Ngân Hàng Thế giới (WB) cho biết sau khi tăng trưởng mạnh năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm hơn trong nửa đầu năm 2016
Theo báo Điểm lại Tình hình Kinh tế Việt Nam do WB công bố chiều 19/7, nguyên nhân giảm tốc độ tăng trưởng gồm tác động bất lợi của đợt hạn hán và xâm nhập mặn gần đây lên nông nghiệp và sản xuất công nghiệp đang có xu hướng tăng chậm lại.
Cụ thể, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản giảm 0,2% sản lượng. Sản lượng công nghiệp chỉ ở mức 6,8%.
GDP 6 tháng đầu năm ước tăng 5,5%. Ảnh minh họa
WB dự báo, năm nay tăng trưởng sẽ ở khoảng 6% với mức lạm phát cao hơn năm ngoái (dự báo lạm phát cả năm 2016 là 4,0%). Thâm hụt tài khóa ước tính sẽ ở mức cao nhưng sẽ siết lại theo kế hoạch củng cố tài khóa trung hạn của Chính phủ.
Mức tăng trưởng dự báo này, thấp hơn so với mục tiêu mà Chính phủ đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016- 2020 với mức tăng trưởng GDP hằng năm từ 6,5 đến 7%.
“Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt khoảng 6%. Tuy tốc độ tăng trưởng ước tính chậm lại trong năm nay nhưng viễn cảnh kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực”, ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nói.
Tuy nhiên, dự báo cơ sở này đang chịu nhiều rủi ro ở trong nước cũng như bên ngoài. Kinh tế Mỹ và EU (sau sự kiện Brexit) tiếp tục yếu đi, kinh tế Trung Quốc giảm đà mạnh nữa sẽ tác động bất lợi đến kinh tế Việt Nam.
Còn ở trong nước thì tiến độ cải cách cơ cấu nhằm nâng cao năng suất lao động của khu vực kinh tế nhà nước cũng như tư nhân diễn ra chậm chạp sẽ ảnh hưởng đáng kể tới triển vọng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam.…
Theo ông để duy trì tốc độ tăng trưởng cao thì Việt Nam phải tiếp tục tái cơ cấu theo chiều sâu để tăng năng suất lao động.
WB cảnh báo, tình trạng mất cân đối tài khóa tích tụ từ nhiều năm nay cũng là một mối quan ngại. Thâm hụt ngân sách ước tính 6,5% GDP vào thời điểm cuối năm 2015.
Nợ công của Việt Nam bao gồm nợ chính phủ, các khoản vay do chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương đã chiếm khoảng 62,2% GDP, tức cao hơn 11 điểm phần trăm so với năm 2010 và đang nhanh chóng tiến gần đến mức trần tối đa được Quốc hội cho phép là 65% GDP.
“Chính phủ đã cam kết đảm bảo duy trì bền vững nợ công và tái tạo khoảng đệm tài khóa. Vấn đề bây giờ là phải thực hiện cam kết đó bằng hành động cụ thể nhằm cân đối ngân sách trong trung hạn”, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nói.
Kết quả sơ bộ về thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy áp lực ngân sách còn tiếp diễn. Trong 5 tháng đầu năm 2016, Bộ Tài chính đã phát hành 147 nghìn tỉ đồng trái phiếu trong nước để bù đắp thâm hụt và đầu tư phát triển.
Theo báo cáo, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng có gia tăng trong những tháng gần đây nhưng áp lực lạm phát vẫn dự kiến ở mức độ vừa phải, dưới 5% theo mục tiêu Chính phủ đề ra cho năm nay.
Trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục nhắm đến mục tiêu duy trì cân đối giữa hỗ trợ tăng trưởng và ổn định vĩ mô.
Tuy nhiên tín dụng đã tăng trưởng với tốc độ khá cao, ở mức 18% (so cùng kỳ) trong giai đoạn từ đầu năm tới nay.
Theo WB, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (thông tư 06) nhằm hạn chế tác động tiêu cực của tăng trưởng tín dụng nóng và nâng cao chất lượng các khoản vay.
Tại buổi công bố báo cáo, WB cũng cho biết, hiện nay số dân từ 65 tuổi trở lên tại Việt Nam mới là 6,5 triệu người nhưng con số này dự báo sẽ tăng gấp 3 lần, đạt 18,4 triệu vào năm 2040.
“Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới, và điều đó lại đang diễn ra khi Việt Nam còn ở mức thu nhập thấp hơn so với hầu hết các nước có dân số già hiện nay”, ông Philip O’Keefe, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới đánh giá.
Diệu Thùy / Infonet.vn