Các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) công ty tài chính vẫn đang được đàm phán tấp nập, với sự tham gia của nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhắm tới thị trường tài chính tiêu dùng quy mô 26,55 tỷ USD đang tăng trưởng chóng mặt của Việt Nam.
Nhà đầu tư ngoại tới tấp hỏi mua
Vừa mua lại mảng bán lẻ của ANZ Việt Nam, Shinhan Bank tiếp tục nhắm tới việc thâu tóm một công ty tài chính tại Việt Nam. Ý định này nằm trong phần tiếp theo của kế hoạch mở rộng mảng bán lẻ tại Việt Nam mà Shinhan Bank đề ra. Không chỉ Shinhan Bank, theo thông tin của Báo Đầu tư, hai nhà đầu tư lớn của Nhật Bản cũng đang đàm phán để mua 49% vốn tại hai công ty tài chính khác của Việt Nam.
Cuối năm ngoái, Shinsei Bank (Nhật Bản) đã mua thành công 49% vốn tại Công ty Tài chính tiêu dùng Mcredit (MB). Trước đó, HDBank cũng chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của công ty tài chính trực thuộc HDFinance cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản). Hiện một số công ty tài chính trong nước cũng ráo riết đàm phán với các đối tác ngoại để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược phù hợp.
Sự quan tâm của các tập đoàn tài chính nước ngoài với các công ty tài chính tiêu dùng trong nước cho thấy, khối ngoại đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Theo thống kê của StoxPlus, năm 2016, quy mô thị trường này ở Việt Nam là 26,55 tỷ USD. Đặc biệt, những năm gần đây, thị trường này luôn tăng trưởng với tốc độ 30-40%/năm. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, làn sóng mua công ty tài chính của các tập đoàn tài chính nước ngoài sẽ tiếp tục nóng trong năm 2017 và một số thương vụ sẽ sớm hiện thực hóa.
Điểm dễ thấy là, trong các thương vụ kết duyên giữa công ty tài chính trong nước và đối tác ngoại, đa phần đối tác được lựa chọn đều đến từ Nhật Bản. Ngoài sự tương đồng về văn hóa, thì sự đi trước hàng chục năm trong kinh nghiệm bán lẻ, cho vay tiêu dùng và sự thận trọng của đối tác Nhật rất cần thiết cho các công ty tài chính non trẻ của Việt Nam.
Ngân hàng nội ráo riết nhập cuộc
Làn sóng ngân hàng mua lại công ty tài chính diễn ra rầm rộ mấy năm qua một phần do chủ trương tái cơ cấu công ty tài chính của Ngân hàng Nhà nước. Cho đến nay, đã có 6 ngân hàng mua về công ty tài chính: VPBank nhận sáp nhập Công ty TNHH một thành viên Tài chính Than khoáng sản; Techcombank mua lại Công ty Tài chính cổ phần Hóa Chất (VCFC); MB sáp nhập Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC); Maritime Bank sáp nhập Công ty Tài chính dệt may; SHB sáp nhập Công ty Tài chính Vinaconex-Viettel. Trước đó, HDBank tiên phong xu hướng này với việc mua lại Société Générale của Pháp.
Trên thị trường hiện nay có 16 công ty tài chính. Trong đó, có 6 công ty được các ngân hàng trong nước mua lại, 5 công ty tài chính 100% vốn nước ngoài. Hiện vẫn còn 5 công ty tài chính trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty: Công ty Tài chính cổ phần xi măng, Công ty Tài chính cổ phần điện lực, Công ty Tài chính TNHH một thành viên bưu điện, Công ty Tài chính Handico, Công ty Tài chính TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy. |
Trong các ngân hàng trên, ngoài MB và HDBank đã thành công trong bán vốn cho đối tác ngoại, các ngân hàng còn lại cũng có ý định tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với tỷ lệ bán vốn lên đến 49%, trong đó có SHB. Riêng VPBank đang tạm hoãn ý định bán FE Credit, bởi đây chính là "gà đẻ trứng vàng" cho ngân hàng này.
Số ngân hàng nhắm vào miếng bánh cho vay tiêu dùng vẫn chưa dừng lại. Đầu năm nay, OCB đã xin ý kiến cổ đông về việc thành lập mới một công ty tài chính hoặc mua công ty tài chính hiện có trên thị trường. Trong khi đó, ACB cũng từng có ý định mua lại Công ty Tài chính TNHH một thành viên Bưu điện (PTFinance).
Hiện 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống là BIDV, Agribank, Vietcombank và VietinBank chưa thành lập hoặc sáp nhập công ty tài chính tiêu dùng nào. BIDV từng có ý định mua lại một công ty tài chính tiêu dùng, song sau đó đã quyết định chưa mua do không tìm được “hàng” tốt. Riêng VietinBank, sau thất bại ở thương vụ sáp nhập PGBank, vẫn chưa rõ có ý định thành lập hay mua lại công ty tài chính khác hay không.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nhiều ngân hàng phát triển tốt mảng cho vay tiêu dùng mà không nhất thiết phải thành lập hay mua lại công ty tài chính. Do đó, việc tự phát triển lĩnh vực này hay thành lập/mua lại công ty tài chính tùy thuộc vào chiến lược phát triển của từng ngân hàng.
Hà Tâm / baodautu