Trong khi tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 7,46%, lạm phát cơ bản bình quân lại là 1,45%.
Nguồn ảnh: Sơn Phạm |
Tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2017 lập kỷ lục với mức 7,46%, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ 11%, bằng một nửa mục tiêu đã được đề ra cho năm 2017. Điều này phản ánh thực tế tốc độ tăng trưởng 7,46% được xác lập không nhờ việc bơm thêm tiền cho nền kinh tế. Tuy nhiên, liệu tốc độ tăng trưởng này có thực chất?
Bất thường tăng trưởng - lạm phát
Câu hỏi trên đã đặt ra tại phiên họp Thường vụ Quốc hội giữa tháng 10 vừa qua. Trước sự “vươn mình” của kinh tế quý III, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, thẳng thắn yêu cầu: phải phân tích rõ các chỉ số kinh tế, ngân sách mà tăng trưởng tạo ra. Bởi lẽ, tăng trưởng của Việt Nam dựa vào Samsung và Formosa, những doanh nghiệp FDI. Chắc hẳn, vị này không hề có ý định phủ nhận hay phân biệt mức đóng góp của các doanh nghiệp FDI vào nền kinh tế chung. Chỉ có điều, không khó để chỉ ra, sự lớn mạnh của doanh nghiệp FDI hầu như chỉ mang lại lợi nhuận cho chính họ.
Trao đổi với NCĐT, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, nghiên cứu của nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes cho rằng, trong ngắn hạn, sẽ có sự đánh đổi giữa lạm phát và tăng trưởng, theo đó muốn có tăng trưởng cao thì phải chấp nhận một tỉ lệ lạm phát nhất định. Về dài hạn, nếu tiếp tục chấp nhận tăng lạm phát để thúc đẩy tăng trưởng thì GDP cũng không tăng thêm, ngược lại còn có xu hướng giảm đi. Tuy nhiên, tại Việt Nam, trong khi tăng trưởng đạt 7,46%, lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng là 1,45%. Với kịch bản tăng trưởng 6,7% năm 2017 nhưng dự báo mức lạm phát tương ứng cũng chỉ ở ở khoảng 1,5-1,8%. Theo vị chuyên gia, đây là một sự bất thường nhưng lại có thể lý giải cho cách thức tăng trưởng của Việt Nam.
“Điều này có thể do sự chênh lệch giữa GDP sản xuất và GDP sử dụng. Tăng trưởng của Việt Nam dựa vào xuất khẩu của khối FDI, ảnh hưởng tới ngoại thương nhiều hơn nội thương. Tác động tới giá trị hàng hóa trong nước chỉ xảy ra một cách gián tiếp khi doanh nghiệp khối này cần phải sử dụng nguyên vật liệu trong nước. Tuy nhiên, do nền kinh tế Việt Nam chỉ nặng về gia công nên tác động này cũng không đáng kể. Chính vì thế, dù xuất khẩu của khối FDI rất ấn tượng nhưng không kích hoạt tiêu dùng trong nước và khiến lạm phát tăng. Hay nói cách khác, giá trị gia tăng của hàng hóa, người Việt không được hưởng thụ’’, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Nếu tính theo chỉ tiêu tổng sản phẩm quốc gia GNP, nghĩa là phải trừ đi phần sản phẩm người nước ngoài làm ra ở Việt Nam và cộng thêm phần người Việt Nam tạo ra ở nước ngoài, đối chiếu với GDP, mới có thể thấy rõ hơn thực chất của chỉ tiêu này. Nếu không, khó có thể thuyết phục được dư luận rằng “đặt ra mục tiêu bao nhiêu thì kiểu gì cũng đạt được”.
Nhận định trên càng đáng suy ngẫm khi cũng chính lại phiên họp Thường vụ Quốc hội tháng 10, một vị lãnh đạo Ủy ban Quốc hội thẳng thắn đặt vấn đề: chất lượng tăng trưởng đáng lo trong khi GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn đang thấp hơn Lào. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, sự tâm đầu ý hợp giữa các chính trị gia và giới chuyên gia kinh tế sẽ là động lực để xem xét lại chất lượng của con số tăng trưởng ấn tượng nói trên. Có thể sẽ bớt đi những câu chuyện thành tích tăng trưởng GDP, vốn đã bị nhiều nước phát triển đưa ra khỏi ưu tiên hàng đầu.
Phép thử 3 tháng cuối năm
Nhìn từ góc độ tích cực, thành tích tăng trưởng 9 tháng năm 2017 chính là cú hích khiến cho mục tiêu tăng trưởng được đặt ra năm 2017 không còn quá xa tầm với. Theo tính toán của các chuyên gia, tăng trưởng quý IV/2017 cần phải đạt 7,31% để cả năm GDP cán đích tăng 6,7%. Điều này được đánh giá là không quá khó khăn.
Nhìn về lịch sử, trong 2 năm gần đây, GDP quý cuối năm được ghi nhận là cao hơn các tháng trước đó. Cụ thể, trong năm 2016, GDP quý I tăng 5,48%; quý II tăng 5,78%; quý III tăng 6,56%; quý IV tăng 6,68%. Năm 2015, riêng GDP quý IV tăng tới 7,01%, cao hơn mức tăng 6,12% của quý I, 6,47% của quý II và 6,87% trong quý III.
Quan trọng hơn, như đã đề cập, thành tích tăng trưởng quý III/2017 không được xác lập nhờ bơm tín dụng. Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21-22%, trong 3 tháng cuối năm, phải tạo được 10% tăng trưởng tín dụng, tương đương với 600.000 tỉ đồng sẽ được bơm vào nền kinh tế. Nếu vậy, dù với kịch bản xấu nhất là nền kinh tế quý IV không tăng trưởng theo quy luật, lượng tín dụng được đưa vào nền kinh tế, sẽ đảm bảo chắc chắn, mục tiêu tăng trưởng quý và cả năm sẽ đạt được. Tuy nhiên, đây có phải là một lựa chọn nên ưu tiên?
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với thành tích đã đạt được, việc đẩy tín dụng tới 21-22% nên cân nhắc lại. Vị chuyên gia chỉ rõ, ngoài nguy cơ lạm phát, lượng tín dụng lớn đẩy vào nền kinh tế trong thời gian quá ngắn sẽ dễ đi vào những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản và chứng khoán. Bóng bóng bất động sản hay những cú sốc trên thị trường chứng khoán khi được hấp thụ quá nhiều tín dụng sẽ tạo nên những hệ lụy nguy hiểm cho nền kinh tế.
“Tôi không nghĩ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21-22% là cần thiết. Theo thông lệ, mức tăng trưởng tín dụng cao gấp 2,5 lần tăng trưởng GDP, như vậy mức tăng trưởng tín dụng chấp nhận được nên là 16,75% là ổn. Mục tiêu ban đầu 18% đã cao rồi nhưng vẫn chấp nhận được’’, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Trên thực tế, trong năm 2017, các chuyên gia của World Bank cũng đã hơn ba lần cảnh báo Việt Nam về vấn đề nói trên. Trong trường hợp này, trước khi thay đổi được chất lượng tăng trưởng, bài toán trước mắt của các nhà quản lý là đảm bảo tăng trưởng 3 tháng cuối năm đạt mức 7,31% và lượng tín dụng đưa vào nền kinh tế ở mức vừa đủ. Thêm một lời từ nghị trường Quốc hội, phép thử này có thể sẽ được hoàn thành một cách dễ dàng.
Hoàng Hạnh / nhipcaudautu