Trước sự phát triển mạnh mẽ của Uber và Grab, nhiều “ông lớn” taxi truyền thống đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Sự phát triển mạnh mẽ của Uber và Grab khiến taxi truyền thống gặp khó khăn và buộc phải tìm giải pháp mới để duy trì, phát triển - Ảnh: Tạ Tôn |
Chao đảo vì Uber, Grab
Dư luận gần đây đang “nóng” việc nhiều hãng taxi truyền thống “kêu cứu” vì không thể cạnh tranh với những đối thủ dựa trên nền tảng công nghệ như Uber và Grab. Trong khi các hãng này bị ràng buộc bởi nhiều quy định, Uber và Grab lại thoải mái “một mình một ngựa”, không chịu áp lực nào.
Ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương VN (Vinasun) cho biết, hết quý I, hoạt động kinh doanh taxi của doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng, doanh thu đạt 1.093 tỷ đồng, giảm 4%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 55 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận giảm do sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ Uber, Grab và chi phí nhiên liệu tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016. “Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2017, đã có 4.239 người lao động của hãng nghỉ việc, 300 đầu xe phải nằm bãi”, ông Quý cho biết.
"Sự có mặt của Uber và Grab tại Việt Nam là một minh chứng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới đã tràn vào nước ta. Cuộc cách mạng này mang lại nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng là những thách thức rất lớn. Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo ứng dụng tối đa khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất cho người dân”. Ông Trần Bảo Ngọc Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) |
Taxi Mai Linh cũng bị ảnh hưởng từ sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường khi hãng này gần như không có lãi từ hoạt động kinh doanh chính. Lợi nhuận có được chủ yếu đến từ việc thanh lý xe.
Ông Hồ Huy, Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Mai Linh nói: “Với những khuyến mãi khó chấp nhận trong cạnh tranh, Mai Linh cũng như các doanh nghiệp taxi truyền thống đều bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu giảm sút. Riêng năm 2016, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Mai Linh thấp nhất 5 năm gần đây”.
Nêu đích danh 2 cái tên Uber và Grab, ông Huy cho rằng, 2 “tác nhân” này đã gây thiệt hại về kinh tế cho các hãng taxi truyền thống. “Với số lượng xe của Uber, Grab rất lớn như hiện nay, Nhà nước đang thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2015, Mai Linh và Vinasun nộp ngân sách hơn 460 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2016 nộp ngân sách trên 200 tỷ đồng, trong khi Uber và Grab chỉ nộp gần 20 tỷ đồng”, ông Huy nhấn mạnh.
Ông Trương Quốc Hùng Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Vic Taxi khẳng định, không chỉ có các hãng taxi truyền thống lớn, mà nhiều doanh nghiệp taxi nhỏ cũng sụt giảm mạnh về doanh số với mức giảm từ 35 -40%. Thậm chí, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động do tài xế nghỉ việc.
Ở góc độ lái xe, anh Lê Xuân Thành (một tài xế taxi truyền thống hoạt động tại Hà Nội) chia sẻ, trước đây, nếu chăm chỉ, mỗi ngày anh cũng thu được khoảng 2-3 triệu đồng, trừ chi phí vẫn còn dư được khoảng chục triệu/tháng. Nhưng nay, doanh thu ngày một giảm, có những ngày chỉ được 200.000 - 300.000 đồng. “Nói ra không ai tin taxi lại ế ẩm như vậy, nhưng sự thật chúng tôi đang rất khó khăn”, anh Thành nhấn mạnh và cho biết, hiện khách chỉ thích đi taxi siêu rẻ, hợp đồng điện tử, chốt giá từ trước. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng đang có hướng bỏ bởi doanh thu sụt giảm, còn tiền lãi vay mua xe góp vào công ty vẫn treo ở đó”
Các hãng taxi truyền thống giảm mạnh doanh thu từ khi xuất hiện Uber và Grab - Ảnh: Tạ Tôn |
Tìm hướng đi mới để tồn tại
Để thích nghi với nhu cầu mới của thị trường, hàng loạt doanh nghiệp taxi đã thay đổi để ứng dụng công nghệ, xây dựng một ứng dụng riêng trên nền tảng di động tương tự Uber và Grab như: Công ty CP Ánh Dương VN (V.Car), Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội (ThanhCong Car), Công ty cCP Sun Taxi (S.Car), Công ty CP Phát triển thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (Vic.Car), Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Car)… và mới đây nhất là Taxi Đất Cảng App. Họ bắt đầu làm tốt dịch vụ đặt xe qua điện thoại thông minh. Đây được coi là biện pháp ứng phó lớn đầu tiên đối với nguy cơ từ các doanh nghiệp taxi ứng dụng công nghệ như Uber và Grab.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hồ Huy khẳng định, Mai Linh sẽ vẫn tiếp tục tập trung vào lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng taxi và xem đây là mũi nhọn. Được biết, để cạnh tranh với Uber và Grab, doanh nghiệp này đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng triển khai áp dụng công nghệ gọi xe trong toàn hệ thống. “Mai Linh coi việc áp dụng công nghệ trong thời kỳ cách mạng, hội nhập quốc tế là sự sống còn. Chúng tôi áp dụng công nghệ theo văn hóa Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế để phát triển bền vững. Chúng tôi cũng triển khai giảm giá cước để thu hút khách hàng. Từ giữa tháng 5, tại TP.HCM, Mai Linh đã áp dụng mức giá mở cửa chỉ 5.000 đồng. Như vậy, chúng tôi vừa tri ân khách hàng, đồng thời cũng là giải pháp về giá để cạnh tranh với Uber, Grab”, ông Huy khẳng định.
Song song với áp dụng công nghệ, Vinasun cũng đang tiến hành chuyển đổi mô hình kinh doanh từ phân chia lợi nhuận truyền thống, các doanh nghiệp sở hữu xe và thuê người lái rồi chia sẻ doanh thu với lái xe sang cho thuê bao xe.
Lãnh đạo Vinasun cho biết, trước đây doanh nghiệp sở hữu xe taxi và thuê tài xế, chia sẻ doanh thu, chi phí theo tỷ lệ thỏa thuận và lái xe trở thành nhân viên của công ty. Với mô hình thuê bao xe, lái xe sẽ nhận toàn bộ doanh thu và phải trả lại cho Vinasun tiền thuê cố định từ 600.000 - 800.000 đồng/ngày tùy theo loại xe. Lái xe sẽ chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến xe bao gồm xăng xe, bảo dưỡng, chi phí sửa xe, bến đỗ. Trong mô hình này, Vinasun sẽ không chịu trách nhiệm nộp bảo hiểm xã hội cho lái xe. “Sắp tới, Vinasun cũng sẽ nâng cấp phần mềm để khách hàng có thể tham khảo trước giá cước trên mỗi hành trình đi. Hiện, Vinasun chưa làm được điều này do còn vướng giữa đồng hồ tính cước và giá cước trên phần mềm quản lý App của hãng”, vị lãnh đạo Vinasun nói.
Không giống như Vinasun, Vic Taxi không có hoạt động cho thuê xe, doanh nghiệp này cũng đã xây dựng một ứng dụng riêng trên nền tảng di động. Theo ông Trương Quốc Hùng, hiện có khoảng 8 - 9 doanh nghiệp taxi truyền thống đã đầu tư một ứng dụng riêng theo phương thức giống như Uber, Grab, khách hàng có thể đặt xe qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại di động. “Ngoài phương thức truyền thống là gọi xe qua tổng đài, khách hàng có thêm sự lựa chọn phương thức đặt xe đối với Vic Taxi. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp nhỏ, có ít xe, đây là một khoản đầu tư lớn, nên hiệu quả ứng dụng chưa cao”, ông Hùng khẳng định.
Theo Giao Thông