Tăng trưởng xanh sẽ tác động đến phát triển thương mại, tạo ra các cơ hội và mở ra thị trường xuất khẩu mới đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cho cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.
Sở hữu bãi biển đẹp và sạch, Đà Nẵng đang ngày càng thu hút đông du khách
Ý tưởng về “Tăng trưởng xanh” đã được đề xuất tại Hội nghị các Bộ trưởng lần thứ 5 về Môi trường và Phát triển Khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2005. Sau hơn 10 năm, Tăng trưởng xanh đã trở thành một mô hình tăng trưởng kinh tế mới được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế tham gia nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn liền với giảm thiểu tác động môi trường.
Theo Ngân hàng Thế giới, Tăng trưởng xanh là quá trình tăng trưởng, nhờ sử dụng tài nguyên hiệu quả, sạch hơn và tăng cường khả năng chống đỡ mà không làm chậm quá trình này. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang phát triển đã quyết tâm theo đuổi mô hình này thông qua “Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, “Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020”.
Về phía các bộ, ngành, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính... cũng đã ban hành Kế hoạch, Chương trình hành động của ngành thực hiện chiến lược Tăng trưởng xanh. Một số tỉnh, thành trên cả nước cũng đã bắt đầu triển khai và xây dựng kế hoạch của địa phương hưởng ứng và triển khai áp dụng Tăng trưởng xanh trên địa bàn.
Tại Hội thảo với chủ đề “Áp dụng tăng trưởng xanh để tạo ra các cơ hội thương mại cho thành phố Đà Nẵng” do Trung tâm WTO (Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng) với sự tài trợ của Dự án EU – MUTRAP tổ chức tại Đà Nẵng ngày 24/6/2016 vừa qua, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thương mại là bộ phận cấu thành quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế toàn cầu. Vì vậy, việc theo đuổi con đường Tăng trưởng xanh sẽ có những tác động nhất định đến phát triển thương mại, tạo ra các cơ hội thương mại và mở ra thị trường xuất khẩu mới đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có lợi cho môi trường, phù hợp với phát triển bền vững và xanh hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, thương mại với những điều chỉnh thích hợp sẽ thúc đẩy quá trình áp dụng mô hình Tăng trưởng xanh và chuyển đổi sang nền Kinh tế xanh.
Đà Nẵng có tiềm năng lớn về phát triển thương mại - du lịch - dịch vụ. Lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng ngày càng tăng, năm 2015 đạt 4,6 triệu lượt khách, trong đó rất nhiều khách lựa chọn du lịch sinh thái. Do vậy, Tăng trưởng xanh giúp Đà Nẵng bảo vệ được môi trường thiên nhiên, thu hút ngày càng đông du khách, phát triển tốt ngành công nghiệp không khói, đem lại nguồn thu lớn cho thành phố.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp với diện tích 970,50 ha đã đi vào hoạt động, thu hút 343 dự án đầu tư, trong đó có 74 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Công nghiệp Đà Nẵng chủ yếu là dệt may, cơ khí chế tạo, bao gồm cả đóng tàu, luyện thép, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp chế biến và sản xuất vật liệu xây dựng. Ngoài ra, thành phố còn có 1 khu công nghệ thông tin tập trung với diện tích 131 ha, và 1 khu công nghệ cao với diện tích 1010 ha đang xây dựng. Thực hiện tăng trưởng xanh, các sản phẩm công nghiệp đạt ISO 14001 sẽ tạo ra cơ hội thương mại mới, mở ra thị trường xuất khẩu mới.
Hội thảo nhằm giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng có một diễn đàn để trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình Tăng trưởng xanh, mối quan hệ giữa Tăng trưởng xanh và phát triển thương mại; đặc biệt là phân tích và xây dựng định hướng để áp dụng Tăng trưởng xanh trong việc tạo ra các cơ hội thương mại mới cho thành phố Đà Nẵng; đồng thời trao đổi, thảo luận về một số vấn đề khác có liên quan như các cam kết liên quan đến thương mại môi trường trong hội nhập kinh tế quốc tế, giải pháp áp dụng Tăng trưởng xanh cho Đà Nẵng thông qua đổi mới công nghệ trong sản xuất.