Đây chính là nhịp điệu "đổ vốn" của ngân hàng vào nền kinh tế những năm gần đây.
Ảnh minh họa
“Bổn cũ soạn lại”
Câu chuyện tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng có nhiều điều đáng bàn khi ngược dòng thời gian trở lại năm 2012 cho đến năm 2016, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm cùng chung hiện tượng “tắc vốn” ra nền kinh tế.
Đặc biệt, liên tiếp trong 4 tháng đầu năm 2012, tăng trưởng tín dụng âm và lũy kế 4 tháng âm tới 0,66%.
Cho tới 6 tháng đầu năm 2012 tăng trưởng tín dụng thấp kỷ lục khi chỉ đạt 0,76% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 10% -13%.
Điều ngạc nhiên là tín dụng cả năm 2012 vẫn đạt mức tăng 8,19%. Tín dụng bắt đầu tăng nhanh thần tốc khi giữa tháng 11/2012 đạt 5,4%, giữa tháng 12/2012 đạt 6,45% và đến ngày cuối cùng của năm là 31/12/2012 đạt 8,19%.
Như một cái “dớp”, tín dụng tiếp tục nghẽn dòng. Có thể thấy trong năm 2013 -2016, vốn không bơm ra được trong tháng 1 khi tín dụng tháng này các năm đều là con số âm, tháng 1/2013 âm tới 1%.
Vốn thực sự được bơm ra bắt đầu từ tháng 3 của năm và có sự cân đối hơn từ năm 2015 khi tăng 1,25% và năm 2016 tăng 1,54%, nhưng con số này vẫn rất thấp so với kỳ vọng và cầu vốn của nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, những tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng thấp, thậm chí âm là do chu kỳ của nền kinh tế khi đây là thời điểm các doanh nghiệp vẫn còn dư âm của Tết Nguyên Đán, các hoạt động kinh doanh chưa sôi động trở lại… Kinh tế giảm tốc, hàng loạt doanh nghiệp chết…
Đây có thực sự là lời giải thích thỏa đáng khi từ năm 2013 - 2016 có khi tới hết 9 tháng đầu năm tín dụng tăng ít ỏi và quá xa vời so với chỉ tiêu cả năm. Tính ra chỉ đạt một nửa so với kế hoạch cả năm.
Cụ thể, hết quý III/2013, vốn ngân hàng đổ vào nền kinh tế tăng 5,8%, bằng ½ so với thực hiện cả năm 12% (tương đương với số dư tín dụng tuyệt đối khoảng 3,5 triệu tỷ đồng).
Cũng tính đến hết quý III/2014 đạt 7,26%, bằng 1/2 cả năm 14,16%. Quý III/2015 đạt 12,12%, bằng 2/3 cả năm là 17,29% (số tuyệt đối tổng tín dụng khoảng 4,5 triệu tỷ đồng) và Quý III/2016 đạt 11,74%, bằng ½ ước cả năm là 21,82%.
Điều gì khiến tín dụng tăng trưởng diệu kỳ chỉ trong 3 tháng cuối năm, với khối lượng tín dụng tăng bằng của cả 03 quý trước đó gộp lại?
“Cú đại nhảy vọt” của tín dụng
Tính lũy kế đến tháng 9/2016, các ngân hàng đã cho vay ra 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 11,74% so với cuối năm 2015.
Nhìn vào biểu đồ tăng trưởng tín dụng từng tháng của năm 2016 đã thấy vốn bơm ra đã đều tay hơn qua các tháng, tuy nhiên, “cuộc đại nhảy vọt” vào quý cuối cùng của năm vẫn diễn ra giống các năm trước và vượt kế hoạch tín dụng đề ra cả năm.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nếu lấy mức 18% làm đích, ba tháng cuối năm 2016 tín dụng cũng phải tăng bình quân ít nhất 2%/tháng, tương ứng với số dư tuyệt đối phải tăng thêm gần 100.000 tỉ đồng/tháng. Nhu cầu bắt buộc phải tiêu tiền đặt ra cho nền kinh tế là rất cao.
Tín dụng dồn vào quý IV đã mang tính chu kỳ, nhưng điều đó không có nghĩa sức hấp thụ vốn của nền kinh tế được cải thiện mạnh mẽ đến nỗi tín dụng “nhảy vọt”. Tại không ít ngân hàng, tín dụng thường tăng đột biến trong tháng 11, 12, sau đó sụt giảm trong tháng 1, tháng 2 năm sau.
Thành viên hội đồng quản trị một ngân hàng lớn đã thừa nhận có hiện tượng cho doanh nghiệp vay ngắn hạn để đạt chỉ tiêu định mức tín dụng. Thời hạn vay thường dưới ba tháng, nên đầu năm sau là doanh nghiệp trả nợ, tín dụng vì thế tụt xuống. Thêm vào đó, một số khoản vay được đảo nợ cuối năm dưới nhiều hình thức khác nhau, làm tín dụng tăng thực mà ảo.
Theo một chuyên gia ngân hàng, có nhiều cách tính khiến tín dụng có những con số tăng trưởng khác nhau. Nếu tính theo tổng cấp tín dụng (gồm cả cho vay thị trường dân cư và tổ chức kinh tế; trái phiếu doanh nghiệp; mua nợ) thì sẽ khác với con số dư nợ tín dụng chỉ đối với thị trường dân cư và tổ chức kinh tế.
Chẳng hạn, Eximbank mấy năm trở lại đây hay lấy con số tổng cấp tín dụng để nói về tăng trưởng dư nợ của ngân hàng này. Chẳng hạn, năm 2014, tổng cấp tín dụng cho tổ chức kinh tế và dân cư của Eximbank đạt 98.000 tỷ đồng, tăng 9.500 tỷ đồng (10,7%) so với hồi cuối năm 2013. Trong đó, dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và dân cư đạt 88.000 tỷ đồng, tăng 3.800 tỷ đồng (4,6%) so với cuối năm 2013. Điều này cho thấy 2 con số dư nợ này rất khác nhau.
Mặc dù, nền kinh tế đang ngốn tín dụng khổng lồ, mỗi năm bơm thêm 400.000 - 600.000 tỷ đồng (tương ứng với mức tăng trưởng tín dụng hằng năm) và tăng theo quy mô nền kinh tế và là một trong những công cụ quan trọng để đẩy tăng trưởng GDP nhằm đạt mục tiêu năm 2016 ở mức 6,3-6,5%.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là vốn tăng thần tốc như vậy thì đổ vào đâu trong khi nợ xấu đang là rào cản, ngân hàng thu hẹp tín dụng vào một số lĩnh vực, trong đó mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt vốn vào các dự án BOT, BT giao thông …
Linh Lan / BizLIVE