểm đối điểm” với doanh nghiệp đến từ vùng lõi sản xuất vải và nguyên phụ liệu dệt may là Hàng Châu, Chiết Giang (Trung Quốc) để doanh nghiệp trong nước tìm mua nguyên phụ liệu.
Doanh nghiệp dệt may trong nước đang tận dụng giao thương trực tuyến để tìm kiếm các nhà cung ứng nguyên phụ liệu.
Ngoài những đơn hàng nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đã ký kết nhưng chưa về kịp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp dệt may trong nước đang tận dụng các buổi kết nối giao thương trực tuyến để tìm kiếm các nhà cung ứng nguyên liệu mới.
Trong tháng 3 này, liên tục có các buổi giao thương trực tuyến được Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) phối hợp với Công ty CP Quảng cáo và Hội chợ thương mại Vinexad, Sở Thương mại tỉnh Chiết Giang tổ chức các phiên kết nối giao thương trực tuyến 1:1 qua nền tảng Zoom có hỗ trợ phiên dịch và kỹ thuật.
Lãnh đạo Vitas cho hay, việc tăng các buổi giao thương trực tuyến kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt do dịch bệnh và ổn định sản xuất bền vững, giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cho sản xuất, chủ động ứng phó trong tình hình mới.
Những ngày vừa qua,. Vitas đã tổ chức thành công sau 3 phiên giao thương trực tuyến “mặt đối mặt – điểm đối điểm” giữa 20 doanh nghiệp Việt Nam và 72 doanh nghiệp đến từ vùng lõi sản xuất vải và nguyên phụ liệu dệt may là Hàng Châu, Chiết Giang (Trung Quốc).
Một số doanh nghiệp dệt may trong nước bước đầu đã chốt được những đơn hàng nhập khẩu vải nguyên liệu để sản xuất hàng phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.
Hiện nay, hàng năm ngành dệt may Việt Nam nhập khẩu khoảng 60% vải, hơn 55% xơ sợi và khoảng 45% phụ liệu từ Trung Quốc phục vụ cho sản xuất. Đa số các doanh nghiệp dệt may chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3 hoặc đầu tháng 4, sau đó sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn đầu vào để sản xuất.
Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tích cực tìm kiếm các nguồn cung khác như nguồn cung trong nước, nguồn từ các nước khác như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ,… tuy nhiên các nguyên vật liệu từ các nguồn cung này chưa đa dạng, phong phú về mẫu mã; khó đáp ứng các đơn hàng nhỏ lẻ; giá cả cao hơn nguồn hàng từ Trung Quốc.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên - Công ty CP cho biết, Covid-19 đã giúp nhìn ra những điểm yếu của nhiều ngành sản xuất, rộng ra với cả nền kinh tế, từ đó tự thân mỗi doanh nghiệp phải tự xoay xở, ứng phó. Trong khi chờ đợi những lô hàng nguyên phụ liệu nhập khẩu về, mỗi doanh nghiệp sẽ có những giải pháp nhằm giảm gián đoạn sản xuất do thiếu nguyên liệu đầu vào.
Tại thời điểm này, 15 DN thuộc Hugaco, lác đác vẫn có những DN thiếu việc do cạn nguyên liệu, nhưng chủ yếu trong 2 tuần cuối tháng 3 và 2 tuần đầu tháng 4.
Ông Dương hy vọng, từ đầu tháng 3 đến giờ, thông quan hàng hóa được cải thiện, DN kêu nhiều nên hải quan tích cực, xe hàng về đến đâu là kiểm tra cho thông quan, nên hy vọng dịch đang đỡ dần tại Vũ Hán thì cuối tháng 3, đầu tháng 4, nguyên phụ liệu về nhiều hơn, DN sẽ không bị gián đoạn sản xuất ở một số phân xưởng.
Số liệu do Bộ Công Thương cung cấp chiều ngày 16/3, riêng trong ngày 15/3, tại Lạng Sơn đã có 445 xe nhập khẩu, trong đó, tại cửa khẩu Hữu Nghị, có 350 xe máy móc, phụ liệu may mặc, nông sản, giấy, phụ tùng ô tô được thông quan, cửa khẩu Tân Thanh là 47 xe.
Lũy kế từ ngày 05/2 đến ngày 15/3, đã có 16.769 xe hàng được nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó: Lạng Sơn 9.682 xe; Quảng Ninh: 2.577 xe; Lào Cai: 4.507 xe. Trong số này, ngoài nông sản, phụ tùng ô tô, linh kiện điện tử, còn có nhiều xe hàng nguyên phụ liệu dệt may, da giày.