Chiều 9/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường phối hợp công tác thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản giữa hai Bộ. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì lễ ký.
Theo đánh giá của hai Bộ trưởng, thời gian qua, công tác phối hợp giữa hai Bộ đã đạt được những kết quả nhất định, đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản nói riêng và tăng trưởng xuất khẩu của cả nước nói chung. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu chung của thế giới đang suy giảm với nhu cầu tiêu dùng thấp, tình trạng các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam có xu hướng quay lại tập trung vào thị trường nội địa, dẫn đến việc bảo hộ sản xuất trong nước thông qua các rào cản phi thuế quan ngày càng mạnh mẽ, làm hạn chế các lợi thế ưu đãi về thuế quan đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản mà Việt Nam được hưởng trong các Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương đã và đang ký kết. Xuất phát từ vấn đề chung đó, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã thống nhất ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường phối hợp công tác giữa hai Bộ để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2016 - 2020, kèm theo là Bản Kế hoạch triển khai một số nội dung về đàm phán tháo gỡ rào cản, mở cửa thị trường mà hai Bộ cần tập trung phối hợp thực hiện trong 2 tháng cuối năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Việc ký kết lần này dựa trên những nguyên tắc mang tính nền tảng. Hai Bộ đã xây dựng chương trình hành động cụ thể để đạt được mục tiêu chung là thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông, lâm và thủy sản. |
Theo đó, những nội dung trong công tác phối hợp lần này giữa hai Bộ gồm: Phối hợp trong công tác phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng đáp ứng yêu cầu của thị trường; Trao đổi thông tin, tháo gỡ rào cản phi thuế quan, mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; Quản lý thị trường, chống buôn lậu, sản xuất hàng giả đối với vật tư nông nghiệp và hàng nông, lâm, thủy sản; Đẩy mạnh cơ giới hóa, điện khí hóa nông nghiệp nông thôn; Thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, tăng cường quản lý và phát triển làng nghề; Quản lý Nhà nước và thống nhất chỉ đạo các địa phương.
Với việc tăng cường phối hợp giữa hai Bộ, thời gian tới công tác sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm và thủy sản được kỳ vọng đạt được những kết quả tích cực, phấn đấu đưa mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản năm 2017 đạt 31 tỷ USD trở lên. “Từ nay đến cuối năm, hai Bộ cần dồn sức phối hợp chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng có nhiều dư địa phát triển, nhất là rau quả ôn đới, thịt lợn, sữa, tôm nước lợ, cá tra, xuất khẩu gạo chính ngạch…” - Bộ trưởng Trần Xuân Cường nhấn mạnh.
Nguyễn Hạnh – Cấn Dũng / baocongthuong