Để bứt tốc sau dịch, ngay bây giờ các doanh nghiệp gỗ phải chuyển đổi lại cơ cấu sản phẩm, thúc đẩy mô hình bán hàng online, từ đó giảm thiểu rủi ro khi phải phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường hoặc một mô hình bán hàng nhất định.
Ngành gỗ đang bị tác động nặng nề
Ngay từ khi dịch Covid-19 khởi phát tại Trung Quốc rồi lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới thì ở Việt Nam - chế biến gỗ nội thất là một trong những ngành bị tác động nặng nề nhất. Khi nói về mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES) dự báo rằng mức tăng trưởng có thể bằng 0 và Việt Nam khó mà đạt mục tiêu xuất khẩu 12 tỷ USD.
Ban đầu khi dịch mới khởi phát đã có nhiều đánh giá ngành gỗ ít chịu tác động nhưng kể từ tháng 4 tới nay hàng loạt doanh nghiệp trong ngành đã bị đối tác hoãn, hủy hợp đồng. Tình trạng này được dự báo sẽ còn kéo dài nếu như dịch chưa kết thúc.
Trong một khảo sát được VIFORES thực hiện vào cuối tháng 3 vừa qua với 124 doanh nghiệp hội viên thì 100% doanh nghiệp khẳng định bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Cụ thể, về tác động tài chính, 75% số doanh nghiệp phản hồi cho biết thiệt hại ban đầu đối với các doanh nghiệp này ước tính vào khoảng 3.066 tỷ đồng. Trên một nửa (51%) số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết phải thu hẹp quy mô sản xuất. Khoảng 35% doanh nghiệp dù đang hoạt động bình thường nhưng phải sẽ tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới; 7% số doanh nghiệp đã ngừng hoạt động và chỉ có 7% doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.
Sức tàn phá của đại dịch còn thể hiện qua việc tắc nguồn cung nguyên liệu khi lượng gỗ nhiệt đới nhập từ châu Phi vào Việt Nam dừng hẳn, lượng gỗ ôn đới từ các thị trường khác cũng giảm 70%. Trong nước, đại dịch khiến sản xuất kinh doanh của các hộ tại các làng nghề giảm 80% và khoảng 50-60% xưởng xẻ sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước phải dừng hoạt động…
Những tác động trên cho thấy ngành gỗ đang bị tác động nặng nề. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ vừa qua đã nhanh chóng ban hành các chính sách và giải pháp về chính sách tài khóa, tín dụng thương mại, an sinh xã hội… Cụ thể, ngày 3/4/2020 Bộ Tài chính đã tiếp thu và đưa phân ngành chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre nứa vào dự thảo Nghị định trình Chính phủ. Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất nâng gói tài khoá hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp ngành gỗ lên gần 180.000 tỷ đồng, gấp 6 lần số tiền dự tính ban đầu….
Ngành gỗ khó đạt chỉ tiêu xuất khẩu trong năm 2020 vì tác động từ dịch Covid-19. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Quang Thanh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long, tới thời điểm này, doanh nghiệp vẫn chưa thể nhận gói “cứu trợ” tài chính từ Chính phủ. Trong nỗ lực tồn tại, doanh nghiệp gỗ mong mỏi Chính phủ có những biện pháp mạnh tay hơn nữa để họ có thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng.
Dù vậy, theo các doanh nghiệp, gỗ vẫn là một ngành quan trọng bởi người tiêu dùng vẫn cần sử dụng tới các đồ nội thất, đồ dùng làm việc… kể cả ngay trong mùa dịch. Chính vì thế, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM - khẳng định: Ngay thời điểm khó khăn này doanh nghiệp vẫn đang xoay xở để có thể duy trì các hoạt động thông qua việc tái cơ cấu thị trường, nhận định lại sản phẩm chiến lược cũng như liên tục thăm dò động thái của các đối tác. Việc làm này nhằm giúp doanh nghiệp có thể tận dụng được ngay những cơ hội mà thị trường đang có.
Làm gì để xốc lại sau dịch?
Để bứt tốc sau dịch, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch VIFORES - cho rằng ngành gỗ cần phải có thay đổi căn bản về xác định dòng sản phẩm và thị trường chiến lược. Cụ thể, hiện nhóm đồ gỗ phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm hiện đang chiếm khoảng 60% trong tổng cầu của tất cả các loại đồ gỗ trên toàn thế giới. Và khi dịch bệnh xảy ra thị trường ở phân khúc này không biến động quá lớn, trong khi nhu cầu về các nhóm đồ gỗ khác gần như mất hẳn. Đây là điểm yếu Việt Nam cần khắc phục.
Ngoài ra, ngành cần phải dịch chuyển về phương thức bán hàng từ kênh truyền thống (offline) sang kênh trực tuyến (online) để giảm thiểu rủi ro (do phải đóng cửa hàng khi có dịch). Thêm vào đó, ngành cần hình thành và đẩy mạnh các liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, xây dựng chuỗi cung trong nước và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.
Hy vọng đến đầu quý 3 ngành gỗ sẽ tiếp tục nhịp tăng trưởng sau khi dịch bệnh qua đi. Ảnh minh họa: IT
“Chúng tôi kỳ vọng từ tháng 7, tháng 8 trở đi các thị trường tiêu thụ đồ gỗ nội thất lớn như Mỹ, EU sẽ bắt đầu hồi phục. Vì vậy rất nhiều doanh nghiệp trong ngành hiện không đóng cửa mà vẫn duy trì sản xuất, tiếp tục cập nhật thông tin thị trường, gửi thông tin sản phẩm cho đối tác… để sẵn sàng đáp ứng khi họ có nhu cầu”, ông Khanh chia sẻ.
Khi thế giới chưa khống chế được dịch thì chúng ta phải học cách sống chung với nó. Hiện Chính phủ đã có những gói hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp và ngành gỗ có thể tiếp cận Ngân hàng chính sách xã hội để vay vốn trả lương cho lao động. Các doanh nghiệp trong ngành cũng cần quan sát sự chuyển động của những ngành khác như tài chính, xây dựng để có giải pháp phù hợp trong sản xuất.
TS Võ Trí Thành
(Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh)