Thoái vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco là một trong những nỗ lực mới nhất của chính phủ Việt Nam nhằm mở cửa nền kinh tế và nới lỏng kiểm soát đầu tư nước ngoài.
Ảnh minh họa.
Nhiều hãng bia lớn trên thế giới đang xếp hàng dài để gia nhập thị trường bia đầy hứa hẹn của Việt Nam - dấu hiệu cho thấy năm nay sẽ hình thành những thương vụ tầm cỡ tại một trong những thị trường tiềm năng cao bậc nhất ở châu Á.
Chính phủ Việt Nam hy vọng có thể thu về 2 tỉ USD thông qua việc bán cổ phần tại 2 hãng bia gồm Habeco và Sabeco.
Cụ thể, chính phủ muốn bán ít nhất lần lượt 90% và 82% cổ phần tại Sabeco và Habeco trong vòng 2 năm tới. Một số người mua tiềm năng hiện tại gồm có Thai Beverage và Singha Group của Thái Lan, Kirin Holdings và Asahi của Nhật Bản. Ngoài ra còn có hãng bia Hà Lan là Heineken và AB InBev.
Theo ông Eugene Gong - chủ tịch mảng mua bán sáp nhập khu vực Đông Nam Á của ngân hàng Deutsche Bank thì: “Bất kỳ thương vụ nào diễn ra sắp tới đây cũng đều là cơ hội hiếm có để mua cổ phần tại những nhà sản xuất bia hàng đầu ở một quốc gia vốn có văn hoá uống bia đặc trưng như Việt Nam. Không ngạc nhiên khi tất cả những nhà sản xuất bia lớn trên thế giới đều đang cảm thấy thích thú với thương vụ này”.
Thoái vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco là một trong những nỗ lực mới nhất của chính phủ Việt Nam nhằm mở cửa nền kinh tế và nới lỏng kiểm soát đầu tư nước ngoài.
Trên thực tế, những nỗ lực này đã bắt đầu "đơm hoa kết trái": Giá trị của những thoả thuận được thiết lập trong năm nay dự kiến đạt mức gần 4 tỉ USD - mức cao nhất trong suốt hơn 1 thập kỷ qua trong bối cảnh các công ty từ Nhật Bản và châu Âu nhìn thấy tiềm năng to lớn tại đây”.
Dù 4 tỉ USD chỉ là rất nhỏ so với những thị trường lớn như Mỹ nhưng nó lại là con số đáng nể đối với Việt Nam - lớn hơn so với bất kỳ năm nào khác kể từ 2006.
Heineken, Singha và AB InBev hiện từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này. ThaiBev và Kirin nói rằng họ vẫn bỏ ngỏ khả năng tham gia vào thương vụ. Trong khi đó, Asahi nói rằng họ rất quan tâm tới cổ phần tại Sabeco nhưng không đưa ra bình luận gì thêm.
Theo chị Lương Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc đầu tư tại VietFund Management thì: "Trên thực tế lâu nay chính phủ Việt Nam đã có ý định tư nhân hoá các công ty thuộc sở hữu nhà nước nhưng việc bán cổ phần tại 2 hãng bia lớn cho thấy quá trình này đang được đẩy nhanh hơn. Việc này cũng thể hiện quyết tâm minh bạch bộ máy và tài cơ cấu nền kinh tế ở mức độ sâu hơn”.
Bản thân chính phủ Việt Nam đã cho tư nhân hoá hoặc hợp nhất hàng trăm doanh nghiệp nhà nước, nâng giới hạn sở hữu nước ngoài trong nhiều lĩnh vực vốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Vào tháng 7, Vinamilk - một trong những công ty niêm yết hấp dẫn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã quyết định loại bỏ quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài và các nhà đầu tư cho rằng nhiều công ty niêm yết khác cũng sẽ có động thái tương tự”.
Một nguồn tin giấu tên cho biết, F&N của Singapore - đơn vị sở hữu 11 % cổ phần Vinamilk cũng hy vọng có thể tăng thêm tỷ lệ sở hữu tại công ty này.
Việt Nam với dân số 90 triệu người đang chứng kiến sự gia tăng mọi thứ từ nhu cầu uống bia đến các dịch vụ ngân hàng. Tiêu dùng tăng mạnh thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản và châu Âu - những nơi đối mặt với thị trường đang dần bão hoà.
Điều đáng nói là những năm gần đây Việt Nam “lọt mắt xanh” các nhà đầu tư nước ngoài mặc cho tốc độ tăng trưởng tại những thị trường khác còn chậm chạp. Đất nước này đang được hưởng lợi từ lượng dân số trẻ và bùng nổ lĩnh vực xuất khẩu.
Nền kinh tế Việt Nam hy vọng tăng trưởng 6,7% trong năm nay, ngang với năm 2015 và 2 thị trường chứng khoán gồm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng nằm trong số những thị trường chứng khoán tốt nhất tại châu Á.
Tháng nước, quỹ đầu tư của Singapore đã mua 7,7% cổ phần tại Vietcombank - ngân hàng lớn nhất Việt Nam tính về giá trị thị trường. Trong năm 2015, Singha Group cũng mạnh tay chi 1,1 tỉ USD để mua cổ phần Masan Group - một trong những công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Theo Trí thức trẻ