Số vốn trên sẽ được giải ngân trong năm nay để phục vụ đề án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn 2017 - 2020.
Đại diện lãnh đạo Trung ương, tỉnh Tây Ninh cùng các nhà đầu tư cam kết hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh.
Đây là thông tin vừa được ông Lê Thanh, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ chia sẻ tại Hội thảo Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm ngày 6/1 tại Tây Ninh.
Ông Thanh cho biết, số vốn trên được kêu gọi từ các doanh nghiệp trong nước nhằm đầu tư cho các hoạt động như tăng cường tính liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao.
Cụ thể, gần 8.000 tỷ đồng dành cho xây dựng các nhà máy chế biến rau củ quả, nhà máy sản xuất phụ trợ nông nghiệp và khoảng 2.000 tỷ đồng mở rộng chợ đầu mối nông sản lớn nhất tỉnh. Hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu nông sản địa phương vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật và châu Âu cũng được chú trọng với giá trị đầu tư lên đến vài trăm tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định với vị trí địa lý thuận lợi và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Tây Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, quỹ đất dành sản xuất nông nghiệp chiếm 86% diện tích đất tự nhiên; địa hình khá bằng phẳng, hệ thống thủy lợi khá đồng bộ với hệ thống thủy lợi Dầu tiếng có quy mô lớn nhất nước có thể tưới tiêu chủ động cho 47 nghìn ha đất canh tác. Những năm gần đây, giá trị ngành nông nghiệp chiếm gần 30% GDP trong nền kinh tế của tỉnh với các loại cây trồng chủ lực như khoai mì, mía, cao su, lúa, rau quả các loại… Kèm theo đó, toàn tỉnh có khoảng 1.000 nông dân sở hữu từ 100 -1.000 ha đất canh tác, đây sẽ là điểm cộng hỗ trợ việc thực hiện mô hình này tại Tây Ninh.
Dù vậy, phần lớn các nông sản phẩm của tỉnh tiêu thụ chủ yếu và chế biến dạng thô, không có thị trường ổn định và phần lớn chưa gắn với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của quốc gia và quốc tế…Đây là những yếu tố khiến phát triển nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.
Trước yêu cầu cấp thiết phải đưa nền nông nghiệp chuyển dịch lên nền sản xuất hiện đại, an toàn, hiệu quả và bền vững thì vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng là phải tiến tới phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp.
Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới tỉnh Tây Ninh sẽ triển khai bốn hoạt động chính:
Thứ nhất, đầu tư phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: tỉnh ưu tiên dành một phần quỹ đất công với diện tích khoảng 1.800 ha (thu hồi từ các công trường) tổ chức quy hoạch và đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp để thu hút nhà đầu tư có đủ nguồn lực, công nghệ và thị trường trong và ngoài nước.
Thứ hai, xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Thứ ba, sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng khả năng cạnh tranh. Thứ tư, nghiên cứu, tìm kiếm và mở rộng thị trường.
Được biết, sau 5 năm triển khai mô hình “Phát triển chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế”, GDP của nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đã cán mốc 8 tỷ USD và thu nhập nông dân từ 1,5 nghìn USD/năm lên 5 nghìn USD/năm.
Hội nghị lần này có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Trần Lưu Quang, Bí thư Tỉnh uỷ Tỉnh Tây Ninh, ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh; ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ (Viện KTNNHC) và hàng trăm nhà đầu tư, chợ đầu mối các nước Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…
Đây cũng là dịp diễn ra Lễ ký kết hợp tác phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp giữa UBND tỉnh Tây Ninh - Viện KTNNHC – Vietinbank- công ty kiểm toán EY; Lễ trao Chủ trương thành lập Trường đào tạo Nông dân do Công ty DIK – Daiki – Nhật Bản đầu tư; Lễ ký kết MOU xúc tiến đầu tư chuỗi giá trị với tỉnh Tây Ninh - Sunrise Orchards - Viện KTNNHC; Lễ ký kết MOU hợp tác tỉnh Tây Ninh đầu tư cho hệ thống Nhà máy; Lễ ký kết hợp tác phát triển chất lượng GolbalGap và Organic giữa Control Union và Viện KTNNHC; Lễ ký kết phát triển giải pháp công nghệ giữa Viện KTNNHC và Công ty Kiag và Lễ ký kết thành lập Đội xúc tiến hợp tác ba tỉnh thành – Tây Ninh – Ehime – Sacramento.
Hồng Phúc / baodautu