Mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo cao hơn Thái Lan (2%), Philippines (6,4%), Indonesia (5,3%)… nhưng thấp hơn một số nước như Myanmar, Lào, Campuchia...
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tháng 1/2016 công bố sáng nay (7/1) cho thấy, mức tăng trưởng chậm tại các thị trường mới nổi chính sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2016, nhưng hoạt động kinh tế vẫn sẽ tăng nhẹ từ mức 2,4% năm 2015 lên 2,9% năm 2016 nhờ các nền kinh tế phát triển đã lấy lại đà tăng trưởng,
Mức tăng trưởng kinh tế trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống còn 6,3% trong năm 2016 từ mức 6,4% trong năm 2015. Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục giảm tốc độ tăng trưởng xuống còn 6,7% trong năm 2016 so với mức 6,9% năm 2015.
Không kể Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng khu vực năm 2015 là 4,6%, tương đương mức 2014, do tăng trưởng các nước xuất khẩu nguyên vật liệu, trong đó có Indonesia và Malaysia, bị chậm lại nhưng lại được bù lại bởi tăng trưởng nhanh tại Việt Nam và mức độ khôi phục phần nào tại Thái Lan.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo là sẽ thấp hơn Myanmar, Lào, Campuchia. Cụ thể, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2016 dự báo ở mức 6,6% và giảm xuống còn 6,3% năm 2017 và còn 6% vào 2018. Mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo cao hơn Thái Lan (2%), Philippines (6,4%), Indonesia (5,3%)…
Tuy nhiên, các nước như Myanmar, Lào, Campuchia đều có mức tăng trưởng cao hơn Việt Nam với lần lượt ở mức 7,8%, 7% và 6,9% vào năm 2016. Trong năm 2017 và 2018, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng tiếp tục duy trì thấp hơn các nước này với dự báo: Myanmar (tăng trưởng 8,5% vào năm 2017 và 2018); Lào (tương ứng 6,9%); Campuchia (6,8%).
World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ thấp hơn so với các nước Myanmar, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Đông Timor |
World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ thấp hơn so với các nước Myanmar, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Đông Timor.
Riêng về tăng trưởng kinh tế Việt Nam, hôm qua (6/1), khối Nghiên cứu Kinh tế của ngân hàng HSBC cũng công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế vĩ mô của Việt Nam số tháng 1/2016 với chủ đề "Những kỳ vọng lớn”. Theo đó, HSBC dự báo, triển vọng năm 2016, mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam sẽ còn tiếp tục nhưng quản lý chính sách vĩ mô cần phải khéo léo hơn nữa.
Theo đánh giá của HSBC: "Mục tiêu tăng trưởng trong năm 2016 là 6,7% chắc chắn sẽ đạt được. Chúng tôi nhận thấy tăng trưởng xuất khẩu đang phục hồi mức hai chữ số phản ánh ở các khoản đầu tư mới. Trong khi đó, nhu cầu nội địa sẽ vẫn mạnh nhờ vào chi tiêu cá nhân dồi dào do lãi suất vẫn còn thấp hỗ trợ. Tăng trưởng đã dịch chuyển vững chắc sang mức 6-7% nên chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ tăng trở lại một cách rõ ràng trong nửa sau năm 2016 buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng phải chuyển sang chính sách thắt chặt".
Trong khi đó, trong báo cáo vừa công bố, chuyên gia phân tích của ANZ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng lên mức 6,9% trong năm 2016, trước khi giảm xuống còn 6,5% trong năm 2017. Sở dĩ ANZ lạc quan là vì hiện nay Việt Nam đang ngày càng sản xuất và xuất khẩu nhiều mặt hàng tinh vi phức tạp hơn. Việt Nam sẽ tiếp tục tiến lên trên chuỗi giá trị đối với mặt hàng điện tử.
(Theo Phương Dung / Dân Trí)