Trước lúc đi Hà Giang, trong đầu tôi hiện lên hình ảnh mù mờ về miền cực Bắc Tổ quốc, tưởng tượng thế nào cũng không hình dung ra cao nguyên bất tận toàn đá và đá ấy.
Bao nhiêu đời nay, các đồng bào ở Hà Giang sinh tồn cùng đá.
Quãng đường từ Hà Nội lên thành phố Hà Giang với hơn 320 km, chạy xe chừng 7 tiếng là tới nơi. Còn đường từ Hà Giang đi Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn - Mèo Vạc, gần 200 km nhưng phải mất vài ngày đánh vật. Nói như vậy để thấy được việc chinh phục cao nguyên đá không hề dễ dàng.
Từ thành phố Hà Giang, đoạn đường mở màn đi cao nguyên đá khá trơn tru, bằng phẳng. Một bên nhà dân, nương ngô bát ngát, một bên là con suối quanh co róc rách, cảnh đẹp mê người. Đến khi nhìn thấy con đồi trước mặt có dòng chữ "Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn", là khi báo hiệu bạn cần phải lên dây cót tinh thần, chuẩn bị đương sức với khó khăn.
Dòng sông Nho Quế như dải lụa mềm mại, cùng với đèo Mã Pì Lèng làm nên khung cảnh tuyện vời mà bất cứ dân phượt nào cũng muốn một lần chinh phục.
Các cung đường đã rải nhựa, không có nhiều con dốc dựng đứng nhưng đặc biệt quanh co. Không gian bao phủ sương mù, đoạn này vòng lên, chỗ kia lượn, lúc là hình zíc zắc, lúc lại như mũi tên đột ngột bẻ cong; khi một bên là núi cao, một bên là vực thẳm và khó để nhìn thấy trước mặt là khúc cua tay áo. Đi trên cung đường ấy bạn trải qua đủ loại cảm xúc, lúc được phiêu du, bồng bềnh trên mây, khi lại đột ngột rơi tõm xuống thung lũng hun hút, ảo mờ. Sự nguy hiểm làm các tay lái có những phen thót tim, hoảng hốt, chẳng dám lơ là.
Càng đi, trước mắt mở ra chỉ toàn đá là đá. Một cao nguyên đá trùng điệp, vô tận. Cảnh sắc hùng vĩ cứ ầm ập vào tầm mắt. Hà Giang ơi, chỉ có đá với trời. Bên này là núi đá xếp chồng như cuốn sách, bên kia là bãi đá với hàng trăm con hải cẩu trơn bóng, đen biếc. Ở các bản Sà Phìn, Sảng Tủng lại có những ngọn núi dạng kim tự tháp hiên ngang. Lên đến Khâu Vai, Mèo Vạc sẽ gặp những phiến đá nở hoa muôn hình vạn vẻ.
Giữa cao nguyên đá là đá ấy, bạn chợt nhận ra những mái nhà lẫn trong đá, sắc phục sặc sỡ phơi trên đá. Dưới ánh nắng chang chang, bà con cần mẫn leo lên những đồi cao và xa tít tắp. Sự sống nhỏ nhoi tưởng như bị nuốt chửng bởi thiên nhiên kỳ vĩ, nhưng không, nó sống cùng, hòa cùng đá.
Tại Đồng Văn, du khách có thể ghé thăm nhà Vương, ngôi nhà trình tường 2 tầng trong bộ phim "Chuyện của Pao", thăm những cánh đồng hoa hồng trên đá, chợ phiên, các thị trấn cổ... Trên đường chinh phục Mèo Vạc sẽ đi qua đèo Mã Pì Lèng, một trong tứ đại đỉnh đèo nguy hiểm nhất miền Bắc. Khung cảnh nơi đây như một giai điệu trầm bổng, trên này là con đường Hạnh phúc được dựng xây từ xương máu của đồng bào các dân tộc Hà Giang, dưới kia là vực sâu có dòng sông Nho Quê mềm mại xanh màu ngọc bích. Đi qua cổng trời Quản Bạ, làm dáng bên Núi đôi, bạn sẽ chạy xe trên một con đường tuyệt đẹp hai bên là rừng thông xanh bạt ngàn. Không khí trong lành, ngọn gió khẽ đưa mùi thơm của núi rừng trong trẻo. Cả con đường dài vài chục km tịnh không bóng hình, nếu đi đêm không khỏi rợn người.
Quang cảnh chụp từ chân cột cờ Lũng Cú với con đường chữ M xinh đẹp.
Cột cờ Lũng Cú cách thị trấn Đồng Văn 24 km. Dân cư tập trung nhiều hơn nơi khác. Tháng 4 đến đây vẫn dễ dàng bắt gặp những cánh đồng hoa tam giác mạch trái mùa. Hoa không tươi tốt như mùa tháng 10 nhưng vẫn đủ say lòng du khách ghé thăm, bởi vẻ hoang dã, mộc mạc.
Sau một hồi vừa leo vừa nghỉ 389 bậc, và leo thêm 140 thang xoắn ốc cũng lên được cột cờ Lũng Cú - điểm cột mốc cực Bắc cao trên 1.700 m so với mực nước biển. Gió mạnh, không khí loãng, chỉ có tiếng cờ phần phật, đôi lúc xen lẫn tiếng kêu run run, chuếch choáng của những du khách sợ độ cao. Lá cờ rộng 54 m tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam tung bay trên bầu trời biên giới. Không hẹn mà gặp, những du khách đủ độ tuổi cùng hát vang bài "Tiến quân ca". Từ đỉnh này nhìn xuống có 2 ao nước hai bên núi quanh năm không bao giờ cạn. Vươn tầm mắt ra xa, Tổ quốc ta là một bức tranh diễm lệ, kỳ vĩ vô cùng.
Đến cao nguyên đá hãy tận dụng mọi cơ hội để ghi tạc những địa điểm đẹp vào trí nhớ. Để lúc rời Hà Giang, bạn sẽ không phải ôm nỗi tiếc nuối, nhớ thương nơi ấy - nơi địa đầu Tổ quốc, thiên nhiên khắc nghiệt, có những đồng bào chân chất "sống trong đá, chết mòn trong đá", hàng nghìn năm nay bảo vệ miềc cực Bắc Tổ quốc yên bình.