Hai tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất siêu khoảng 866 triệu USD, nhưng đừng vội mừng với kết quả này. Nói vậy là bởi vì, trước hết, hai tháng đầu năm là thời điểm có hai kỳ nghỉ Tết kéo dài, mọi chỉ số kinh tế vĩ mô chưa đủ để phản ánh xu hướng chung của nền kinh tế.
Thêm vào đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, hai tháng qua, nhập khẩu giảm 6,6% so với cùng kỳ, ước chỉ đạt 22,8 tỷ USD, một phần là do kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 13%; điện thoại và linh kiện giảm 7,6%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép giảm 9,6%...
Kỳ nghỉ lễ kéo dài khiến kim ngạch nhập khẩu giảm và cả kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng nhẹ sau 2 tháng (tăng 2,9%, ước đạt 23,7 tỷ USD) là dễ hiểu. Mặc dù vậy, một cách thẳng thắn, thì đây là những con số tiềm ẩn những thách thức, khó khăn của Việt Nam trong xuất nhập khẩu năm 2016. Đây là một thực tế đã được cảnh báo ngay từ cuối năm ngoái.
Chỉ hai tháng đầu năm, xuất khẩu dầu thô đã giảm tới 63%, chỉ ước đạt 250 triệu USD. Nếu giá dầu thô tiếp tục ở mức thấp như hiện nay, tăng trưởng xuất khẩu của cả nước sẽ bị tác động mạnh, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu các mặt hàng điện tử, máy tính, điện thoại gần như đã đạt ngưỡng xuất khẩu cao, khó có khả năng tăng trưởng mạnh, còn xuất khẩu hàng nông - thủy sản vẫn chưa được cải thiện. Nỗi lo xuất khẩu năm nay không đạt mục tiêu đề ra, giống như năm 2015 vẫn còn đó.
Trên một khía cạnh khác, cũng phải thấy rằng, khi nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất giảm thì rất có thể, cũng sẽ ảnh hưởng tới sản xuất và xuất khẩu trong những tháng tới đây.
Mặc dù khả năng này là ít xảy ra, bởi những số liệu thống kê hai tháng đầu năm cho thấy, nền kinh tế đang tiếp tục xu hướng hồi phục tích cực. Chẳng hạn, hai tháng qua, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp vẫn tăng 6,6%; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 1% về số doanh nghiệp, đạt 13.904 doanh nghiệp, nhưng tăng 45,8% về vốn đăng ký, đạt 113.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm nay là 7.416 doanh nghiệp, tăng 69,5% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù vẫn còn có một số lượng không nhỏ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng đã đạt mức tăng khá cao kể từ đầu năm tới nay, sau khi trừ yếu tố giá còn 8,3%.
Đây là những chỉ báo cho thấy, sản xuất sẽ có chiều hướng phục hồi tốt trong thời gian tới. Đó là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Nhưng một khi sản xuất phục hồi, và khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào sẽ tăng cao. Khi ấy, nhập siêu sẽ quay trở lại.
Tổng cục Thống kê khi công bố số liệu thống kê về tình hình xuất nhập khẩu hai tháng đầu năm cũng đã bày tỏ quan điểm này. Và trên thực tế, đây cũng là điều được các chuyên gia kinh tế cảnh báo ngay từ cuối năm trước. Nhu cầu nhập khẩu tăng cao, trong khi xuất khẩu còn khó khăn thì nhập siêu có thể sẽ trở nên căng thẳng trong năm nay, tác động tiêu cực tới cán cân thanh toán quốc tế, tới dự trữ ngoại hối và tỷ giá...
Bởi vậy, không thể nhìn vào mức xuất siêu gần 1 tỷ USD trong hai tháng qua mà vội mừng. Cần tiếp tục điều hành cẩn trọng, để kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định và hồi phục bền vững trong năm nay, năm bắt đầu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Theo Hà Nguyễn / baodautu.vn