Nền kinh tế Việt Nam trong tháng 11 tiếp tục duy trì đà phục hồi trong điều kiện bình thường mới. Sản xuất kinh doanh, thương mại và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng.
Chủ trì cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra sáng nay (2/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo khả năng sẽ vượt thu ngân sách và thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ đạt mức tăng trưởng từ 2,5 đến 3%.
Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam, có thể phục hồi tăng trưởng 7% hoặc trên 7% trong năm 2021. Trong khối ASEAN, Việt Nam giữ được đà tăng trưởng có thể nói là cao nhất, Thủ tướng nói.
Nghe báo cáo tình hình KT-XH tháng 11 và 11 tháng, Thủ tướng nêu rõ, “tinh thần là chúng ta tiếp tục tháo gỡ hơn nữa cho sản xuất kinh doanh, kể cả vấn đề đầu tư công và các mặt khác” để tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong tháng 12, một tháng có rất nhiều ý nghĩa.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết 01, một nghị quyết quan trọng của năm 2021.
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế Việt Nam trong tháng 11 tiếp tục duy trì đà phục hồi trong điều kiện bình thường mới. Sản xuất kinh doanh, thương mại và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2020 giảm 0,01% so với tháng trước. Bình quân 11 tháng năm 2020, CPI chỉ tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất siêu ở mức kỷ lục 20,1 tỷ USD; xuất khẩu đạt 254 tỷ USD. Có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%).
Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; 11 tháng năm 2020 giải ngân đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ (mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020).
Sản xuất công nghiệp có bước khởi sắc; đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo tháng 11/2020 tăng 11,9% so với cùng kỳ (IIP toàn ngành tăng 9,2%).
Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tiếp tục xu hướng phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2020 tăng 8,5%. Doanh nghiệp thành lập mới tăng 6,7% so với cùng kỳ. Trong tháng 11, đời sống dân cư nhìn chung ổn định.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam đang rất khả quan.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 lên mức 2,4%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Điều này một lần nữa thể hiện sự ghi nhận của các chuyên gia, tổ chức quốc tế vào thành tựu phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Trong tháng 11, nhiều sự kiện quan trọng như kết thúc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV; Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan…
Đặc biệt, với tư cách là Chủ tịch Năm ASEAN 2020, Việt Nam đã góp phần tạo nên dấu ấn bằng sự kiện ký kết Hiệp định RCEP với sự tham gia của 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác, tạo nên một thị trường lớn với 2,2 tỷ người, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, GDP khoảng 26,5 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong thời gian tới, bối cảnh trong nước và quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia lớn, là đối tác quan trọng của Việt Nam và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến thương mại, du lịch và đầu tư.
Trong nước, sản xuất công nghiệp tăng, nhưng chậm lại so với tháng trước; dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành phục hồi chậm. Mặc dù còn khó khăn, thách thức, nhiều cơ hội vẫn đang rộng mở để Việt Nam có thể nắm bắt, vươn lên. Các cân đối vĩ mô quan trọng được giữ vững tạo điều kiện tốt để tiếp tục thực hiện các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế. Các hiệp định EVFTA và RCEP là thời cơ tốt để thúc đẩy thương mại. Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án nối lại hoạt động thương mại, đầu tư.