Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có những chia sẻ kỹ lưỡng về chuyển đổi số với 1.500 cán bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sáng 29/3.
Mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) Nguyễn Văn Thọ cho biết: Nhằm tạo nền tảng và chủ động tham gia quá trình chuyển đổi số, tỉnh đã tập trung thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và nhiều chương trình chuyển đổi số...Bước đầu đã đạt được nhiều kết quả như đưa vào vận hành trung tâm tích hợp, chia sẻ dữ liệu; liên thông văn bản điện tử giữa các cơ quan; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt hơn 60%…
Với những kết quả nói trên, BR-VT luôn nằm trong tốp đầu về chuyển đổi số, đứng thứ 4/63 tỉnh thành.
Hội nghị có sự tham gia của 1.500 đại biểu
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã đưa ra các giải pháp mà tỉnh cần làm để tiến hành chuyển đổi số với tinh thần: Khi chuyển đổi số thì tầm nhìn, quyết tâm của lãnh đạo là quan trọng nhất; phải bắt đầu từ những “nỗi đau” của chính mình.
Cụ thể, chuyển đổi số của tỉnh BR – VT được chia ra gồm 6 nhóm chính: Phát triển hạ tầng số; trở thành điểm đến công nghệ số; phát triển đô thị thông minh; phát triển chính quyền số; phát triển kinh tế số và phát triển xã hội số.
Thách thức mới, tầm nhìn mới, giấc mơ mới
Trả lời nhiều câu hỏi của lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ nhiều điểm cầu hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã giải đáp những trăn trở lâu nay của tỉnh về chuyển đổi số.
Theo đó, chuyển đổi số là thay đổi cách hành động, thay đổi mô hình vận hành, thay đổi thể chế... Đây là câu chuyện dám hay không dám làm của người đứng đầu. Không có quyết tâm chính trị, sẽ không xảy ra chuyển đổi số.
Hội nghị kết nối các điểm cầu.
Những việc chuyên môn về chuyển đổi số có thể khó với tỉnh, nhưng với Bộ TT&TT thì không. Chính vì thế, tỉnh hãy tham vấn Bộ để triển khai bài bản.
BR – VT đang có “nỗi đau lớn” là có 16 triệu khách du lịch đến, nhưng lưu trú chỉ có một ngày, vì thế ưu tiên chuyển đổi số lĩnh vực du lịch và trọng tâm trong năm nay là tăng thời gian lưu trú tại BR-VT và có doanh nghiệp sẵn sàng làm, tỉnh không cần đầu tư. Tỉnh có sẵn sàng làm không?
Nếu lãnh đạo tỉnh quyết tâm đẩy nhanh, sớm hoàn thành các nền tảng của chuyển đổi số trong giai đoạn 2021-2022 thì nên chi ra khoảng 2% ngân sách để thực hiện (trung bình thế giới đang là 1%). Bộ TT&TT cũng sẽ ra hướng dẫn tính toán những giá trị của chuyển đổi số tạo ra.
Tỉnh cần đặt ra bài toán công khai cho doanh nghiệp tìm lời giải và cùng triển khai, cả hai sẽ cùng thắng. Chuyển đổi số cũng cần sự tham gia của 4 bên ngay từ đầu, người dân, chính quyền, nhà chuyên gia và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Tại sao không mơ phát triển như Singapore, không mơ làm những điều vĩ đại cho đất nước Việt Nam đầu tiên ở BR-VT”
Việt Nam và thế giới như nhau về chuyển đổi số, thậm chí Việt Nam còn đi trước. Với việc đi đầu, công nghệ mới sẽ di dời về Việt Nam, nhân lực di chuyển về.
Bằng việc đi đầu, chúng ta thành người giỏi nhất, thế giới đến học hỏi, Việt Nam trở thành trung tâm thế giới thông qua việc cho áp dụng cái mới, ứng dụng cái mới, dùng cái mới để giải quyết bài toán của mình, để phát triển đột phá. Điều đó có nghĩa là BR-VT muốn trở thành một trung tâm chuyển đổi số thì chỉ cần làm một việc, là cho công nghệ xuất hiện ở đây và chỉ đúng một từ dám hay không dám; chỉ một người quyết định đó là người đứng đầu của tỉnh.
Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng đề xuất, tỉnh cần triển khai ngay các hạ tầng cơ bản chuyển đổi số trong năm 2021 như: Trục kết nối chia sẻ dữ liệu; thành lập trung tâm dữ liệu và phân tích Data Lake, đây là điều quan trọng vì chuyển đổi số quan trọng nhất là dữ liệu.
BR – VT đang làm tốt việc chuyển các hệ thống CNTT lên Cloud; việc thành lập trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC), tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2022 cần sớm chọn doanh nghiệp để triển khai. Trung tâm giám sát điều hành an toàn an ninh mạng SOC cũng cần sớm ra đời, đi cùng với IOC, đây là vấn đề để đảm bảo an toàn an ninh mạng.
Nền tảng hội nghị truyền hình trực tuyến đã đến cấp xã, nhưng phải kết nối được với các thiết bị di động như iPad, để một cuộc họp mọi người đều có thể tham gia.
Về chính quyền điện tử và chính quyền số, chiến lược quốc gia về chính quyền số sẽ được ban hành trong quý 2/2021. Theo Bộ trưởng, tỉnh nên dựa vào chiến lược này để triển khai chiến lược chính quyền số của mình. Trọng tâm là chính quyền điện tử hoàn thành trong năm nay với 100% dịch vụ công cấp độ 4.
Chuyển đổi số các ngành, tỉnh nên đặc biệt ưu tiên chuyển đổi số lĩnh vực du lịch và trọng tâm trong năm nay là tăng thời gian lưu trú tại BR-VT. Một số ngành khác là y tế, giáo dục và giao thông cũng ưu tiên làm trước.
Chuyển đổi số doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã… tỉnh có 500 doanh nghiệp công nghệ số, con số này cần phát triển lên 1.000, chủ yếu phát triển các doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số cho tỉnh và ưu tiên các doanh nghiệp địa phương. Tỉnh nên chọn 5-10 doanh nghiệp tiên phong để áp dụng chuyển đổi số trong năm 2021, làm gương cho các doanh nghiệp còn lại toàn tỉnh học tập. Đưa các hộ kinh doanh, hợp tác xã… lên sàn TMĐT.
Chuyển đổi số người dân và xã hội, tỉnh cần khuyến khích, hướng dẫn người dân dùng các nền tảng chuyển đổi số có sẵn, không phải đầu tư. Hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu các nền tảng số hợp với tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh phải đặt ra các mục tiêu mới, thách thức lớn, bởi nếu so sánh với một số tỉnh, thành phố trong nước thì BR-VT có thứ hạng cao, nhưng so với thế giới thì còn rất xa. Thách thức mới, tầm nhìn mới, giấc mơ mới sẽ thay đổi BR-VT.
“Tại sao không mơ phát triển như Singapore, không mơ làm những điều vĩ đại cho đất nước Việt Nam đầu tiên ở BR-VT”, Bộ trưởng đặt ra vấn đề.
Lãnh đạo tỉnh BR-VT có quyết tâm chính trị cao, nhất là khát khao và tầm nhìn của Bí thư. Tỉnh có quyết tâm đi đầu, làm nhanh, thành kiểu mẫu cho cả nước. Lấy chuyển đổi số là đột phá cho nhiệm kỳ này, để tạo ra nhiều giá trị mới cho tỉnh, cho người dân. Đây là điều kiện tiên quyết quan trọng nhất để chuyển đổi số thành công. Bộ TT&TT cam kết đồng hành, bên cạnh và hỗ trợ tối đa. Thông qua BR-VT để rút kinh nghiệm làm cho toàn quốc.
Cam kết thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số
Phát biểu sau phiên thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy BR-VT Phạm Viết Thanh cho biết, lãnh đạo tỉnh đã nhận thức rõ chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là đòn bẩy tạo sự đột phá cho kinh tế-xã hội tỉnh nhà.
Lãnh đạo tỉnh cam kết thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số với tâm thế rất cao. Bắt đầu là phải thay đổi nhận thức sâu rộng trong hệ thống lãnh đạo và cán bộ, viên chức cho đến người dân.
Bí thư Tỉnh uỷ BR-VT Phạm Viết Thanh: "Muốn đột phá thì phải luôn tự đổi mới"
“Hiện nay, BR-VT đang đứng trong tốp 4 cả nước về chuyển đổi số. Nhưng muốn tiến bước, tạo sự đột phá hơn thì phải luôn tự đổi mới, chấp nhận cái mới, mà cụ thể là trong dòng chảy của công cuộc chuyển đổi số”, ông Thanh nhấn mạnh.
Bộ TT&TT, đặc biệt là cá nhân Bộ trưởng cam kết hỗ trợ tỉnh hết mình, thì không có lý do gì mà tỉnh không làm được.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều ý tưởng, đề xuất khá hay, thì không lý do gì mà tỉnh không hợp tác, cùng nhau thực hiện mục tiêu chuyển đổi số.
Kinh tế của BR-VT có 4 trụ cột: cảng biển, công nghiệp, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.
Lãnh đạo tỉnh cùng Bộ TT&TT nhất trí tìm cách chuyển đổi số cho trụ cột du lịch trước, từ đó rút kinh nghiệm triển khai ra nhiều trụ cột kinh tế khác.
Nhiều đề xuất của doanh nghiệp với tỉnh BR-VT về chuyển đổi số Ông Vũ Quang, Giám đốc VOV24 Đài Tiếng nói Việt Nam đề xuất việc VOV đồng hành cùng BR-VT trong chuyển đổi số về y tế. Khi đó, mỗi người dân BR-VT tải ứng dụng VOV Bacsi24 về ngay lập tức được tặng 150.000 đồng. Ông Bùi Đức, đại diện ezCloud đề xuất tham gia vào quá trình số hoá các cơ sở lưu trú vừa và nhỏ ở BR-VT, hỗ trợ việc đặt chỗ trên các nền tảng ứng dụng với các gói dịch vụ khác nhau. Đại diện MobiFone đề xuất về mục tiêu 100% người dân BR-VT dùng smartphone trong năm 2021 như sau: Tỉnh giúp 3 nhà mạng tuyên truyền sẽ dùng 4G chứ không dùng 2G nữa. Ngoài ra, tỉnh cũng có cơ chế giúp nhà mạng giải quyết việc triển khai hạ tầng số. MobiFone đề xuất thí điểm triển khai công nghệ mới truyền thanh không dây cho một xã. Đại diện CMC muốn đồng hành với tỉnh trong việc xây dựng trung tâm dữ liệu chuyển đổi số. Chủ tịch BKAV đề xuất tỉnh đầu tư mạnh hơn cho ICT, áp dụng các giải pháp tổng thể về an ninh mạng. Đưa camera AI, chatbot, cung cấp robot lễ tân bằng AI vào du lịch... |