Sau tranh cãi và điều chỉnh, cuối cùng UBND TP.Hà Nội cũng đã ban hành qui định về “Hướng dẫn xác định quy mô tầng hầm phục vụ đỗ xe đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Hà Nội”.
Quy định nhà cao tầng phải có tầng hầm đủ đáp ứng nhu cầu là phù hợp với xu thế phát triển. Ảnh: Cường Ngô. |
Năm 2016, khi dự thảo quy định được cơ quan chức năng Hà Nội đưa ra lấy ý kiến, cộng đồng doanh nghiệp cũng như Hiệp hội Bất động sản đã phản biện về một số điều chưa hợp lí, như quy định cứng nhắc công trình cao tầng phải có ít nhất 3 tầng hầm; chưa chia rõ theo từng khu vực, qui mô và tính chất của từng loại công trình…
Trong quy định mới ban hành, từ những góp ý cơ quan chức năng đã điều chỉnh lại dự thảo từ đó văn bản ban hành chính thức được kiện toàn hơn. Đơn cử, tùy theo khu vực mà quy định rõ tỉ lệ mét vuông sàn để xe/100m2 sàn sử dụng, bổ sung thêm quy định chung là các công trình phải bảo đảm được đủ chỗ để xe cho cư dân sống và làm việc… So với dự thảo, quy định ban hành chính thức mềm dẻo hơn, đồng thời cũng khuyến khích các công trình cao tầng xây dựng tầng hầm có diện tích lớn hơn so với quy định.
Đến thời điểm này, phải nói ngay rằng, quy định về tầng hầm công trình cao tầng thể hiện chính tầm nhìn của quy hoạch đô thị.
Cứ nhìn vào nội đô lịch sử của Hà Nội và TPHCM thì rõ, do hạn chế của lịch sử, cùng với tầm nhìn ngắn hạn của hàng chục năm trước, trong khi lượng ôtô, xe máy nhiều lên đột biến, dẫn đến vấn đề giải quyết bãi đổ xe cực kì nan giải, hay nói chính xác hơn là đến nay vẫn đang bế tắc.
Lượng ôtô, xe máy không có hầm đậu, phải đậu trên vỉa hè, lề đường trái qui định gây ra ắch tắc giao thông thường xuyên, và hệ lụy là phương tiện còn bị ăn cắp phụ tùng hoặc bị phá hoại, bất lợi cả đôi bề. Nhiều tuyến đường nhỏ hẹp, xe ôtô và xe máy dựng đậu tạm choán hết không gian… lưu thông bị đình trệ. Một số cao ốc có dịch vụ giữ xe máy, ôtô bên ngoài vào, nhưng vì cầu lớn hơn cung, cho nên giá cắt cổ…
Thiết nghĩ, quy định mới của Hà Nội là hợp thời cuộc và cũng cho thấy phải đi theo tầm nhìn dài hạn trong quy hoạch đô thị. Còn nếu ngược lại, thì hệ lụy đã quá rõ như chúng ta đã thấy ở Hà Nội và TPHCM, là phản tầm nhìn dài hạn về quy hoạch đô thị.
Một tham chiếu mà tôi xin đơn cử là TP.Đài Bắc của Đài Loan (Trung Quốc). Họ đã áp dụng quy định bắt buộc về diện tích hầm để xe theo các tỉ lệ nhất định từ lâu rồi, và cũng khuyến khích công trình có nhu cầu sử dụng tầng hầm ít nhưng vẫn xây dựng như quy định hoặc vượt quy định về diện tích để góp phần giải quyết vấn nạn nơi để xe, và cũng chung tay giải quyết vấn đề trong tương lai khi lưu lượng, số lượng ôtô ngày càng nhiều lên. Bởi đó là vấn đề xã hội chứ không chỉ là vấn đề kinh tế nữa.
Vấn đề hiện nay là, nếu phải xây nhiều hầm để đáp ứng nhu cầu tại các khu dân cư, khu đô thị.… sẽ khiến kinh phí đầu tư tăng lên đối với chủ đầu tư. Nhưng nếu nhìn tham chiếu từ TP.Đài Bắc, thì buộc chủ đầu tư phải chấp nhận, ngõ hầu đáp ứng khả năng gia tăng nhu cầu tại chính công trình của chủ đầu tư, đồng thời sẵn sàng hạ tầng để chung tay giải quyết vấn nạn của đô thị.
Thế Lâm / Lao Động