Các cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt có thể tạo lợi thế lớn cho Việt Nam trong thu hút các dự án “khủng”.
Tập đoàn Intel (Mỹ) đang lên kế hoạch đầu tư giai đoạn II tại Việt Nam.
Ngấp nghé các dự án “khủng”
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm điện khí hóa lỏng (LNG) và kho cảng đầu mối LNG Vân Phong của Công ty Millennium Energy (Mỹ). Cùng với đó, tỉnh này kiến nghị bổ sung Dự án vào Quy hoạch Điện VIII đang được Bộ Công thương xây dựng.
Cụ thể, Millennium Energy đã đề xuất kế hoạch xây dựng dự án điện khí có công suất 4.800 MW với 4 tổ máy, được chia thành 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn 2.400 MW, với vốn đầu tư 4,7 tỷ USD. Trong khi đó, Dự án kho cảng đầu mối LNG Vân Phong được đề xuất với quy mô vốn lên tới 22,5 tỷ USD, công suất 17 triệu m3.
Như vậy, tổng vốn đầu tư của 2 dự án dự kiến lên tới 27 tỷ USD, một con số rất “khủng”. Cho đến nay, ở Việt Nam chưa có dự án đầu tư nước ngoài nào có quy mô vốn lớn như vậy được cấp chứng nhận đầu tư. Trước đây, có 2 dự án khủng được đề xuất là Sama Dubai (250 tỷ USD) và Lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định, 27 tỷ USD), nhưng vì nhiều lý do, đều không thành hiện thực.
Chưa nói tới chuyện kế hoạch của Millennium Energy tại Khánh Hòa có “thành” hay không, bởi từ chủ trương tới hiện thực còn cả một quãng đường khá dài, song việc Millennium Energy liên tục tới Khánh Hòa, Thanh Hóa, Sóc Trăng để đề xuất các dự án điện khí quy mô hàng tỷ USD, cho thấy mối quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư này tới lĩnh vực năng lượng của Việt Nam.
Không chỉ Millennium Energy, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư cũng tới Việt Nam để đề xuất các dự án quy mô lớn. Thông tin cho biết, Tập đoàn Intel (Mỹ) đang lên kế hoạch đầu tư giai đoạn II tại Việt Nam, với quy mô có thể lên tới hàng tỷ USD.
Đầu năm nay, Intel nhận giấy chứng nhận đầu tư thêm 475 triệu USD. Đây là khoản đầu tư mới, bên cạnh khoản đầu tư 1 tỷ USD được công bố lần đầu tiên năm 2006. Thêm khoản vốn mới, nhà máy sản xuất chip của Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM có tổng vốn đầu tư lên tới gần 1,5 tỷ USD.
Cùng với Intel, Tập đoàn AT&S (Áo) đã tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư một dự án công nghệ cao 1,8 tỷ USD. Thông tin từ cuộc gặp lần trước, AT&S sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có đầu tư tại Việt Nam hay không vào giữa tháng 4/2021. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, chưa có thông tin nào liên quan đến vấn đề này được công bố.
Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Nghệ An - Đài Loan, được tổ chức trực tuyến cuối tuần qua, ông Thạch Thụy Kỳ, Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp Đài Loan đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Riêng trong năm 2021, con số sẽ lên tới 2 tỷ USD, tập trung vào các dự án trong lĩnh vực điện tử.
Quả thật, trong làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian gần đây, rất nhiều tên tuổi lớn của Đài Loan đã tăng cường đầu tư vào Việt Nam, như Foxconn, Goertek, Luxshare, Winstron… Chính họ đã góp phần quan trọng tạo nên một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam.
Chỉ riêng ở Nghệ An, đầu năm nay, đã có Everwin Precision đầu tư dự án 200 triệu USD, Goertek khởi công dự án 100 triệu USD. “Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm thêm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam”, ông Zheng Li Yu, Chủ tịch của Ju Teng Internatinal Group nói.
Nhà đầu tư mong chờ cơ chế ưu đãi đặc biệt
“Chúng tôi được biết, Chính phủ Việt Nam có các chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội dành cho các dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Làm sao để các doanh nghiệp nhỏ và vừa như chúng tôi cũng được hưởng những ưu đãi trên”, một doanh nghiệp Đài Loan đã đặt câu hỏi như vậy.
Và câu trả lời của ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là chỉ những dự án quy mô lớn, công nghệ cao mới được hưởng các cơ chế ưu đãi đặc biệt. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sẽ được hưởng các ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp công nghệ cao - thuộc diện cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành. Chẳng hạn, nếu đáp ứng các điều kiện đi kèm về công nghệ, về tỷ lệ doanh thu thuần đầu tư cho R&D…, nhà đầu tư sẽ được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 10 năm, miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, có vẻ như, các nhà đầu tư đang “hóng” các cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt. Mặc dù điều này đã được quy định tại Luật Đầu tư 2020, song cho đến nay, các hướng dẫn cụ thể về ưu đãi đặc biệt chưa được công bố.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư cách đây ít lâu, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Dự thảo Quyết định về ưu đãi đầu tư đặc biệt đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện để trình Chính phủ thông qua. “Dự thảo Quyết định đã đề xuất 4 tiêu chí để xác định doanh nghiệp có được hưởng ưu đãi đặc biệt hay không. Đó là công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi và giá trị sản xuất trong nước”, ông Hoàng cho biết.
Nếu Chính phủ sớm thông qua Dự thảo Quyết định, đây có thể sẽ là cú hích để các nhà đầu tư như Intel, AT&S, thậm chí cả Millennium Energy sớm ra các quyết định đầu tư ở Việt Nam.
Mới đây, khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc tại TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận các đề xuất ưu đãi đầu tư cho giai đoạn II của Intel. Chi tiết không được tiết lộ, song với một nhà đầu tư lớn như Intel và cũng trong lĩnh vực công nghệ cao, thì rất có thể, đây sẽ là các đề xuất liên quan đến các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt.
Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng gay gắt, với việc Indonesia, Philippines, Thái Lan… liên tục có các động thái sửa đổi chính sách để tăng cường thu hút đầu tư, nếu Việt Nam có thêm cơ chế ưu đãi đặc biệt, thì sẽ là một lợi thế lớn.
Năm ngoái, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm, nhưng ngược với xu thế chung, đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam đã tăng 12%. Với các doanh nghiệp Đài Loan, Việt Nam là một địa điểm đầu tư quan trọng. Đầu tư từ Đài Loan vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. - Ông Thạch Thụy Kỳ, Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam |