"Tôi hy vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong những năm tới"- TS Frank-Jürgen Richter, Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á (Horasis).
Đây là lần thứ hai Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á (Horasis) sẽ được tổ chức ở Bình Dương, Việt Nam vào tháng 11 tới. Thông điệp chính và những giải pháp đưa ra tại Hội nghị lần này là gì, thưa ông?
TS Frank-Jürgen Richter: Thông điệp chính của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á tổ chức tại Bình Dương lần này là, Việt Nam đã sẵn sàng để kinh doanh.
Đất nước Việt Nam đã sẵn sàng tham gia với các doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới và trên tất cả các ngành công nghiệp. Khi đã chuyển sang nền kinh tế thị trường, chính phủ Việt Nam vẫn cam kết cải cách và đây là nền kinh tế sẵn sàng đón nhận luồng đầu tư và lợi nhuận toàn cầu lớn hơn.
Việt Nam đã đổi mới hơn ba thập kỷ rồi. Giờ đây, giới đầu tư nước ngoài nhìn nhận Việt Nam thế nào, thưa ông?
Ngày nay, Việt Nam đã được các nhà đầu tư xem là một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Nền tảng kinh tế vững chắc cùng với cam kết mạnh mẽ của chính phủ về thương mại và đầu tư cởi mở hơn đã giúp đất nước Việt Nam vững chãi hơn.
Tuy nhiên, những bất ổn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhiều doanh nghiệp đang xem xét các địa điểm sản xuất khác trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Việt Nam có vẻ sẽ được tham gia vào tiến trình đó.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Tiến sĩ Frank Jürgen Richter, Chủ tịch Horasis - Ảnh: VGP
Việt Nam đang mắc kẹt giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đâu là những thuận lợi và thách thức mà Việt Nam phải đối mặt?
Như đã giải thích ở trên, dòng thương mại sẽ được chuyển hướng từ Trung Quốc ra ngoài. Khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trở nên đắt đỏ hơn do áp dụng thuế quan, người tiêu dùng Mỹ sẽ mua hàng hóa từ các thị trường khác, và Việt Nam là một trong những thị trường có thể được lựa chọn.
Bên cạnh đó, về dài hạn, các công ty đa quốc gia bắt đầu xem xét chuyển sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc để giảm thiểu thuế quan đối với hàng xuất khẩu của họ sang Mỹ. Đó cũng là một cơ hội.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại không phải không có những thách thức. Do va chạm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, thương mại toàn cầu đã bị ảnh hưởng bất lợi, tác động lên tất cả cả các nền kinh tế. Hàng xuất khẩu của Việt Nam tới Trung Quốc để sang Mỹ có khả năng cũng sẽ bị tác động.
Trên thực tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á ước, tăng trưởng của Việt Nam sẽ tăng 2% trong ba năm tới bất chấp thương chiến có leo thang hay không.
Kinh tế Việt Nam trong 30 năm qua tăng trưởng nhanh, bậc nhất trên thế giới. Tuy nhiên, những nền kinh tế các quốc gia khác cũng tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ. Ông nghĩ rằng Việt Nam có cơ hội để bắt kịp những nền kinh tế đó hay không?
Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm trong ba thập kỷ qua, trong số những nước nhanh nhất toàn cầu. Tôi hy vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong những năm tới, được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và việc thực hiện các chính sách và khuôn khổ có lợi cho đầu tư lớn hơn vào sản xuất.
Làm như vậy, tôi hy vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế phát triển hơn ở châu Á và các nơi khác.
Đâu là những lĩnh vực mà Việt Nam cần thay đổi để bắt kịp các quốc gia đi trước? Chẳng hạn chúng tôi cần tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, cải cách kinh tế tư nhân, cải cách thể chế, thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0?
Thách thức lớn đối với Việt Nam là làm thế nào để đảm bảo thành quả của tăng trưởng kinh tế nhanh trong thời gian dài qua mang lại cuộc sống có chất lượng tốt hơn cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Khoảng cách ngày càng tăng trong thu nhập, bất bình đẳng xã hội...có thể kìm hãm sự phát triển và dẫn đến nhiều thách thức.
Thứ hai, các thể chế kinh tế của Việt Nam cần được hiện đại hóa và cần được cải cách liên tục để cho phép khu vực tư nhân phát triển thịnh vượng, đặc biệt là về việc giảm tệ hành chính quan liêu.
Thứ ba, để nắm bắt thành công Công nghiệp 4.0, Việt Nam phải đầu tư rất lớn vào giáo dục. Khi Việt Nam muốn chuyển sản xuất sang cấp độ tiếp theo, hệ thống giáo dục phải theo kịp và đào tạo ra những thế hệ trẻ có kỹ năng.
Ngoài ra, người lao động lớn tuổi cũng cần có đủ cơ hội để được đào tạo lại. Đây là điều bắt buộc để Việt Nam tận dụng tối đa sự chuyển đổi sang Công nghiệp 4.0.
Theo ông, trật tự kinh tế thế giới đang bị phá vỡ, chẳng hạn WTO cũng đang bị vi phạm. Ông nghĩ như thế nào về thực trạng này?
Tôi tin rằng không có lựa chọn nào khác ngoài việc các nước cần hợp tác xung quanh các vấn đề thương mại. Có thể tôi hơi lạc quan, nhưng tôi nghĩ rằng chuyện này sẽ diễn ra, và chúng ta hi vọng sẽ nhìn thấy các chính phủ rút lui khỏi quan điểm đi ngược lại toàn cầu hóa thương mại.
Ông nghĩ rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp diễn bao lâu trong tương lai?
Một lần nữa, tôi tin rằng cuộc chiến thương mại này hay bất kỳ cuộc chiến thương mại nào khác là một trò chơi có tổng bằng không. Cả hai nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ chỉ thua cuộc từ việc áp thuế đối với các sản phẩm của nhau.
Về trung hạn và dài hạn, tôi nghĩ cả Mỹ và Trung Quốc sẽ thấy sự vô ích của hành động của họ.
Tôi hy vọng điều này sẽ xảy ra sớm hơn thì tốt hơn là muộn.
Khi đang giữ cương vị Giám đốc Diễn đàn Kinh tế Thế giới, sau đó ông đã tách ra và thành lập Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á (Horasis). Ông có thể chia sẻ những lí do gì khiến ông thành lập Diễn đàn này?
Vào thời điểm đó, tôi thấy nhu cầu cần thiết phải có sự đối thoại giữa các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế phát triển. Và nhu cầu đối thoại vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay. Vì vậy, Horaris được thiết lập như một phương tiện để khuyến khích và tạo điều kiện thảo luận và hợp tác giữa các doanh nhân, doanh nghiệp và chính phủ từ các nơi khác nhau trên thế giới.
Xin cảm ơn ông.
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Horasis - Bình Dương 2019 (Horasis – Bình Dương 2019) được tổ chức từ ngày 24-26/11/2019 tại tỉnh Bình Dương. Thành phần tham dự là các khách mời trong nước (khoảng 100 người) gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp; khách mời nước ngoài (hơn 400 khách từ 60 quốc gia trên toàn thế giới) gồm lãnh đạo Bộ của một số quốc gia, địa phương nước ngoài, tổ chức quốc tế, các Tập đoàn đa quốc gia; các giáo sư, diễn giả của một số viện nghiên cứu và các trường đại học trên thế giới và lãnh đạo địa phương. Diễn đàn Horasis - Bình Dương 2019 là một diễn đàn được tổ chức theo hình thức diễn đàn kinh tế thế giới với 04 phiên họp toàn thể, 35 phiên đối thoại, thảo luận diễn ra song song và sự kiện bên lề Lễ hội Horasis cho mọi người "Horasis for all" Festival. |
Theo Lan Anh / Vietnamnet